Giá xử lý chất thải nguy hại leo thang, doanh nghiệp điêu đứng

Việc Nhà máy điện Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM lén lút đổ chất thải nguy hại (CTNH) ra môi trường là hành vi rất đáng lên án, tuy nhiên, không ít doanh nghiệp bức xúc cho biết, họ đang phải chuyển giao CTNH phát sinh trong hoạt động sản xuất với một giá “cắt cổ”. Nguyên nhân là do TP thiếu năng lực trong việc thu gom, xử lý loại chất thải này.

Giá thu gom, xử lý CTNH tăng đột biến...

Từ đầu tháng 12 đến nay, dù chưa tới thời hạn tái ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý CTNH nhưng nhiều doanh nghiệp đã nhận được thông báo tăng giá thu gom và xử lý CTNH. Trong đó, tùy theo CTNH mà giá thu gom của công ty dao động 5 - 10 triệu đồng/tấn, tăng gấp đôi, thậm chí tăng gấp ba so với đầu năm 2009.

Ông Phan Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH Posvina, cho biết, theo hợp đồng ký với Công ty Tân Phát Tài đầu năm 2009, giá xử lý 1 tấn CTNH là 3,5 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, đầu tháng 12 này, công ty nhận được thông báo của đơn vị thu gom về việc tăng giá lên gấp đôi. Với mức giá này, mỗi tháng công ty phải tăng thêm hàng trăm triệu đồng chi phí chuyển giao chất thải, gây ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm. Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TPHCM, cho biết thêm, tháng 9, công ty có một khối lượng lớn CTNH và Công ty Xử lý CTNH Holcim xử lý với giá 10 triệu đồng/tấn. 

Đáng nói hơn, với những doanh nghiệp có khối lượng CTNH ít còn không thể tìm được một đơn vị chấp nhận thu gom. Ví dụ như Công ty Bột mì Bình Đông, CTNH chủ yếu là bóng đèn và giẻ lau dầu nhớt, dưới 10kg/tháng nên không có đơn vị nào chịu ký hợp đồng thu gom...

Cầu vượt quá xa cung

Việc các công ty xử lý CTNH tự ý tăng giá bắt đầu từ khi Công ty Môi trường đô thị TPHCM ngưng tiếp nhận CTNH vào tháng 11-2008 sau khi bị phát hiện chôn lấp CTNH trái quy định.

Trước đó, trung bình công ty này thu gom, xử lý khoảng 200 tấn CTNH/ngày. Các chất thải này một phần được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, phần còn lại chuyển sang đốt ở nhiệt độ cao tại lò đốt Bình Hưng Hòa. Công ty Môi trường đô thị cũng đang đầu tư nhà máy xử lý CTNH. Thế nhưng, do vướng một số yếu tố về mặt kỹ thuật và thủ tục hành chính nên phải đến hết quý 1 năm 2010 mới đi vào hoạt động thay vì dự kiến vào tháng 9-2009. Tuy nhiên, ngay khi đi vào hoạt động rồi thì khả năng tiếp nhận, xử lý chất thải của công ty chỉ đạt 21 tấn/ngày – quá ít so với thực tế.

Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết thêm, toàn TP chỉ có 3 doanh nghiệp có khả năng xử lý CTNH với tổng công suất 30 tấn/ngày. Đó là, Công ty Môi trường đô thị TPHCM, xử lý khoảng 4 tấn/ngày; Công ty TNHH Việt Úc là 10 – 12 tấn/ngày và Công ty TNHH Môi trường xanh là 12 tấn/ngày. Trong khi đó, khối lượng CTNH phát sinh rất lớn, gần 600 tấn ngày (300 tấn của TP và 300 tấn từ các tỉnh khác đổ về).

Không kham nổi giá xử lý CTNH, không ít doanh nghiệp buộc phải liều bằng cách thuê xe lén lút đổ bậy CTNH ra môi trường. Cụ thể tại phường Long Bình, quận 9, dù UBND quận 9 đã xây tường rào ngăn không cho các xe lén lút đổ CTNH tại đây, nhưng hàng ngày vẫn có hàng trăm chuyến xe ra vào đây đổ chất thải. Chưa kể, cảnh sát môi trường cũng lần lượt phát hiện nhiều bãi tập kết CTNH trái phép tại các quận 7, Bình Tân, Bình Chánh, quận 12, huyện Củ Chi…

Ông Nguyễn Trung Việt khẳng định, để bình ổn được giá xử lý CTNH, TP cần phải có doanh nghiệp công ích hoạt động trong lĩnh vực này. Trong trường hợp các doanh nghiệp tư nhân bắt tay cùng tăng giá xử lý CTNH, doanh nghiệp này đủ năng lực để tiếp nhận và xử lý toàn bộ chất thải phát sinh trên địa bàn TP với giá hợp lý. Thế nhưng, đáng tiếc là cho đến nay, mọi sự chuẩn bị cho vấn đề này vẫn chưa được TP lưu tâm. Đây chính là lý do khiến cho giá xử lý CTNH vẫn tiếp tục leo thang và chưa có xu hướng dừng lại.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục