Giá trị của bình an

Trong dòng người ngược xuôi trên đường, chị chạy từ nhà lên Bệnh viện dã chiến số 1 Bình Chánh (số 113 đường Nguyễn Hữu Trí, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TPHCM) để kịp ca trực bắt đầu lúc 19 giờ.

“Mình chia hai cảm xúc, thấy mọi người tranh thủ về nhà, mình cũng nao nao, nhưng tụi mình đang ở tuyến đầu mà”, bác sĩ Phan Vũ Thục Nguyên (Bệnh viện huyện Bình Chánh, đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 1 Bình Chánh) chia sẻ.

Đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 1 Bình Chánh  làm việc trong đêm giao thừa 31-12-2021

1. Ca trực bắt đầu lúc 19 giờ tối và kết thúc vào 7 giờ sáng hôm sau, kíp trực ai nấy vào việc, người lo sổ sách, người làm chuyên môn. Theo dõi qua một lượt 50 bệnh nhân ở khu cấp cứu và 250 bệnh nhân ở khu nhẹ hơn, bác sĩ Nguyên cho biết: “Tình hình chung ở TP mình, 2 ngày nay ca bệnh đã giảm, nên công việc của các y bác sĩ cũng đỡ áp lực. Mấy tuần trước, tổng số bệnh nhân ở đây hơn 600 người, nhiều người đã khỏi bệnh và xuất viện nên hiện chỉ còn 300 bệnh nhân. Nhưng vào ca trực thì mình phải hết sức chú tâm, vì bệnh nhân ở khu cấp cứu phổi đã bị xâm lấn”.

Kim đồng hồ trôi dần về thời khắc cuối năm cũ, một năm mới của chị và kíp trực hôm nay bắt đầu từ một ca trực ở Bệnh viện dã chiến số 1 Bình Chánh. “Không có gì để buồn khi hôm nay mình không thể ở bên gia đình, từ khi đi chống dịch, ông xã và ba mẹ ở nhà hiểu và thông cảm nhiều lắm. Lực lượng y tế cả năm nay, nếu không có gia đình phía sau hỗ trợ thì cũng đuối lắm, nhất là những ai có con nhỏ như tôi. Hy vọng giao thừa Tết Nguyên đán tới hoặc xa hơn là giao thừa Tết Dương lịch năm sau, dịch bệnh được kiểm soát tốt, mọi người sẽ cùng nhau đón giao thừa bên gia đình”, bác sĩ Nguyên kể.

Có lẽ đêm đón chào năm mới năm nay đặc biệt hơn, khi tại các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 ở TPHCM, đội ngũ y bác sĩ vẫn miệt mài với trách nhiệm của người nơi tuyến đầu. Có những cuộc kết nối mà chúng tôi phải tạm gác lại, vì mọi người đang trong ca trực không thể nghe máy, vì có bệnh nhân cần hồi sức… Đủ lý do để đội ngũ blouse trắng đêm 31-12 vẫn bận rộn như mọi ngày.

2. Gần 20 giờ tối 31-12, vội vã sắp xếp ngăn nắp lại hồ sơ, giấy tờ kết thúc một ngày làm việc cuối năm, anh Tất Quang Minh (34 tuổi, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV - SATRA) trở về nhà. Từ quận 1, anh Quang Minh vòng qua quận 3 thăm ba mẹ ruột, lo cho đứa cháu học bài rồi anh mới chạy xe thẳng về nhà mình ở đường Đặng Thùy Trâm, phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tổ ấm này là nơi anh đang sống cùng vợ là chị Lê Vũ Thanh Ngân (30 tuổi), con gái Ruby 4 tuổi cùng ba mẹ và em trai vợ. Ở nhà, chị Ngân đã chuẩn bị bữa tiệc nhỏ để cả nhà cùng ăn bánh, uống trà, xem chương trình truyền hình cuối năm và trò chuyện.

Chị Ngân nói: “Giờ này chỉ có về nhà là nhất. Cơm nhà vẫn ngon nhất. Mọi năm, có thời gian, vợ chồng tôi đưa con đi ra ngoài đón năm mới cho có không khí, nhưng năm nay dịch, ở nhà mới an toàn”.

Chụp cùng cả nhà tấm hình ấm cúng, anh Quang Minh nhìn lại bức ảnh trong điện thoại, tâm sự: “Sau dịch, mình nhận ra rất nhiều điều. Tháng 7 vừa rồi, cả ba mẹ và em trai vợ đều mắc Covid-19, phải chuyển đến bệnh viện dã chiến điều trị. Thời điểm cuối năm như thế này, thật quý biết bao giá trị của từng giây, từng phút, từng giờ được ở cạnh bên người thân thương của mình. Quý giá nhất so với tất cả những gì đang có ở ngoài kia”.

3. Trong những giờ khắc chuyển giao năm mới, có những người vừa xong ca trực đêm và đâu đó có những gia đình vừa thắp một nén nhang cho người thân không may mắn trong đợt dịch vừa rồi…

Buổi tối cuối năm cũng như bao buổi tối khác, rất nhiều nhóm bạn trẻ vẫn xuống đường làm việc thiện nguyện. Đối với họ, ngày cuối năm là thời điểm muốn mang nhiều hơn sự san sẻ, yêu thương đến những mảnh đời kém may mắn.

Anh Bùi Văn Bi, Đội trưởng Đội Công tác xã hội Nhất Tâm, cho biết ngay trong tối 31-12, các bạn trẻ trong nhóm chia nhau chạy xe máy dọc các tuyến đường ở một số quận để phát 300 phần bánh mì kèm chai nước rửa tay sát khuẩn cho các cô chú bán vé số, người vô gia cư.

Thắp nhang liên tục cho ba mẹ được ấm trong tối cuối năm, ba chị em Phạm Trần Anh Thư (23 tuổi), Phạm Trần Anh Quốc (20 tuổi) và Phạm Trần Anh Thùy (11 tuổi) chắp tay cầu nguyện. Căn phòng trọ nhỏ xíu ở 2009/8A Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8 từng là nơi cả gia đình cùng quây quần ăn cơm, trò chuyện trong những ngày cuối năm, nhưng giờ chỉ còn ba đứa trẻ khi ba mẹ các em mất vì Covid-19. Anh Thư kể: “Mấy năm trước, cả nhà em không đi đâu đón năm mới mà ba mẹ sẽ nấu món tụi em thích nhất. Giản dị vậy thôi nhưng ấm cúng lắm. Sau những tháng ngày dịch bệnh quá khủng khiếp vừa qua, tụi em không còn ai cả. Năm đầu tiên không người thân buồn tủi thật nhiều. Nhưng dù sao, tụi em vẫn sẽ cố gắng sống tốt, để ba mẹ yên lòng”.

Ít nhiều giữa những chuyện không vui của dịch bệnh, người ta đã biết cách yêu thương và trân trọng phút giây hiện tại nhiều hơn, thẩm thấu hơn giá trị của sự bình an. Điều đó càng thêm ý nghĩa trong ngày cuối năm này… 

Tin cùng chuyên mục