Trong cả đám trẻ chỉ có vài đứa còn đến trường, số còn lại đều đã nghỉ học phụ giúp gia đình. Việc kiếm sống trên đồi cát như một lẽ dĩ nhiên đối với chúng.
Những mảnh đời vất vả
Mỗi ngày, Phượng phải đến đồi Hồng từ 5 giờ sáng, công việc thường ngày của em là mời khách du lịch trượt cát. Đến lúc chiều tà khi công việc kết thúc, em kiếm được khoảng 50.000 đồng. “Ba em mất rồi, giờ em sống với mẹ và ông bà ngoại, với số tiền này em có thể giúp ít được phần nào cho gia đình mình”, Phượng nói về lý do em đến với công việc này. Khi hỏi những đứa trẻ khác mới biết ba em mất trong trận bão lịch sử năm 2006.
Tiếp xúc với Hùng, một trong những đứa trẻ dày dặn “tuổi nghề” ở đây, tôi được chỉ bảo tận tình các khâu trong việc trượt cát như chọn địa điểm cũng như hướng để trượt sao cho thuận lợi nhất. Lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đen nhẻm, Hùng nói: “Thấy đông người như thế chứ một ngày em cũng chỉ thuyết phục được từ 2 – 3 khách mà thôi. Nhiều lúc còn bị quỵt tiền nhưng chẳng biết phải làm thế nào”.
Giống Phượng và Hùng, những đứa trẻ khác ở đây đều phải lăn lộn suốt ngày trên những đồi cát nóng bỏng để mưu sinh. Mỗi đứa trẻ mang trong mình một số phận, một hoàn cảnh đến từ nhiều khu phố khác nhau của phường Mũi Né TP Phan Thiết nhưng có một điểm chung là các em đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Bọn trẻ nơi đây không phải chỉ có sự nghèo đói về vật chất, chúng còn thiếu vắng về tinh thần. Loan có hoàn cảnh gia đình không mấy khó khăn nhưng hàng ngày em vẫn ra đồi cát làm việc. Em nói: “Ra đây có bạn chơi, ba mẹ em đi biển suốt ngày. Ở nhà một mình buồn lắm”.
Với những đứa trẻ nào còn đi học, số tiền kiếm được chúng để dành mua sách vở, dụng cụ học tập. Còn phần lớn là đưa lại cho bố mẹ để phụ giúp gia đình. Thường ngày ở đồi Hồng có khoảng 30 em nhưng cuối tuần có thể tăng lên đến khoảng 50 – 60 em.
Mỗi khi có khách nước ngoài đến, lại có khoảng 7, 8 em đi theo nhưng trên thực tế chỉ có vài em mời được khách trượt cát, số còn lại đành phải ra về. Không hiếm trường hợp các em đi theo cả buổi trời nhưng khách vẫn không trượt. Số tiền kiếm được trong mỗi lần trượt tùy vào khách tham quan. Thông thường chúng nhận được 5.000 đồng – 10.000 đồng cho những lần trượt. Có những hôm may mắn chúng được từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng với những khách hào phóng. Gặp tôi chúng khoe với thái độ hào hứng là đã từng được cho 10 USD.
Và những ước mơ...
Mỗi đứa trong chúng lại mang trong mình một ước mơ, đứa thích làm cô giáo, bác sĩ, đứa lại thích làm hướng dẫn viên du lịch, công an… Em N.T.Thơ hồn nhiên nói: “Lớn lên em sẽ làm thầy giáo, em sẽ dạy học cho các bạn”. “Nếu trở thành một hướng dẫn viên, em sẽ giới thiệu với mọi người về đồi Hồng, về thắng cảnh Mũi Né. Em sẽ kiếm thật nhiều tiền cho ba mẹ”, Quân vui vẻ cho biết.
Khác với những đứa trẻ thành phố, vừa đặt chân trần lên cát đồi Hồng đã than nóng, được ba mẹ mua cho bất kỳ thứ gì mình muốn thì hoàn cảnh của các em lại càng đáng thương. Tuy không học hành nhiều nhưng bọn trẻ hết sức lễ phép, khác hẳn với nhiều nhóm trẻ khác.
Nhiều khách du lịch khi ghé qua đây đều thông cảm với hoàn cảnh của các em. Chị Vy, một du khách từ Đồng Nai chia sẻ: “Không biết tương lai bọn trẻ rồi sẽ ra sao? Thấy tụi nhỏ cũng tội nhưng không có cách nào giúp đỡ được. Hy vọng sẽ có “bà tiên” nào đó giúp đỡ các em”.
Nhà văn Nguyễn Khải từng viết: “Ở đời này không có con đường cùng mà chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là ta phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới đó”. Câu nói ấy dường như đúng với bọn trẻ. Ở đâu đó trong tâm hồn chúng vẫn hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.
Thành Nhơn