Giá trị cổ vật là để hướng đến cộng đồng

Dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi đang được lấy kiến rộng rãi trong cộng đồng, nhưng câu chuyện được nhiều người quan tâm trong những năm gần đây chính là thanh khoản của cổ vật. Đặc biệt, tại các phiên đấu giá quốc tế, con số gõ búa vài chục triệu USD cho một món cổ vật nhỏ như một viên ngọc trong lòng bàn tay khiến giới sưu tập lẫn công chúng không khỏi ngạc nhiên. Nhưng liệu giá trị trăm năm chỉ dừng lại ở tiền?

Câu chuyện bảo vật quốc gia một lần nữa được quan tâm, chú ý khi ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” (triều Nguyễn) hồi hương vào cuối năm 2023. Sau nhiều lần đàm phán với nhà đấu giá cùng sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều tổ chức công - tư, ấn vàng hồi hương trả lại những giá trị di sản văn hóa - lịch sử cho Việt Nam. Đường về của bảo vật có sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước còn phải qua nhiều thủ tục như thế thì câu chuyện đưa cổ vật của các nhà sưu tập tư nhân hồi hương càng lắm gian nan.

Một thách thức khác với các nhà sưu tập chính là món đồ khi cần giám định, kiểm định thì mới thành lập hội đồng. Trong khi đó, ở trong nước hoàn toàn chưa có trung tâm giám định cổ vật cấp quốc gia để thực hiện việc giám định hiện vật một cách chuyên nghiệp.

Nguyên nhân nằm ở yếu tố nhân lực. Hiện vẫn chưa có quy định nào về việc cấp chứng chỉ cho chuyên gia giám định cổ vật. Nghị định số 61/2016/NĐ-CP chỉ quy định một trong hai điều kiện kinh doanh giám định cổ vật là “có 3 chuyên gia giám định cổ vật về các chuyên ngành theo hướng dẫn của Bộ VH-TT-DL”. Thông tư số 02/2017/TT-BVHTTDL ngày 5-7-2017 của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL quy định tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật cũng không có nội dung về cấp chứng chỉ.

Một khía cạnh khác cũng được giới sưu tập đặt ra khi Luật Di sản văn hóa sửa đổi đang lấy ý kiến chính là việc công nhận và chính sách bảo vệ cổ vật, di vật hay bảo vật quốc gia của Việt Nam. Thực tế cho thấy, một nguồn khá đáng kể trong các bộ sưu tập tư nhân chính là cổ vật, di vật từ nước ngoài đang tồn tại trong nước, do hoàn cảnh lịch sử hoặc do người dân, người nước ngoài mang vào Việt Nam từ xa xưa. Với những món đồ này, trong trường hợp thỏa mãn hết các yêu cầu về giám định, kiểm định sẽ được công nhận và bảo vệ ra sao? Hoặc trở lại vấn đề cần giám định, thẩm định những món đồ này thì tiếp tục thành lập hội đồng hay nên chăng có hẳn một trung tâm giám định di vật, cổ vật quốc gia để thuận tiện trong mọi việc?

Có thể thấy, về thủ tục, chính sách… và cả đội ngũ chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan đến di sản cần phải được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, thậm chí đạt chuẩn quốc tế để có thể mời gọi các nhà đấu giá lớn trên thế giới đặt văn phòng đại diện và giao dịch tại Việt Nam. Đường về rộng lối thì giá trị trăm năm hay ngàn năm của cổ vật càng được phát huy, không chỉ là tiền mà còn là bài học, bằng chứng lịch sử về sự phát triển hoặc khẳng định chủ quyền của Việt Nam từ nhiều đời nay thông qua các cổ vật tìm được.

Căn cứ vào tình hình thực tế và nhu cầu phát triển của xã hội, Luật Di sản văn hóa sửa đổi chắc chắn sẽ bổ sung những điều khoản hợp lý với dòng chảy đương thời. Trong đó, quan trọng hơn hết chính là yếu tố con người để vận hành, khai thác và phát huy giá trị của di sản. Một sự công nhận xứng đáng cho những người hoạt động trong lĩnh vực giữ gìn, phát huy giá trị di sản, nhất là di sản phi vật thể là rất cần thiết. Di sản sinh ra từ cộng đồng thì mọi giá trị cũng phải hướng đến cộng đồng, cần phải có người tiếp nối để phát huy… Đó mới chính là giá trị bền vững của cổ vật nói riêng và di sản nói chung.

Tin cùng chuyên mục