Trung Quốc

Gia tăng giáo dục nếp sống văn minh

Gia tăng giáo dục nếp sống văn minh

Với đích ngắm là Thế vận hội 2008, Chính phủ Bắc Kinh đang thực hiện chiến dịch sống một cách văn minh hơn.

Gia tăng giáo dục nếp sống văn minh ảnh 1

Cười đúng cách (như các cô tiếp viên hàng không Air China) cũng nằm trong khuôn khổ chiến dịch nếp sống văn minh.

“Hầu hết người Trung Quốc đều rất tự tin về phần cứng cho Thế vận hội 2008” – theo giáo sư Ge Chenhong thuộc Đại học Nhân dân, cố vấn chiến dịch văn minh của Chính phủ Bắc Kinh – “Nhưng cần có nhiều thời gian hơn để cải thiện phần mềm, đặc biệt là cách ứng xử. Đây thật sự là một vấn đề”. Tháng 4-2005, tổ trọng tài cuộc thi snooker thế giới đã khiến khán giả Trung Quốc xấu hổ bởi thái độ thiếu tôn trọng vận động viên.

“Thói hành xử xấu đã trở nên vô kiểm soát tại một cuộc thi thể thao có thể phát triển thành ung thư và tiêu diệt toàn bộ Thế vận hội” – tờ Trung Hoa nhật báo bình luận, trong bài báo hôm sau sự kiện xảy ra. Tháng 7-2005, báo chí Trung Quốc lại một phen lên tiếng khi khán giả, trong một trận bóng rổ, đã ném đồ xuống sân và văng tục loạn cào cào sau khi một cầu thủ Trung Quốc bị chơi xấu trong trận đấu với Puerto Rico.

Thể hiện trong (khán đài) thể thao thật ra là phản ánh thói quen hành xử tương tự của nhiều người Trung Quốc ngoài xã hội. Trong khi đó, như lời Trưởng khoa Xã hội học, Đại học Nhân dân, Li Lulu: “Phong cách sống thể hiện ở hành vi lịch sự và tôn trọng nhau là cần thiết cho việc giao tiếp giữa cá nhân này với cá nhân kia. Không có luật, ai cũng có thể bị tổn thương”.

Chiến dịch đang triển khai với tốc độ cao nhất. Các chương trình trò chuyện truyền hình, kịch, tiểu phẩm hài – tóm lại là nhiều hình thức, phương tiện truyền thông được tận dụng để hướng dẫn dân chúng sống lịch sự hơn, từ cách đi đứng-xếp hàng nơi công cộng đến việc dùng điện thoại. Nhiều trường đại học tổ chức các cuộc thi ứng xử; biểu ngữ tuyên truyền được dán khắp làng mạc và bà con chòm xóm được khuyến khích tham gia cuộc thi “Cộng đồng văn minh”.

Cuối năm nay, “lối sống phi văn minh sẽ biến mất tại Thượng Hải” – tờ Trung Hoa nhật báo khẳng định một cách lạc quan sau khi điểm qua một số nét trong chiến dịch “Hãy trở thành người Thượng Hải đáng yêu” của chính quyền thành phố này. Đứng đầu danh sách những điều cần cấm tức thì (dựa vào loạt thăm dò các địa phương) là khạc bừa bãi và “đi toilet” trên vỉa hè (đó là chưa kể nam giới ở trần “bát phố” hoặc các bà phơi nội y ở ban công).

Chiến dịch không phải không gặp khó khăn. Trung Quốc hiện thời đã giàu hơn nhưng không ít người Trung Quốc chưa có thời gian hấp thu lối sống văn minh mới. “Ở đây, bạn có thể thấy những người mới hôm qua còn chưa có cái ăn mà hôm nay đã là triệu phú” – lời kể của June Yamada, hiệu trưởng một trường dạy nghi thức giao tiếp và ứng xử, tác giả quyển Hãy nói như thế này, bạn nhé! – “Họ có được ăn học đầy đủ hồi nào đâu”. 

Dù vậy, chuyển biến tích cực cũng bắt đầu hình thành. June Yamada (bố người Đài Loan, mẹ người Nhật) cho biết, các trường dạy ứng xử đang mọc nhiều hơn. Nhiều trường còn mời giảng viên phương Tây. Giới doanh nhân là thành phần học viên chiếm tỷ lệ cao. Website Alibaba.com – cầu nối giữa giới doanh nghiệp Trung Quốc với các nhà buôn sỉ phương Tây – đã nhận ra khoảng cách ứng xử văn hóa giữa Trung Quốc và phương Tây không lâu sau khi thành lập năm 1999.

Từ đó, Alibaba đã dạy hơn 5.000 công ty Trung Quốc một số kiến thức cơ bản trong làm ăn với phương Tây, chẳng hạn phản hồi đúng hẹn; sử dụng ngôn ngữ lịch sự và đặc biệt không “xí gạt” khách hàng. Mùa hè 2005, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã tung ra “Tháng giáo dục ứng xử trong công ty” trong khuôn khổ chiến dịch văn minh thực hiện toàn quốc. Hơn 100.000 công nhân phải tham gia khóa huấn luyện cách cười; vận vớ sạch khi đến công sở; vệ sinh cá nhân tươm tất...

Tại Thượng Hải, một phần trong nội dung chiến dịch bao gồm lời khuyên phụ nữ không nhuộm tóc xanh, tóc vàng hoặc vận quần áo thời trang quái đản và đặc biệt tống tiễn loại quần kaidangku lâu đời (dành cho trẻ em – nam lẫn nữ – với lỗ khoét bên dưới để có thể tiểu tiện tùy thích bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu).

Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng kaidangku là “nét quá đặc thù” của xã hội Trung Quốc và chẳng việc gì phải mắc cỡ với nó. Huang Wei, 31 tuổi (nhân viên truyền hình, mẹ của một em gái 4 tháng tuổi), nói rằng mẹ mình, bà ngoại cũng như vô số thế hệ trước đó từng mặc kaidangku nên con gái cô bây giờ cũng thế! Cái sự “cũng thế” này cho thấy vấn đề điều chỉnh nếp sống văn minh tại Trung Quốc còn nhiễu sự vô cùng.

LÊ THẢO CHI

Tin cùng chuyên mục