Cũng phải, phận làm dâu, tết nhất lấy đâu thời gian chơi tết, du xuân, từ trước đó mấy ngày đã mệt nhoài trong bếp. Thôi thì đủ cả, đã là tết, là phải “mâm cao cỗ đầy”, đón khách đãi đằng, ròng rã cả chục ngày. “Giá như… chẳng có tết”, cô bạn cảm thán nghe thương gì đâu.
Tết sum vầy, tết bình an, tết an khang… Mà đã sum vầy thì phải có ly rượu, mâm cỗ. Ngoài Bắc, người đi thăm nhau cũng chén rượu, mâm cỗ trao tay, rồi hội nhà, hội xóm, hội làng đủ cả. Ở trong Nam, đi tết là anh Hai, anh Ba, thằng Út phải “không say không về”. Bàn nhậu bày linh đình từ trong nhà ra sân, rượu thì gia chủ ghim cỡ vai chục lít trong nhà, tới dịp là bung. Gà vịt thì ê hề ngoài chuồng dưới ao, kỵ không cắt tiết nhổ lông mùng một thì ta “mần” trước, sơ chế để sẵn. Mà nói thiệt, kiểu khề khà quên ngày quên đêm, cũng chẳng cần nhiều mồi, đòn bánh tét, đĩa thịt kho hột vịt hay mấy trái khổ qua nhà nào cũng làm sẵn, là đủ… Đã thế, hết khề khà, lèm bèm cả ngày, tối đến còn “quắc cần câu” với đờn hát cả đêm. Gia chủ, mà ở đây nói thẳng ra là chị em phụ nữ mới là “nạn nhân” của tết, tưởng được mấy ngày thảnh thơi, ai ngờ còn cực hơn ngày thường…
Ông anh đồng nghiệp, có tinh thần tân tiến bảo, mấy năm nay, gia đình hầu như không ăn tết. Cứ tối mùng một là cả nhà xuất hành. Năm nào rủng rỉnh thì đi nước ngoài, năm nào ít đồng ra đồng vào thì ráng ráng đi trong nước. Ông anh nhất quyết: Cả năm ăn rồi, uống rồi, tết nhất phải đi chơi đây đó cho thảnh thơi. Chứ cứ ru rú ở nhà tiếp khách này nọ, chẳng đi được đâu thì còn gì là ý nghĩa du xuân. Ngược lại, nhà bà chị hàng xóm thì tất bật vì tết. Nhà có mấy mống mà đâu từ 20 tháng chạp tới tết, ngày đi chợ đã mấy lần, hết gói bánh, gói giò lại đến cả chục món phải làm trước tết. Chưa kể, tháng trước đó cả nhà hùng hục dọn dẹp, có khi đêm đến vẫn còn nghe tiếng kê bàn kê ghế. Chẳng hiểu cả năm có dọn dẹp nhà cửa không mà tháng trước tết là vợ chồng con cái mặt mày xanh lè vì lau dọn búa xua. Có lần, bà chị kéo vô nhà mở hai cái tủ lạnh ra coi, thấy mà ớn lạnh. Đồ ăn thừa mứa, chứa trong bịch to bịch nhỏ, hộp lớn hộp bé, kiểu ăn hết tháng giêng cũng chưa hết. Hỏi, bộ mấy ngày tết nhà bà chỉ có ở nhà ăn không, không đi dạo phố đón xuân hay sao, bà chị hàng xóm thiệt tình: “Gì chứ có mấy ngày tết, đón ông bà về, cũng phải “mâm cao cỗ đầy” cho các cụ no đủ”. Dân ta, khổ vì tết là vì vậy!
Chưa đâu, tết ngoài ăn, ngoài nhậu, còn có thú vui dân dã là cờ bạc. Về khoản này, cũng là “đặc sản” của dân Nam bộ. Từ bầu cua cá cọp, tứ sắc, xì dách, tiến lên; từ trong nhà ra ngoài ngõ, đâu cũng râm ran rộn ràng. Bao nhiêu tiền lì xì mừng tuổi, tiền kiếm được trước tết, trong tết đều đổ cả vào những ván bài. Vui vui thì vài chục ngàn, máu đỏ đen trỗi dậy là vài trăm ngàn hay cả triệu một ván. Tít mít bên sới bạc đến quên cả tết là chuyện thường. Mà vụ này không chỉ có mấy ông, mấy bà cũng là “con nghiện” không kém. Chơi xuân đâu không thấy, toàn thấy chơi bạc, hò hét tưng bừng.
Tết truyền thống nhất định phải có, ai kêu gọi bỏ tết là bậy hết sức. Cả năm vất vả, có mấy ngày tết yên bình, không phải đi làm, không phải lo kiếm tiền là niềm vui thực sự của mọi người. Tết còn là dịp sum vầy của con trẻ bên ông bà cha mẹ, mừng cho tuổi mới an yên. Nhưng tết chỉ nên là chơi tết, vui tết chứ không phải là “làm tết”. Tết thì cứ đi chơi đi, cứ thoải mái nghỉ ngơi hay nói trắng ra là bớt ăn uống, bớt nhậu nhẹt đi. Có vậy, tết mới là tết!