
* Thị trường sữa diễn biến khó lường
Ngày 7-11 chứng kiến giá vàng biến động rất mạnh: vàng thế giới đã tăng 24,8 USD/ounce và đến 17 giờ Việt Nam, giá vàng lên mức 840,8 USD/ounce (lúc cao nhất lên đến 845,55 USD/ounce). Giá vàng trong nước cũng tăng rất nhanh và thậm chí tăng mạnh hơn giá thế giới do nguồn vàng nguyên liệu nhập khẩu trước đây đã cạn (các doanh nghiệp ngưng nhập do giá trong nước thấp hơn giá thế giới trong một thời gian dài). Vàng SJC từ 15,81 triệu đồng/lượng (ngày 6-11) vọt lên 16,5 triệu đồng/lượng, tăng 690.000 đồng/lượng, mức tăng trong ngày cao nhất từ trước đến nay.

Giá vàng tăng người mua e dè (Mua vàng ở Cửa hàng Thanh Niên). Ảnh: Thành Tâm
Giá vàng liên tục tăng vọt dù 2 ngày qua số người bán vàng ra nhiều hơn người mua vào. Vàng tăng phá kỷ lục đã khiến không ít người đầu cơ vàng thua lỗ nặng do dự đoán giá vàng sẽ đảo chiều nhưng thực tế đã diễn ra thật bất ngờ, khó đoán. Nhiều nhà đầu tư phải chuyển từ đô la Mỹ sang vàng để ngừng lỗ sau khi đã bán mạnh ra trước đó, càng góp phần đẩy giá vàng trong nước tăng mạnh. Với mức giá hiện nay, giá vàng trong nước đã ngang bằng và cao hơn một chút so với giá vàng thế giới: 840,8 USD/ounce, tương đương 16,45 triệu đồng/lượng (đã tính đủ thuế và phí).
* Mặc cho quyết định giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống còn 3% đối với các sản phẩm sữa, kem cô đặc có pha thêm đường và các chất ngọt khác chính thức có hiệu lực từ 6-11, nhưng tính đến chiều 7-11, giá hầu hết các sản phẩm sữa bột và sữa tươi trên thị trường hầu như vẫn ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm giá. Thậm chí một số nhãn hiệu còn tăng giá.
Giải thích về vấn đề này, nếu như trước đây các nhà phân phối độc quyền của Abbott, Mead Johnson, Dumex… đều đổ lỗi cho thuế nhập khẩu, tỷ giá euro, USD cao… thì nay các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất sữa đều cho rằng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, cụ thể giá sữa béo có nguồn gốc từ New Zealand hiện là 5.700 USD/tấn trong khi năm ngoái giá chỉ có 2.700 USD/tấn. Hơn nữa, các doanh nghiệp còn đưa ra nguyên nhân là do nhu cầu sữa toàn cầu mà đặc biệt là ở các nước châu Á như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc… hiện nay đều tăng mạnh. Trong đó Trung Quốc và Ấn Độ - 2 nước lớn nhất thế giới, nhu cầu tăng gần 50% so với cùng kỳ, trong khi nguồn cung nguyên liệu chính là Mỹ và New Zealand đang khan hiếm do ảnh hưởng bởi đợt hạn hán kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua.
Từ những lý do trên, đa số các doanh nghiệp sữa đều cho rằng khó có thể điều chỉnh giảm giá trong một vài ngày tới, nhất là đối với các công ty sản xuất sữa trong nước. Do đa số đều không chủ động được nguồn nguyên liệu (trừ Vinamilk ra hầu hết đều phải nhập hơn 80% nguyên liệu), nên giá sữa nguyên liệu nhập khẩu và giá sữa trong nước hiện nay được ví như quan hệ “thuyền và nước, nước lên thì thuyền lên”.
Giá sữa trong nước hiện nay thấp hơn giá sữa ngoại nhập đến 2 lần. Cụ thể: cùng trọng lượng 900g nhưng sản phẩm Enfakid A+ 4 của Mead Johnson giá 218.000 đồng/hộp, nhưng Dielac Alpha 4, 5, 6 của Vinamilk giá chỉ có 108.000 đồng/hộp, Nuti IQ của Nutifood chỉ có 105.000 đồng/hộp… trong khi xét về thông số hàm lượng các vi chất dinh dưỡng, các sản phẩm trong nước hoàn toàn không thua kém gì sữa ngoại nhập, thậm chí ngang bằng và cao hơn.
Mặc dù vậy, hiện đa số người tiêu dùng vẫn thích chọn sữa ngoại nhập hơn sữa nội và cứ nghĩ giá cao là tốt và tin vào các đợt quảng bá rầm rộ được phát sóng mỗi ngày. Chính vì thế, cũng như những mặt hàng khác, vẫn thị trường trong nước nhưng hiện nay hơn 50% thị phần sữa đều nghiêng về các sản phẩm ngoại nhập của các nhãn hiệu như Abbott, Mead Jonhson, Dumex, Meiji… Một nghịch lý nữa là hiện nay cùng một loại sữa nhập khẩu của Abbott nhưng giá bán ra tại các nước trong khu vực nhưng như Thái Lan, Indonesia… đều thấp hơn giá ở nước ta từ 30% trở lên.
Với những diễn biến khó lường như hiện nay, giá sữa sẽ… khó giảm trong thời gian tới dù thuế nhập khẩu dành cho nguyên liệu sữa và các sản phẩm bơ sữa đã giảm hơn 15% so với đầu tháng 8.
Th.Ng. - L.M.TH.