Sau nhiều ngày leo thang, sáng 22-2 (mùng 9 Tết), giá nhiều mặt hàng thiết yếu như rau, thịt, cá, gà và trứng tại các chợ sỉ và lẻ đã dần ổn định.
- Hải sản tươi chưa giảm
Trong 2 ngày cuối tuần, số lượng hàng về các chợ đầu mối liên tục tăng. Tại chợ Tam Bình, theo số liệu từ phòng kinh doanh cho biết, có khoảng 900 tấn rau củ quả, 1.300 tấn trái cây, tăng gấp nhiều lần so với cách đó khoảng 3 ngày. Tại 3 chợ đầu mối Tam Bình, Bình Điền và Hóc Môn giá bán sỉ hầu hết các mặt hàng đều có xu hướng giảm, dù vẫn còn khá cao so với những ngày thường. Cụ thể khổ qua 4.000 đồng/kg, bắp cải tròn 5.000 đồng/kg, cải thảo 15.000 đồng/kg, cà rốt Đà Lạt 10.000 đồng/kg, bông cải trắng 18.000 đồng/kg, dưa leo 20.000 đồng/kg, cà chua 8.500 đồng/kg…
Song song với mặt bằng giá rau củ quả tại các chợ sỉ, mặt bằng giá rau củ quả tại chợ bán lẻ ngày hôm qua cũng “hạ nhiệt” khá nhiều, dù còn khá cao.
Tại chợ Bến Thành giá khổ qua vẫn ở mức 15.000 đồng/kg (trước đó 20.000 đồng/kg), bí đao 18.000 đồng/kg (trước đó 20.000 đồng/kg), dưa leo 25.000 đồng/kg (trước đó 30.000 đồng/kg)… Cũng tại chợ này và chợ Bình Tây (quận 6) nhóm giá hàng thủy hải sản khô đã “dịu” bớt: tôm khô loại thường từ 300.000 đồng/kg xuống còn 280.000 đồng/kg, loại đặc biệt từ 500.000 đồng/kg xuống còn 480.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, nhóm thủy hải sản tươi sống do lượng hàng về còn ít nhưng nhu cầu cao nên giá tiếp tục tăng: tôm càng xanh giá 300.000 đồng/kg, tôm sú 120.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng/kg so với giá tết). Riêng mực ống do lượng hàng về nhiều nên giá vẫn giữ ở mức từ 70.000 - 90.000 đồng/kg.
Đặc biệt sau gần 1 tuần lễ nhích nhẹ giá thịt heo và thịt bò hầu như đã trở lại mức giá ngày thường. Cụ thể tại chợ Bến Thành, giá thịt heo nạc 78.000 đồng/kg, thịt heo đùi 70.000 đồng/kg, thịt ba rọi 70.000 - 72.000 đồng/kg, thịt bò phi lê 166.000 đồng/kg. Riêng tại chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh) giá thịt bò còn 130.000 đồng/kg, giảm 15.000 đồng/kg so với mức giá cách đó 2 ngày.
So với nhiều thực phẩm khác giá thịt gà tương đối ổn định trong mấy ngày qua. Tại hệ thống cửa hàng bán lẻ của Phú An Sinh gà ta Tam Kỳ vẫn bán ở mức giá bình ổn là 80.000 đồng/kg đối với gà ta và 46.000 đồng/kg đối với gà thả vườn. Riêng gà công nghiệp do sức tiêu thụ giảm mạnh trong dịp tết, dẫn đến lượng hàng tồn khá nhiều nên giá giảm đến 7.000 đồng/kg, hiện còn khoảng 17.000 đồng/kg.
Cùng ngày theo thông tin từ Sở Công thương, giá trứng vịt hiện cũng xuống còn 22.000 - 23.000 đồng/chục (giảm 2.000 - 3.000 đồng/chục) so với mức giá những ngày cận tết. Cùng với những mặt hàng trên, giá một số loại cá đồng tại chợ Thị Nghè và chợ Bà Chiểu quận Bình Thạnh cũng tiếp tục giảm thêm 3.000 - 5.000 đồng/kg. Theo đó cá diêu hồng loại lớn (từ 1kg/con trở lên) giá 38.000 đồng/kg, loại nhỏ từ 500 - 700gram/con giá 35.000 đồng/kg, cá lóc 45.000 đồng/kg.
- Nhà hàng “neo” giá
Nhận định chung về giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong ngày hôm qua, ban quản lý các chợ bán lẻ cho rằng, dù mặt bằng giá chung hiện nay đã giảm nhiều, nhưng nếu so với ngày thường còn ở mức cao. Trong đó tình trạng cố tình tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa” nhằm móc hầu bao của khách hàng vẫn xảy ra ở nhiều điểm bán. Cụ thể, một số điểm bán trái cây trên đường Lê Văn Thọ, phường 11, quận Gò Vấp mặc dù giá dưa hấu dài nhiều nơi đã xuống còn 5.000 đồng/kg nơi đây bán đến 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, loại dưa này tại các chợ bán sỉ hiện nay chỉ có 3.000 đồng/kg.
Không những thế, nhiều điểm bán còn cố tình lấy cớ giá xăng vừa tăng (vào ngày 21-2) nên cố tình “neo” giá, không chịu hạ giá theo đúng những biến động chung của thị trường để trục lợi. Điển hình là các nhà hàng quán ăn cứ muốn “lên” không chịu “xuống”, dù hầu hết các đơn vị cung cấp thực phẩm đã thực hiện nghiêm yêu cầu của UBNDTP, bình ổn giá đến ngày 15-3.
Chính đều này đã đẩy tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân trong tháng 2 của TPHCM lên mức cao nhất trong vòng 17 tháng qua (với 1,68%). Trong đó nhóm dịch vụ ăn uống ngoài gia đình lên đến 2,66%. Lý giải về điều này, bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho rằng, trong những ngày tết do các siêu thị đóng cửa, các chợ đầu mối hàng hóa về chưa nhiều, nên mới có tình trạng giá cả leo thang.
Hiện nay hầu hết các siêu thị đã mở cửa trở lại trong đó hệ thống Co.opMart đã liên tục tăng cường lượng rau củ để phục vụ thị trường. Và 13 doanh nghiệp sau thời gian nghỉ tết cũng đã chuẩn bị lượng hàng đầy đủ để tiếp tục bình ổn giá đến ngày 15-3. Vì thế người tiêu dùng cần đến những điểm bán có uy tín để mua hàng có nguồn gốc, đảm bảo an toàn, giá được niêm yết công khai… Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng đầu cơ nâng giá, góp phần hạ nhiệt mặt bằng giá chung và không bị móc hầu bao một cách vô lý
LÊ MAI THI