Trước thực trạng giá một số loại sữa ngoại không ngừng tăng trong thời gian gần đây, các công ty sữa nội vẫn kìm giá để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, cam kết này có thể chỉ giữ được đến hết năm 2011.
Khó khăn
Từ đầu năm 2011, bên cạnh các hãng sữa ngoại quen thuộc như Abbott, Dutch Lady, Dumex… còn xuất hiện khá nhiều nhãn sữa ngoại mới có nguồn gốc từ Mỹ, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc ở thị trường Việt Nam. Hầu hết các hãng sữa này đều có mức chiết khấu cao, trưng bày đẹp và chính sách khuyến mãi khá hấp dẫn để thu hút người tiêu dùng, tạo nên môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các hãng sữa nội và sữa ngoại về mặt giá cả, uy tín thương hiệu và phân chia thị phần.
Sức mua những tháng qua có giảm, doanh số của các hãng sữa cũng giảm theo. Để duy trì lợi nhuận, các hãng sữa đã tăng giá. Tuy nhiên, chị M.X., chủ một đại lý sữa trên đường Phạm Văn Hai quận Tân Bình TPHCM, cho biết: “Sữa tăng giá nhưng đa số người tiêu dùng chỉ phàn nàn vậy thôi chứ vẫn thích mua sữa ngoại. Trong thâm tâm nhiều bậc làm cha mẹ, thứ gì cũng có thể giảm chi tiêu trong thời buổi khó khăn chứ sữa thì không. Còn chưa kể một số bé chỉ hợp loại sữa đó, nếu chuyển sang loại khác, bé không hấp thụ được, dẫn đến tiêu chảy hoặc không tăng cân. Do vậy, các bậc phụ huynh sẵn sàng chịu khoản chi phí cộng thêm này cho sữa ngoại”.
Trong khi đó, tình hình kinh tế năm 2011 tiếp tục đặt các hãng sữa nội trước nhiều thách thức, cả về nguồn vốn khi lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, chưa có diễn biến mới trong việc giảm lãi suất theo yêu cầu của Chính phủ.
Do vậy, doanh nghiệp sản xuất không thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ hoặc các tổ chức nước ngoài. Vốn vay hiện nay là vay ngắn hạn có thế chấp, doanh nghiệp không thể vay trung hạn để đầu tư trang thiết bị hoặc thay đổi công nghệ sản xuất, dẫn đến tình trạng thiết bị lạc hậu so với các nước trong khu vực.
Cũng vì thiếu vốn để phát triển thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam trở nên yếu thế trên sân nhà trong lĩnh vực tiếp thị quảng bá sản phẩm và hầu như đã nhường toàn bộ thị trường thành thị cho các sản phẩm nhập khẩu.
Giữ giá
Trước bối cảnh kinh tế khó khăn và bản thân doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng với mong muốn chia sẻ một phần với người tiêu dùng trong nước, nhiều thương hiệu sữa nội đã tham gia bình ổn giá và cam kết không tăng giá bán một số sản phẩm. Trong đó, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (NutiFood) cam kết không tăng giá bán nhóm sữa bột dinh dưỡng cho trẻ em dưới 12 tháng và nhóm sữa bột bổ sung canxi cho người cao tuổi.
Cụ thể, Vinamilk tham gia chương trình bình ổn giá tại TPHCM từ tháng 5-2011 với 6 loại sữa: Dielac Alpha step 1 HT (loại 400g và 900g), Dielac Alpha step 2 HT (loại 400g và 900g), Dielac Alpha step 2 HG và Vinamilk canxi HT 375g. Nutifood cũng đưa 6 loại sữa tham gia bình ổn giá, gồm: NutiIQ step 1, NutiIQ step 2 dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi (loại 400g và 900g) và sữa Obilac (loại 400g và 900g) dành cho người cao tuổi. Công ty CP Thực phẩm HanCo (Hancofood) cũng chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng bằng cách không tăng giá các sản phẩm Dollac Pro, Dollac IQ đến hết năm 2011.
Tuy nhiên, cam kết bình ổn giá từ các hãng sữa nội có khả năng chỉ duy trì được đến hết năm 2011 khi các yếu tố cần thiết cho việc bình ổn giá ngày càng lung lay. Theo anh Phạm Ngọc Châu, Giám đốc Hancofood, tình hình kinh tế hiện nay không riêng gì Hancofood mà hầu hết các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đều gặp khó khăn do nguồn vốn không dồi dào như các “ngoại binh” nên phải chịu yếu thế trên “sân nhà” về mặt tiếp thị và quảng bá sản phẩm.
Cùng quan điểm trên, đại diện một hãng sữa nội cho biết: Tỷ giá hiện nay so với cùng kỳ năm 2010 đã tăng 6%, kéo theo giá nguyên liệu sản xuất cũng tăng theo do tỷ giá; lãi suất ngân hàng rất cao nhưng doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được, cùng với quyết định tăng lương tối thiểu, khiến chi phí sản xuất tăng đáng kể. Việc các hãng sữa nội còn kìm được giá đến hết năm 2011 đã là cố gắng hết sức mình.
Nếu sức mua không tăng và người tiêu dùng vẫn mang tâm lý sính ngoại thì sớm hay muộn, sữa nội cũng sẽ tăng giá, nhất là vào dịp tết.
Như vậy, thị trường sữa trong nước đang tồn tại hai xu hướng trái ngược nhau: một bên sữa ngoại tăng giá không cần đưa ra lý do hoặc đưa ra những lý do không hợp lý nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng; một bên sữa nội cố gắng kìm giá nhưng vẫn hụt hơi trong cuộc chiến giữ thị phần.
Từ tháng 9-2011, một số nhãn sữa ngoại đã điều chỉnh giá sữa tăng 4%-15%. Công ty FrieslandCampina Việt Nam đã đồng loạt tăng giá các loại sữa bột Dutchlady, Friso, Friso Gold, Friso Gold Mum từ 5.400 đến 81.000 đồng/hộp, nhưng không giải thích nguyên nhân tăng giá. Hãng sữa Dumex cũng tăng 10%-13% với Dumex Mama 800gr lên 264.000 đồng/hộp thiếc, Dumex Dulac 800gr lên 375.000 đồng/hộp. Hãng sữa Nestlé điều chỉnh tăng giá dòng sữa Lactogen từ 3% đến 10%. Hãng sữa XO của Hàn Quốc tăng 15.000 - 30.000 đồng tùy hộp. Riêng hãng Abbott, đơn vị sở hữu các nhãn hàng Ensure Gold, Similac, Grow... cũng đã có thông báo tăng giá đến các đại lý và đang chờ ngày chính thức áp dụng giá mới. |
MAI THI