
Báo cáo của UBND TPHCM tại Hội nghị chuyên đề về môi trường do HĐND TPHCM tổ chức cho thấy, thành phố vẫn tồn tại khoảng 100 điểm ngập trong đó có 54 điểm ngập do mưa, 12 điểm ngập do triều cường và 34 điểm ngập do mưa kết hợp với triều cường. Như vậy, sau gần 10 năm chống ngập, TPHCM từ con số 100 điểm ngập trong những năm 2000-2001 đến nay vẫn hoàn… 100 điểm ngập.
Vùng cao cũng ngập
Đó là nhận xét của ông Hồ Long Phi, Phó Ban điều phối chống ngập TPHCM. Thậm chí, theo ông Hồ Long Phi, một số địa phương ở vùng đất cao như các quận 9, 12, Bình Tân, Tân Phú… còn là nơi có số điểm ngập phát sinh cao nhất thành phố.
Nếu như khu vực phía Bắc thành phố (huyện Hóc Môn, Củ Chi và quận 12) vào năm 2003 chỉ có 26 lần ngập thì năm 2006 đã tăng lên 31 lần ngập với 5 điểm ngập của năm 2003 và 11 điểm ngập của năm 2006. Vùng Đông Bắc (quận 9, Thủ Đức) năm 2003 chỉ có 30 lần ngập thì đến 2006 đã có 39 lần ngập với 6 điểm của năm 2003 và 7 điểm của năm 2006. Tất nhiên, cho đến thời điểm hiện nay một số điểm ngập đã được xóa song bên cạnh đó cũng có thêm một số điểm ngập mới phát sinh.
Báo cáo của UBND TPHCM trong hội nghị chuyên đề môi trường nêu trên đã nêu rất rõ 34 điểm ngập phát sinh trong thời gian gần đây, trong đó Gò Vấp có 4 điểm, Hóc Môn 2 điểm, Củ Chi 1 điểm, Thủ Đức 3 điểm, quận 12 có 2 điểm…

Người dân vất vả khi lưu thông trên đường ngập nước. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Khu vực phía Nam thành phố bao gồm quận 7 và huyện Nhà Bè, Cần Giờ với hệ thống kênh rạch chằng chịt, đất ruộng, vườn nhiều… trước đây nước mưa hay nước triều dâng đều có thể thoát dễ dàng, thời gian gần đây cũng bị ngập.
Nếu như trong 3 năm 2003, 2004, 2005, vùng này không bị ngập lần nào thì năm 2006 đã bị ngập 1 lần với 1 điểm ngập. Thống kê mới nhất của UBND TPHCM cho thấy Nhà Bè đã có 2 điểm ngập, quận 7 có 4 điểm…
Các lưu vực quan trọng ở khu vực trung tâm TPHCM như Hàng Bàng, Tàu Hủ-Bến Nghé, Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm… tuy đã có một số dự án giảm ngập cục bộ được triển khai (trong khi chờ hiệu quả của những dự án ODA lớn, cải tạo môi trường, chống ngập cho cả khu vực) nhưng số lần bị ngập lẫn số điểm ngập vẫn có xu hướng tăng. Vẫn nghiên cứu của ông Hồ Long Phi cho thấy, năm 2003 lưu vực Hàng Bàng bị ngập 112 lần thì đến năm 2006 đã lên tới 180 lần với số điểm ngập vào năm 2003 là 28 và năm 2006 là 26.
Còn hiện nay, theo báo cáo của UBND TPHCM trong hội nghị môi trường là 28 điểm. Lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè năm 2003 bị ngập 60 lần thì đến năm 2006 cũng tăng lên 64 lần với 12 điểm ngập vào 2003 và 13 điểm vào năm 2006 (theo báo cáo của UBND TPHCM trong Hội nghị môi trường là 17 điểm).
Hay như lưu vực Tàu Hủ-Bến Nghé, năm 2003 bị 24 lần ngập thì đến năm 2006 là 27 lần ngập với 7 điểm ngập vào năm 2003 và giảm xuống còn 6 điểm vào năm 2006. Báo cáo của UBND TPHCM trong Hội nghị môi trường cho thấy số điểm ngập trong lưu vực này đã giảm xuống (6 điểm), nhưng số lần bị ngập lại tăng.
Tại “trời” hay tại người?
Trong báo cáo nêu trên của UBND TPHCM, hàng loạt nguyên nhân gây ngập đã được liệt kê như mưa nhiều và càng ngày càng lớn, tình trạng lấn chiếm, san lấp kênh rạch trái phép đã làm thu hẹp dòng chảy thoát nước… có nghĩa là tại cả… “trời” và người.
Điều này không sai nếu nhìn lại các cơn mưa vừa qua trên địa bàn thành phố. Đó là trong thời gian từ 1-7-2008 đến 14-8-2008 có tới 6 cơn mưa có vũ lượng trên 40mm-60mm vượt quá khả năng thoát của hệ thống thoát nước hiện hữu. Đặc biệt, cơn mưa ngày 1-8-2008 được đánh giá là trận mưa có vũ lượng lớn nhất theo số liệu thống kê từ nhiều năm qua, gây ra 87 điểm ngập với độ ngập lên tới 0,20m-0,80m.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học thì không hẳn như thế. Tại sao mưa nhiều và triều cường ngày càng lớn? Phải chăng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng lên? Nhiều nhà khoa học cho rằng, đây cũng là một nguy cơ nhưng là nguy cơ xa bởi kết quả quan trắc mực nước biển (đo tại trạm ở Vũng Tàu) hầu không như không thay đổi từ năm 1990 đến nay.
Trong khi đó mực nước sông, kênh, rạch trong nội thành TPHCM từ năm 1990 đến nay đang tăng trung bình 1,5cm/năm. Điều này chỉ có thể lý giải bởi 2 lý do. Một phần sông, kênh rạch của thành phố đã bị lấn chiếm, san lấp và tình trạng này hiện nay vẫn tồn tại và mực nước vẫn tiếp tục tăng. Lý do thứ 2 là mưa càng ngày càng nhiều hơn.
Tại sao mưa nhiều hơn? Các nhà khoa học lý giải: Đây chính là do quá trình phát triển mà không được kiểm soát chặt chẽ gây ra. Tình trạng bê tông hóa, khói xe, khói các nhà máy xí nghiệp… đang làm cho bầu không khí của thành phố nóng lên. Khí nóng sẽ nhẹ và bốc đi. Khí lạnh từ nơi khác sẽ tràn về và sẽ gây ra mưa.
Hiện nay, TPHCM đang triển khai khá nhiều dự án chống ngập. Các dự án lớn có thể kể là: dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tàu Hủ-Bến Nghé, Tân Hóa-Lò Gốm… cùng hàng loạt các dự án nhỏ như chống ngập cho bùng binh Cây Gõ, đường Nguyễn Hữu Cảnh… Nhiều nhà khoa học cũng nhận định: Cách này đúng nhưng chưa căn cơ vì mới chỉ giải quyết hậu quả. Ngăn ngừa hậu quả bằng cách kiểm soát tốt quá trình phát triển đô thị cũng như kinh tế mới là giải pháp chống ngập căn cơ nhất.
NGUYỄN KHOA