Thi leo đến đỉnh dốc thì trời vừa đứng bóng. Cô dựng xe đạp vào thân cây dâu tằm bên lề đường rồi ngồi mấp mé trên yên xe vừa tránh nắng, vừa đỡ chân. Chỉ còn đổ hết cái dốc dài trước mặt và đi hết đoạn đường mòn đất đỏ là Thi đến được nhà K’Lên. K’Lên là đứa học trò mới của Thi, mới vô lớp được hơn tháng đã biến mất tăm. K’Lên không phải một trường hợp cá biệt. Trước K’Lên đã có khá nhiều học sinh bỏ lớp và trách nhiệm của Thi phải tìm đủ mọi cách để khuyến dụ chúng trở lại trường...
-Cô giáo…cô giáo
Tiếng gọi sau lưng khiến Thi giật mình quay lại.Trước mắt cô, một chàng trai có làn da nâu đen khỏe mạnh tươi cười nhìn cô. Thi ngờ ngợ, cố tìm trong ký ức một cái tên, nhưng cô đành chịu.
– Cô không nhớ K’Dan?
Thi ngỡ ngàng nhìn. K’Dan đây sao? Thằng bé thường lùi lủi trốn ở một góc lớp, học chậm nhất, rất ít nói. Rồi một hôm nó biến mất cùng bố mẹ, con trâu và nhà cửa…
– Nhà của K’Dan đây. Mời cô giáo vào.
K’Dan nhanh nhẩu dắt chiếc xe của Thi đi trước. Thi bước qua cái cổng có vòm cây bông giấy.
– Trưa rồi, cô phải ăn cơm với K.Dan thôi.
Thi bối rối. Cô không thể vì cô muốn gặp K’Lên sớm nhưng những bí mật về cậu học trò cũ, người đã làm cô trăn trở, đau đớn trong những ngày đầu bước vào nghề khiến cô không thể bỏ đi.
Thi nhớ lại ngày ấy, K’Dan là đứa học trò lạ lùng nhất. Đi học, nó ăn mặc như đi dự lễ hội. Cái áo thổ cẩm ngắn tay và cái khố nhiều hoa văn, màu sắc. Do vậy, K’Dan là đứa hay bị bạn bè chọc ghẹo. Cứ vậy, K’Dan không thể hòa nhập. Thi biết, nên quan tâm đến K’Dan hơn những em khác. Nhưng, càng được quan tâm, nó càng muốn trốn tránh. Mỗi lần Thi hỏi, đầu nó lắc hoài một kiểu, lâu lâu bật lên một tiếng “không biết đâu” nhát gừng. Nỗ lực cuối cùng của Thi là tiếp cận với gia đình K’Dan. Lần đầu tiên, cô đến nhà K’Dan, thằng bé đang ở cuối vườn, thấy cô, nó hét lên mấy tiếng rời rạc rồi chạy như bay vào nhà. Bố của K’Dan là một người đàn ông thấp đậm, gân guốc. Ông đón cô giáo, nhưng không một tiếng gọi K’Dan ra gặp cô… Thi ra về với tâm trạng nặng nề. Cô không biết rồi K’Dan có trở lại lớp? Ông Kasa không hứa hẹn gì với Thi như những phụ huynh người Kinh khi con họ có vấn đề ở lớp học. Rào cản ngôn ngữ khiến cô ngỡ ngàng bối rối. Lần đầu tiên trong cuộc đời làm thầy, Thi thấy mình bất lực một cách tệ hại. Nhưng tệ hại hơn là cô không biết nhờ ai hỗ trợ mình.
K’Dan không phải là trường hợp cá biệt. Sau K’Dan, danh sách những học sinh bỏ học lên đến hàng chục, hàng trăm. Một trường dạy nghề không thấm tháp gì so với số lượng trẻ thất học. Khi gặp lại, cuộc sống của chúng vẫn vất vả ở các nông trường cà phê, nông trường chè hoặc trở thành chủ nhân của một gia đình mới, con cái nheo nhóc, uống rượu như hũ chìm hay tệ hơn, nghiện thuốc vật vờ. Thi đau lòng. Có người thầy nào thản nhiên khi nhìn thấy học trò mình như vậy?
– Mời cô. Đây là thịt heo nuôi trong nhà.
Thi cầm xâu thịt thơm được nướng theo cách của người K’Ho.
– K’Dan nói tiếng Kinh như người Kinh rồi.
K’Dan cười ngượng nghịu.
– K’Dan vẫn còn phải học nhiều.
Thi mỉm cười hỏi đùa:
– Nếu K’Dan bé trở lại, K’Dan có còn bỏ lớp như ngày xưa không?
– K’Dan vẫn bỏ lớp thôi!
Thi trợn mắt ngạc nhiên. Cô tưởng K’Dan đùa trả, nhưng không, gương mặt K’Dan nghiêm chỉnh, ánh mắt kiên định, đó là câu trả lời thật thà.
– Cô là người Kinh, cô mãi mãi không hiểu được lòng người K’Ho. K’Dan chỉ muốn học thầy K’Ho. Nhưng phụ huynh các em chỉ muốn con mình học thầy Kinh.
K’Dan cười chua chát:
– Vì họ tin chỉ thầy người Kinh mới giỏi, mới hay vì thầy dạy cái phong tục, cái văn minh, cái cách sống của người Kinh. Thầy K’Ho làm sao bằng. Nhưng các em là người K’Ho, các em muốn học cái gì về người K’Ho. Cái đó thì thầy K’Ho làm tốt hơn chớ!
Thi há hốc miệng. Ra là vậy ư? K’Dan nói tiếp:
– Em sống với anh em bố mẹ. Từ khi sinh ra chỉ nói tiếng K’Ho. Đến trường, bạn Kinh nói, em không hiểu. Cô giáo cũng không hiểu em. Cô giáo làm em lo lắng. Em sợ. Khi lớn lên, em mới hiểu không phải em sợ cô mà em không cảm thấy cái bụng mình vui vẻ, hạnh phúc khi đến lớp.
Thi ngơ ngác nhìn K’Dan. Điều này cô không biết và cô cũng chưa từng được dạy trong giáo án sư phạm. Té ra, dạy học không phải chỉ truyền đạt kiến thức mà còn phải làm cho trẻ cảm thấy vui và hạnh phúc khi đến trường. Nếu không, sẽ thất bại. Và điều này hình như đúng cho mọi người chứ không phải chỉ với K’Dan hoặc cộng đồng người dân tộc nào.
K’Dan cười, nói tiếp.
– Gia đình em trở lại với cuộc sống du canh nhưng em học được bài học đầu tiên là cuộc sống du canh không còn thích hợp. Sống định cư tốt hơn, no hơn, ít vất vả hơn. Rừng có ở với mình không là do mình. Thế là em xin nhận đất trồng rừng, trồng thêm cà phê, áp dụng phương pháp canh tác khi còn sống định cư ở đây. Bài học tiếp theo là em có thể học làm việc như người Kinh mà vẫn sống cuộc sống của người K’Ho. Rồi em học tiếng Kinh để gặp gỡ, giao tiếp mà vẫn không quên tiếng K’Ho. Cứ thế em học rất nhiều bài học...
Thi mỉm cười. Cô cảm thấy thoải mái thật sự khi nghe K’Dan nói chuyện. Thi trầm ngâm. Cô muốn tiếp cận gần hơn cái bí mật của K’Dan.
– K’Dan về đây với cái đầu mới, còn gì nữa không?
K’Dan nghiêm nét mặt:
– Đất ở đây đã nuôi sống rất nhiều người Kinh đến lập nghiệp.Vậy tại sao người K’Ho chúng em lại bỏ đi? Em trở lại vì em muốn mọi người ở lại, trồng trọt trên mảnh đất mình đã bỏ công khai phá. Cây cà phê là cây công nghiệp, nhưng chúng em đã quen như quen cây bắp, cây lúa. Cái khác là cà phê cho nhiều tiền.
Thi đứng lên, cô mỉm cười vỗ vai K’Dan:
– Cô hiểu rồi. Cô rất vui. Những ngày tới, khi dạy học, cô sẽ nhớ đến điều này.
Khi ra đến cổng, cô bắt tay K’Dan.
– Đừng để giấc mơ của em tan biến nhá.
K’Dan đứng thẳng người:
– Không bao giờ! Một già làng luôn phải biết biến giấc mơ của dân mình thành sự thật.
Thi chựng lại, một chút ngạc nhiên thoáng qua. Cô biết K’Dan không nói đùa. Giờ thì cô tin giấc mơ của K’Dan sẽ song hành với sự phát triển của cây cà phê xứ sở này
KIM HÀI