
* Nước mặn xâm nhập ĐBSCL 60km
(SGGPO).- Theo thông tin cập nhật từ Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai sáng nay 26-1, số lượng gia súc (gồm chủ yếu trâu bò, dê và heo) bị chết rét và băng giá đang tăng nhanh.
Thống kê sơ bộ tại các tỉnh đang xảy ra thiệt hại nặng cho thấy đã có ít nhất 773 con gia súc bị chết rét, trong đó Lào Cai: 174 con; Lai Châu: 46 con; Yên Bái: 36 con; Sơn La: 89 con, Điện Biên: 68 con, Lạng Sơn: 7 con, Quảng Ninh: 217 con, Hòa Bình: 106 con, Bắc Giang: 21 con, Bắc Kạn: 9 con… Trong khi đó vẫn còn nhiều tỉnh chưa có báo cáo về thiệt hại.

Số lượng gia súc chết rét đang tăng
Về nông nghiệp, băng giá, mưa tuyết và rét đậm rét hại đã làm ảnh hưởng khoảng 2.923ha hoa màu và 217ha cây công nghiệp ngắn ngày chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, các địa phương khác hiện vẫn chưa thống kê kịp.

Tuyết phủ trắng rau màu
Về giao thông, trên Quốc lộ 4D khu vực Thác Bạc - Sa Pa (Lào Cai) lên đèo Ô Quy Hồ - giáp ranh địa phận tỉnh Lai Châu và Lào Cai, do có băng tuyết đang tan hoặc còn bám dày kết hợp mưa gây trơn trượt, không đảm bảo an toàn nên có khoảng 30 xe tải và xe khách đang mắc kẹt tại khu vực này 2-3 ngày nay.
Trước tình hình diễn biến thiên tai phức tạp và gây hậu quả nặng nề, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 153/CĐ-TTg ngày 25-1 chỉ đạo các bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc đến Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống rét đậm, rét hại.
Công điện nêu rõ: Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ rất mạnh tăng cường liên tục, tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã xảy ra đợt rét hại trên diện rộng, xuất hiện băng giá, mưa tuyết ở vùng núi cao, nhiệt độ xuống mức thấp nhất 40 năm qua, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hoa màu và chăn nuôi gia súc.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, rét đậm, rét hại còn tiếp tục kéo dài trong một vài ngày tới, tại các tỉnh miền núi phía Bắc có khả năng xảy ra băng giá và mưa tuyết ở vùng núi.
Để hạn chế thiệt hại do rét đậm, rét hại đối với người dân sản xuất nông nghiệp, chủ động bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai nghiêm túc chỉ thị về việc phòng, chống đói, rét cho gia súc trong vụ Đông Xuân 2015-2016 và chỉ đạo công tác phòng chống rét cho thủy sản nuôi. Chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến thời tiết và thông báo, hướng dẫn nhân dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét, bảo đảm an toàn cho người, sản xuất nông nghiệp, hạn chế thiệt hại.
Bộ NN-PTNT theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân triển khai các biện pháp phòng, chống rét, nhất là việc bảo đảm nguồn thức ăn, nước uống, che chắn chuồng trại để chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc; triển khai các biện pháp tránh rét cho thủy sản nuôi. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn kế hoạch sản xuất phù hợp đối với cây trồng, vật nuôi và thủy sản.
Bộ TN-MT chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, dự báo, thông tin kịp thời cho các địa phương, cơ quan liên quan và nhân dân biết để chủ động phòng, tránh.
Hiện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã cử đoàn công tác đến các tỉnh Lào Cai và Lai Châu phối hợp chỉ đạo công tác ứng phó với rét đậm, rét hại.
* Cũng theo thông tin mới nhất từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sáng 26-1, hiện tại độ mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 4g/l đã có phạm vi ảnh hưởng từ 30-65km, trong đó xâm nhập mặn nhất tại sông Vàm Cỏ có phạm vi ảnh hưởng 63-65km; các cửa sông thuộc sông Tiền có phạm vi ảnh hưởng 40-45km; các cửa sông thuộc sông Hậu có phạm vi ảnh hưởng khoảng 32-35km; khu vực ven biển Tây, sông Cái Lớn có phạm vi ảnh hưởng 40-45km. Độ mặn đạt giá trị cao nhất từ ngày 25 đến 27-1, sau đó giảm theo triều. Nguyên nhân do thủy triều lên trong khi nguồn nước từ thượng nguồn thiếu hụt, dòng chảy các sông đều kém. Hiện tại, Nam bộ lại đang vào cao điểm mùa khô.
PHÚC HẬU