Phen này thì mình giàu to rồi, triệu phú vùng sâu… Ơ, không, phải gọi là Tỷ phú vùng sâu mới xứng vì tính ra gia tài của mình nay mai sẽ vượt qua tiền tỷ thôi. Vừa đi họp ở bên xã về, ông Tám Minh vừa đi vừa lẩm nhẩm một giai điệu vui mà lòng phơi phới nghĩ đến tương lai.
Ông nhớ lại mà phì cười. Ngày nào, nghe tới chuyện Nhà nước quy hoạch xây dựng cái gì đó là ai ở trong khu vực được quy hoạch cũng buồn thúi ruột thúi gan, chỉ biết than trời trách đất. Còn bây giờ, ông đang mở cờ trong bụng vì nhà mình trúng vào khu quy hoạch. Trong khu quy hoạch nâng cấp chợ này thành chợ đầu mối của 3 xã vùng sâu, ông có một căn nhà hai lầu, một trệt để kinh doanh vật liệu xây dựng ở ngay đầu đường vào trung tâm chợ, trị giá có trên 200 triệu đồng.
Thằng em vợ của ông ở ngoài huyện tiết lộ bí mật, dự án nâng cấp chợ này thành chợ đầu mối đã được đưa vào nghị quyết của Huyện ủy, đã thông qua Hội đồng Nhân dân. Ừ, thông tin chính xác rồi, tuy có chậm đối với ông, nhưng ông có cái mà người ta không có đó là dám GAN. Ông quyết chớp thời cơ bằng việc mua hai căn nhà bên kia, thêm gần 100 triệu đồng sửa thành nhà hàng và mua 3 căn nhà tồi tàn trong chợ cá có mấy chục triệu đồng và thêm vài chục triệu đồng làm nhà kho. Khi sửa sang, ông toàn làm bằng khung nhà lắp ghép, khi bồi hoàn xong, ông chỉ tốn công tháo lắp, di dời chớ có hao hụt chi, tính ra vô mánh còn hơn trúng số độc đắc… Và, cái số trở thành tỷ phú đã hiện dần ra khi đoàn tư vấn thiết kế của tỉnh đến khảo sát hiện trạng khu chợ này cắm mốc, đo đạc, vẽ vời.
Cái chợ này mấy năm nay đã cũ kỹ, cổ lỗ và chật chội vì quá tải. Hồi xưa, nó vốn là cái chợ chồm hổm, hình thành tự phát vì dân trong các con rạch có cá, có rau mang ra, tụm nhau lại, ngồi chồm hổm thành hàng ở ngã ba đường để mua bán, trao đổi và ngày càng đông. Ban đầu người ta che lên vài tấm rèm để tránh mưa, tránh nắng, rồi đóng sạp chất hàng hóa và cất thành nhà, thành quán, thành tiệm và thành cái chợ làng hiện nay. Dần dần, đường giao thông nông thôn phát triển, tôn cao, mở rộng, tráng nhựa nên xe tải chuyên chở hàng đến tận nơi, dưới kinh thì ghe tàu ngược xuôi chở hàng nông sản đi, đưa về hàng tiêu dùng, hàng vật liệu xây dựng, hàng vật tư nông nghiệp… đổ về chợ xã. Nhà ở ven đường ngày xưa thưa thớt, nay cất chen nhau; chợ mở rộng thêm chút ít, nhưng hàng quán làm ăn khá giả sửa sang xây dựng kiên cố nên chợ thêm khang trang và càng thêm chật chội… Tùy theo khả năng, mạnh ai nấy kê thêm gác, xây thêm lầu, che thêm mái và mắc dây điện chằng chịt… Nghe trên đài, đọc trên báo thấy chỗ này chỗ kia… bị cháy mà ông không khỏi lo… Lỡ xảy ra chuyện gì, xe chữa cháy của tỉnh vô tới cũng không có đường đi vô chợ làm sao mà chữa? Chưa nói, chuyện phóng uế bừa bãi; khu bán rau, bán cá thì ẩm ướt, tanh hôi, có đóng phí vệ sinh nhưng thu gom sạch mấy cũng còn bẩn… cho nên chuyện xây chợ mới là cần thiết.
Có cái chợ đầu mối lớn, hàng hóa dồi dào, phong phú, giá cả phù hợp thì bà con ở trong khu vực 3 xã này tội dại gì phải ra chợ huyện mua bán trong khi ở đây cái gì cũng có bán.
Và hôm nay, ông Tám Minh cùng tất cả những hộ khác ở trong khu quy hoạch đã được mời đến Ủy ban Nhân dân xã nghe công bố dự án nâng cấp chợ. Người ta đã công khai các khoản chi phí bồi hoàn, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng nhà lồng chợ, xây dựng khu phố, làm đường, công trình điện nước, cống thoát nước, nhà vệ sinh công cộng, khu vực bến xe, công viên cây xanh…
Trời ơi, nhìn thấy mô hình khu chợ mới ai cũng khoái. Cái chợ xã của mình trong tương lai như thế ư. Cả đời ông cũng không dám mơ ước được nhìn thấy một cái chợ đẹp đẽ, rộng lớn như vậy ở khu vực vùng sâu, vùng xa này. Được như vậy thì có còn gọi là vùng sâu vùng xa nữa chi vì xứ này có thua gì thị trấn ngoài chợ huyện.
Đến lúc đọc dự kiến bồi hoàn của từng hộ, ai cũng thấy… đã vì giá cả bồi hoàn có thể nói cao hơn giá trị thực tế khoảng 20% - 30%. Tuy nhiên, ông thầm tính lại thì vẫn còn thấp hơn mong ước của mình. Ông nêu ý kiến sẽ ghi nhận những số liệu đó để về nhà tính lại. Một số ý kiến thắc mắc về chính sách tái định cư sau khi công trình xây dựng xong đã được chính quyền địa phương giải thích cụ thể rõ ràng, nào là ưu tiên bán nền nhà với giá có giảm so với những người nơi khác tới mua, nào là phần thưởng cho những người chấp hành nhận bồi hoàn di dời sớm. Chính quyền địa phương còn nêu ra những giải pháp cho vay vốn xây dựng nhà, bán nhà trả chậm khiến nhiều hộ cũng phấn khởi lắm.
Chiều đó, ông cho thằng út đi mời những tay có uy tín trong khu vực này tới nhà hàng thằng con thứ hai của mình để lai rai bàn chuyện bồi hoàn. Tay Năm Mận đã vội vàng hồ hởi nói rằng căn nhà của ông ta đã kêu bán 100 triệu đồng không ai thèm mua, nay Nhà nước bồi hoàn cho 130 triệu đồng là ngon rồi. Ông vội lên tiếng ngay:
- Vội gì hả các ông? Nhà nước đã quy hoạch là phải xây dựng, phải thực hiện. Không nghe họ nói sao, dự án này đã được đưa vô nghị quyết của Huyện ủy, của Hội đồng Nhân dân, đã khảo sát, thiết kế thì… phải làm. Nếu ta không đồng ý thì các cha sẽ không làm được; không làm được thì bị kiểm điểm, bị phê bình cho nên nếu chúng ta đòi nâng thêm một ít chắc chắn họ sẽ giải quyết thôi, vì tiền là tiền của Nhà nước chớ có phải tiền của riêng cha bí thư, chủ tịch sao mà ngại.
Thế là buổi nhậu đi đến thống nhất, từng người phải dùng uy tín, ảnh hưởng của mình để những người thân cận có nhà trong khu quy hoạch thống nhất không chịu giá bồi hoàn đó, đòi phải được nâng cao thêm vài chục phần trăm…
Quả thật, tuần sau, khi chính quyền họp mọi người lần nữa để thực hiện các văn bản thỏa thuận bồi hoàn thì hầu hết đều không đồng tình và nêu yêu cầu phải được tính toán giá bồi hoàn lại. Ông đã đề nghị nâng thêm giá bồi hoàn. Cuộc họp kết thúc và nguyện vọng của ông cùng mọi người được chính quyền địa phương ghi nhận.
Một tháng sau, ông Minh đi ngang khu vực đang được Nhà nước san lấp xây dựng cụm dân cư vượt lũ, nhìn thấy bãi cát rộng, dài cặp theo con đường, ông dừng xe lại nhìn. Mới mấy tuần không đi ngang qua mà họ thổi cát lên mau quá, ông không ngờ cái cụm dân cư này lại rộng lớn đến như vậy, ông Nhà nước này tính toán hay thiệt. Xây dựng cụm dân cư, dân sống ven kinh rạch vào đây ở có đầy đủ điện nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, có nhà cửa đàng hoàng chắc chắn không lo mưa dông, con nít không sợ chết vì lũ, không còn cảnh quăng chất thải xuống sông rạch và nhất là dễ quản lý địa bàn, hạn chế được tệ nạn xã hội.
Đang đứng ngắm cái bãi cát dài và rộng, ông Tám Minh chợt giật mình khi nghe hỏi:
- Định đăng ký mua mấy nền cất nhà hả chú Tám?
- Ờ… đâu có… đây là khu dân cư dành ưu tiên cho bà con còn khó khăn, tao có cả 3 cơ sở trong chợ còn mua thêm làm chi - ông Minh trả lời anh chàng trưởng ấp vừa hỏi.
- Ơ, chú chưa hay hôm qua Ban quản lý dự án đã công bố kế hoạch bố trí khu vực chợ, khu vực dân cư sao? Ưu tiên là ưu tiên ở khu vực cất nhà ở phía cuối tuyến kìa, còn khu vực rộng lớn này là để xây dựng chợ mới của xã, bán tự do. Trời ơi! Chú mà thấy cái mô hình xây dựng chợ mới là mê liền, không thua gì trung tâm thương mại của huyện.
- Cái gì… họ xây dựng chợ mới ở đây à? Không nâng cấp khu chợ cũ sao?
- Nâng gì nổi hả chú? Ai cũng đòi hỏi đền bù quá cao, ngân sách nào kham nổi, trong khi mua đất ở đây san lấp làm khu chợ mới đâu tốn bao nhiêu lại gắn với khu dân cư sẽ tiện lợi hơn…
- Vậy… vậy còn khu chợ cũ thì… thì sao…?
- Thì cứ để vậy, chợ mới hình thành, dần dần khu vực chợ cũ chỉ để ở thôi chớ kinh doanh cũng khó phát triển.
Ông Tám Minh choáng váng, muốn té xỉu vì giấc mơ tỷ phú đã tan tành…
Truyện ngắn của MAI BỬU MINH