Với hành trang trình độ tay nghề, kỹ năng và ngoại ngữ tiếng Anh yếu kém, làm sao lao động Việt Nam có thể bước vào sân chơi tự do di chuyển tìm việc làm trong cộng đồng ASEAN sắp mở rộng cửa?
Tụt hậu quá xa…
Đến nay, ASEAN đã thỏa thuận 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển gồm dịch vụ kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, khảo sát, y khoa, nha khoa, kế toán, du lịch. Cũng theo các thỏa thuận, nhân lực chất lượng cao, chuyên gia, thợ lành nghề hoặc trình từ độ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh thì được di chuyển tự do hơn. Như thế, việc hình thành cộng đồng ASEAN mở ra nhiều cơ hội để giáo dục nghề nghiệp Việt Nam phát triển, tiếp cận với trình độ tay nghề trong khu vực và thị phần việc làm cũng hấp dẫn hơn. Thế nhưng, cơ hội chỉ là lý thuyết nếu chúng ta không có giải pháp đột phá, vượt qua được thách thức, khắc phục hạn chế, yếu kém trong đào tạo nguồn nhân lực như hiện nay.
Thợ lành nghề, có kỹ năng, giỏi ngoại ngữ sẽ dễ dàng di chuyển vào thị trường lao động ASEAN
Theo Bộ LĐTB-XH, lĩnh vực dạy nghề đã có nhiều chuyển động, trong đó lao động đào tạo nghề gồm cả dạy nghề chính quy lẫn thường xuyên và nhiều hình thức khác đã tăng lên 38,5% so với năm 2010 (tăng 18,5%). Thế nhưng, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang thiếu trầm trọng lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Cũng theo xếp hạng của WB, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đứng gần áp chót: thứ 11/12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng. Điều đáng báo động nữa là cơ cấu trình độ nhân lực của Việt Nam cũng rất bất cập, phát triển theo hình tháp ngược, không theo quy luật cung cầu của thị trường lao động. Trong đó, trình độ trung cấp, sơ cấp phải nhiều hơn nhiều lần so với lao động gián tiếp là đại học. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, chất lượng đầu ra kém là nguyên nhân tất yếu dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/5 so Malaysia, 2/5 so Thái Lan và so với các nước phát triển thì khoảng cách còn lớn hơn cả chục lần. Qua khảo sát thực tế, các chuyên gia WB và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cảnh báo việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, thái độ, tâm lý của lao động Việt Nam để sẵn sàng di chuyển sang làm việc ở các nước ASEAN chưa cao. Và rào cản lớn nhất phải tháo gỡ chính là ngoại ngữ tiếng Anh. Xét về khả năng sử dụng tiếng Anh thì các thí sinh Việt Nam có điểm trung bình thuộc nhóm thấp nhất: 5,78 (tính theo thang điểm từ 0 đến 9) và đứng sau Malaysia, Philippines, Indonesia. Nhìn vào bức tranh nguồn nhân lực có quá nhiều gam màu xám này, chúng ta không thể không lo lắng cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam khi bước vào sân chơi đầy thử thách này.
Cần chiến lược mang tính đột phá
Trong khi trường dạy nghề kêu cứu vì không có nguồn tuyển sinh và sản phẩm đầu ra nhiều nhưng giá trị sử dụng thấp, thì chúng ta vẫn đang loay hoay với bài toán thống nhất quản lý hệ thống dạy nghề theo hướng nào và ai là “tổng chỉ huy”? Hệ lụy từ sự chia cắt, bất cập về thể chế, cơ chế quản lý lĩnh vực dạy nghề nhiều năm qua đã khiến hệ thống này bị phân chia manh mún, đầu tư dàn trải và chất lượng đầu ra bị thả nổi.
Tại hội nghị nhìn lại chiến lược phát triển dạy nghề trong 5 năm 2011-2015 và định hướng cho 5 năm tới do Tổng cục Dạy nghề tổ chức tại TPHCM mới đây, nhiều ý kiến bức xúc chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong đầu tư, quản lý lĩnh vực này. Với mục tiêu đột phá, nâng cao chất lượng dạy nghề, bên cạnh nguồn vốn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia mà Chính phủ ưu ái, còn có nguồn vốn ODA của các nước, các tổ chức quốc tế hỗ trợ, đầu tư thêm. Chỉ tính trong 5 năm qua, tổng số dự án dạy nghề được Chính phủ, các tổ chức quốc tế tài trợ ở 40 tỉnh, thành phố trong cả nước là 65 dự án, ước tính 87 triệu USD, 6,8 triệu EUR và gần 700 tỷ đồng. Một nguồn lực tài chính “khổng lồ” được đầu tư cho dạy nghề và nó được sử dụng đúng mục đích hay không, hiệu quả đến đâu?
Qua kiểm tra giám sát việc thực hiện dự án dạy nghề, đoàn kiểm tra liên ngành của Tổng cục Dạy nghề đã phát hiện nhiều địa phương đầu tư, sử dụng nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề chưa đúng mục đích, mục tiêu của dự án, không đúng nghề trọng điểm đã phê duyệt… Cụ thể, để xảy ra tình trạng đầu tư mua sắm thiết bị kéo dài, không thẩm định thiết bị dạy nghề trước khi thực hiện, dẫn đến việc thiết bị mua về bị “trùm mền” không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích…
Có thể nói, dù mạng lưới dạy nghề đã tăng nhanh về số lượng (gần 1.500 cơ sở), phủ kín ở nhiều địa phương, nhưng nhìn tổng thể “cỗ máy” này vẫn chưa tạo được sức bật, hiệu quả thấp vì chuyển động ì ạch, thiếu sức mạnh tổng hợp, thiếu tầm nhìn chiến lược. Và như đánh giá của các chuyên gia nước ngoài thì nó đang tụt hậu quá xa so với năng lực, trình độ đào tạo nghề tiên tiến của các nước trong khu vực, trên thế giới. Trong nhiều hạn chế, bất cập được nêu ra, Tổng cục Dạy nghề cũng thừa nhận chiến lược dạy nghề đề ra lớn nhưng hiệu quả kém, chất lượng đào tạo nghề dù đã nâng cao nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước cũng như khu vực về trình độ tay nghề, kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp… Và trở ngại lớn nhất chính là đội ngũ giáo viên dạy nghề còn yếu về năng lực nghề, kỹ năng sư phạm, đặc biệt kém nhất là khả năng sử dụng ngoại ngữ tiếng Anh (chỉ có 3,7% đạt chuẩn B1).
Từ thực tế nêu trên, Việt Nam rất cần sự thống nhất về cơ chế quản lý, chính sách phù hợp để đề ra chiến lược dạy nghề mang tính đột phá, quy hoạch mạng lưới dạy nghề theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Có như thế mới đáp ứng được yêu cầu cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ chuẩn về tay nghề, kỹ năng, ngoại ngữ để di chuyển, hội nhập vào thị trường lao động ASEAN sắp mở rộng.
KHÁNH BÌNH