Để bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng cung liên tiếp cho thị trường thông qua đấu thầu. Với động thái này, nhiều kỳ vọng cung - cầu trong nước sẽ được cải thiện, giá vàng trong nước sẽ giảm theo để giảm chênh lệch so với giá trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, sau khi NHNN đã đưa ra thị trường 152.200 lượng vàng (tương đương trên 5,85 tấn vàng) qua sau 6 phiên đấu thầu vàng vừa qua, giá vàng SJC trong nước vẫn không giảm sâu như dự báo. Khó lý giải hơn nữa, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện cao hơn nhiều so với trước khi NHNN bán vàng ra lần đầu tiên.
Lập kỷ lục chênh lệch mới
Chỉ trong hai phiên giao dịch gần đây nhất, giá vàng trên thế giới đã giảm đến 120 USD/ounce (khoảng 3 triệu đồng). Tính đến ngày 15-4, giá vàng tại thị trường châu Á đang ở xung quanh mức 1.436.5 USD/ounce, tương đương khoảng 36,5 triệu đồng/lượng. Với sức ép giảm mạnh của thị trường thế giới, giá vàng SJC trong nước trong 2 ngày giao dịch gần nhất đã được điều chỉnh giảm theo, nhưng mức giảm chỉ bằng một nửa giá giảm của thế giới, khoảng 1,4 triệu đồng/lượng. Cụ thể, giá vàng SJC vào khoảng 11 giờ ngày 15-4 được Công ty SJC niêm yết ở mức 41,5 triệu đồng/lượng mua vào và 41,8 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, hiện giá vàng SJC đã cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5,3 triệu đồng/lượng so với chênh lệch trước khi đấu thầu ở mức hơn 3 triệu đồng/lượng, lập kỷ lục chênh lệch mới so với thời điểm tháng 12-2012 là 4,9 triệu đồng/lượng.
Lãnh đạo của một công ty kinh doanh vàng cho rằng, mức chênh lệch cao chứng tỏ giá vàng trong nước đang giảm rất cầm chừng so với mức giảm của thế giới. Theo tính toán của các công ty nghiên cứu thị trường, giá vàng thế giới vào đầu tháng 4 đã giảm đến 21% so với mức cao nhất trước đây, trong khi giá vàng trong nước chỉ giảm chưa đến 13%. “Gần 6 tấn vàng được đưa ra thị trường nhưng mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới trong nước đã được lập kỷ lục mới ở mức trên 5 triệu đồng/lượng cho thấy nỗ lực bình ổn thị trường vàng của NHNN vẫn chưa đạt kết quả. Giá vàng trong nước hiện vẫn quá cao khiến không ít người nghi vấn về việc liệu số lượng vàng đó có được đưa ra thị trường hay không?” - vị này cho hay.
Trả lại tiếng nói cho thị trường
Rõ ràng, mức chênh lệch giữa giá vàng SJC so với giá vàng thế giới và những thương hiệu vàng miếng khác đã lên cao một cách nghịch lý. Chính cơ chế độc quyền vàng đã làm nhu cầu về vàng SJC tăng đột biến, đẩy giá vàng thương hiệu này cao ngất ngưỡng so với giá vàng thế giới và vàng miếng của các thương hiệu khác. Để giải quyết những bất cập trên, TS Phạm Đỗ Chí cho rằng cần phải trả lại tiếng nói cho thị trường. TS Phạm Đỗ Chí nhận định: thực tế cho thấy, sau các phiên đấu thầu, giá vàng SJC trong nước đã bỏ xa giá vàng thế giới. Muốn giá vàng SJC xuống thật sự sâu cần nhanh chóng đem lại sự liên thông giữa giá vàng trong nước và thế giới. NHNN nên mạnh dạn mua từ tài khoản mở và bán vàng mạnh trong nước. Đừng đụng đến vàng trong dự trữ ngoại hối. Thay vì tập trung nghiên cứu các chính sách về vấn đề trên, việc NHNN hàng ngày phải định giá vàng chẳng khác nào đang ở trong cái nhà bị cháy nhưng không lo chữa lửa mà lại vác chổi quét nhà cho sạch.
Liên quan đến việc can thiệp vào thị trường bình ổn thị trường vàng, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng việc bình ổn giá vàng là một nhiệm vụ bất khả thi, không có bất cứ một quyền lực nào có thể can thiệp vào giá vàng vì giá vàng trong nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có giá vàng thế giới, trong khi đó giá vàng thế giới lại biến đổi từng giờ. Theo TS Võ Trí Thành, NHNN nên để vàng vận hành theo cơ chế thị trường. “NHNN phải quan tâm để ổn định thị trường vàng là làm sao thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới xuống vì với mức chênh lệch quá cao như hiện nay sẽ dễ tạo đầu cơ và nhập lậu vàng”. Phát biểu tại hội thảo liên quan đến vàng mới đây, TS Nguyễn Đại Lai, chuyên viên NHNN, cũng cho rằng, NHNN chỉ nên quản lý vàng trong cấu thành dự trữ ngoại hối Nhà nước bằng vàng thỏi, chuẩn quốc gia đồng thời là chuẩn quốc tế. Theo TS Nguyễn Đại Lai, NHNN chỉ đóng vai trò quản lý Nhà nước mà ở đó không có việc kinh doanh vàng, trừ trường hợp muốn thay đổi cơ cấu dự trữ ngoại hối để bảo toàn giá trị và không vì mục đích lợi nhuận. Đề xuất về cơ chế quản lý thị trường vàng, TS Nguyễn Đại Lai cho rằng, Nhà nước cần xóa bỏ ngay cơ chế độc quyền vàng miếng và tôn trọng quy luật thị trường.
Nhung Nguyễn
° Giá vàng SJC trong nước cuối ngày 15-4 được công ty SJC niêm yết ở mức 40,9 triệu đồng/lượng mua vào và 41,4 triệu đồng/lượng bán ra. Trong ngày giá vàng biến động mạnh, các DN kinh doanh vàng đã nới rộng biên độ mua bán có thời điểm lên đến gần 600.000 đồng/lượng để hạn chế rủi ro. Mặc dù giá thu vào thấp hơn giá bán ra khá nhiều và giá vàng trong nước hiện đã bỏ xa giá vàng thế giới đến hơn 5 triệu đồng, nhưng các DN kinh doanh vàng cho biết người dân vẫn mua vàng do giá vàng SJC trong nước đang ở mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Tại các tiệm kim hoàn quận 1, quận 3 và Bình Thạnh, người dân đến mua vàng khá đông so với những ngày trước. Tình hình giao dịch tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn trong ngày 15-4 cũng khá náo nhiệt, tuy nhiên, đa phần khách đến mua vàng với số lượng nhỏ lẻ, không đột biến. Đại diện Công ty PNJ cũng cho biết trong những ngày gần đây, sau khi giá vàng tuột mốc 42 triệu đồng vào cuối tuần trước, số lượng người mua bán vàng đã tăng gấp đôi so với những tuần trước đó.
° Hôm nay 16-4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng thứ 7 với 26.000 lượng (tương đương 1 tấn), giá tham chiếu là 41,3 triệu đồng/lượng. Trong 6 phiên đấu thầu trước, NHNN đã bán được 158.200 lượng cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.
HẠNH NHUNG - BẢO MINH
- Chứng khoán rớt theo vàng
Cùng với đà lao dốc của giá vàng, thị trường chứng khoán ngày 15-4 đã có một phiên giảm mạnh, mất 14,25 điểm, VN-Index còn 480,02 (giảm tương đương 2,88%) với 186 mã chứng khoán giảm giá, 51 mã chứng khoán đứng giá và 39 mã chứng khoán tăng giá. VN30-Index cũng giảm 16,94 điểm, còn 540,83 điểm (giảm tương đương 3,04%) với 29 mã chứng khoán giảm giá, 1 mã đứng giá và không có mã nào tăng giá. Tại sàn Hà Nội, HNX-Index chốt phiên cũng giảm 1,45 điểm, còn 58,87 điểm (giảm tương đương 2,4%) với 162 mã chứng khoán giảm giá, 53 mã chứng khoán đứng giá và 47 mã chứng khoán tăng giá. HNX30-Index cũng giảm 3,38 điểm, còn 110,48 điểm (giảm tương đương 2,97%). Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường khoảng 1.280 tỷ đồng.