Giải bài toán phòng chống tham nhũng

Công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Qua 5 năm thực hiện, công tác PCTN đã có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả đáng trân trọng. Tuy nhiên, vẫn chưa tạo được sự chuyển biến có tính cơ bản, tham nhũng vẫn còn xảy ra ở nhiều lĩnh vực và rõ ràng vẫn còn nhiều yếu kém chậm được khắc phục. Điều đáng nói ở đây là các quy định về PCTN, lãng phí không thiếu, thậm chí rất chặt chẽ. Chỉ cần làm tốt, việc giải bài toán chống tham nhũng sao cho hiệu quả sẽ không là nhiệm vụ bất khả thi.

Công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Qua 5 năm thực hiện, công tác PCTN đã có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả đáng trân trọng. Tuy nhiên, vẫn chưa tạo được sự chuyển biến có tính cơ bản, tham nhũng vẫn còn xảy ra ở nhiều lĩnh vực và rõ ràng vẫn còn nhiều yếu kém chậm được khắc phục. Điều đáng nói ở đây là các quy định về PCTN, lãng phí không thiếu, thậm chí rất chặt chẽ. Chỉ cần làm tốt, việc giải bài toán chống tham nhũng sao cho hiệu quả sẽ không là nhiệm vụ bất khả thi.

  • Công khai, minh bạch

Luật PCTN quy định: “Người có chức vụ quyền hạn không được làm những điều sau đây: nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công việc mà mình đang giải quyết. Chi tiền công quỹ cho việc tặng quà hoặc chia quà cho cán bộ công chức (CBCC)…”.

Để cụ thể hơn, Chính phủ đã ban hành cả quyết định quy định rõ các loại quà tặng, đặc biệt nghiêm cấm đơn vị, cá nhân nhận quà có liên quan đến hoạt động công vụ. Nếu nhận quà có giá trị đến 500.000 đồng phải báo cáo và nộp lại theo quy định. Trước ngày 15-11 hàng năm, bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, TP phải báo cáo Bộ Tài chính kết quả thực hiện quy chế này. Tuy nhiên, đến hết năm 2009, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ mới thống kê được trong năm đó có 165 người nộp lại quà tặng (trị giá 1,4 tỷ đồng) và trong năm 2010 có 20 người nộp lại (tổng trị giá 123 triệu đồng). Phân tích sơ qua một quy định của Nhà nước về PCTN để thấy thời gian qua, nhiều giải pháp PCTN đã không được thực thi một cách nghiêm túc từ trung ương đến địa phương.

“Công khai, minh bạch” cũng là điều kiện tiên quyết trong nhiều giải pháp PCTN đã được ban hành thời gian qua, trong đó có việc kê khai tài sản đảng viên, CBCC. Quy định đã có nhưng cần công khai kết quả kê khai tài sản một số chức danh chủ chốt trong diện phải kê khai tài sản thu nhập để người dân giám sát. Song song đó, phải sớm ban hành Quyết định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn bên cạnh việc hoàn thiện quy định yêu cầu CBCC thanh toán tiền qua tài khoản thay thế cho hình thức thanh toán bằng tiền mặt như hiện nay.

“Công khai, minh bạch” cũng là yêu cầu quan trọng trong việc hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật của các cơ quan có liên quan. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, khắc phục những kẽ hở, thiếu sót của quy định hiện hành, trong đó cần tập trung hoàn thiện nhanh các lĩnh vực “nóng” dễ diễn ra tham nhũng.

  • Nâng cao vai trò giám sát

Sớm thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp để phục vụ công tác điều tra xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng. Khẩn trương nghiên cứu áp dụng biện pháp kỹ thuật điều tra đặc biệt đối với tội phạm tham nhũng. Đối với hợp tác quốc tế, cần nhanh chóng ký kết hiệp định về tương trợ tư pháp đối với các nước để hợp tác chống tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

Các cấp ủy và người đứng đầu phải thực sự coi công tác PCTN là một trọng tâm lớn của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, đưa công tác PCTN trở thành một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trong tuyên truyền, giáo dục, đơn vị cần phải làm cho mọi đảng viên, CBCC nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng; thấy rõ trách nhiệm của mình đối với công tác này.

Bên cạnh đó, vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp cũng chưa thật sự phát huy hết hiệu quả. Do đó, các cơ quan này cần tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan có chức năng PCTN; nghiên cứu để có chế tài bảo đảm cho việc giám sát của QH, HĐND các cấp có hiệu lực cao, phát huy triệt để quy chế dân chủ ở cơ sở để từ đó vận động từng đảng viên, CBCC, người dân đồng lòng tham gia vào cuộc chiến chống tham nhũng này.

Song song đó, cần hoàn thiện cơ quan PCTN chuyên trách từ trung ương đến địa phương theo hướng thống nhất về mô hình tổ chức, rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đảm bảo thực quyền và hoạt động có hiệu quả!

  • Tìm địa chỉ trách nhiệm người đứng đầu

Tìm địa chỉ trách nhiệm người đứng đầu là việc quan trọng trong công tác PCTN. Trong thực tế, phần lớn các vụ tham nhũng, lãng phí được xử lý là do dân chúng và báo chí phát hiện. Đã như thế, sau khi vụ việc được xử lý, gần như chưa có các tổ chức Đảng, đoàn thể ngang cấp nào bị xử lý trách nhiệm đủ nghiêm. Khắc phục tình trạng thiếu vắng trách nhiệm như vậy bằng cách phải thực hiện nghiêm túc chế độ trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể đứng đầu trong mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan. Người đứng đầu, tập thể đứng đầu phải chịu trách nhiệm kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp tiêu cực tham nhũng nảy sinh trong cơ quan, ngành, cấp của mình. Lãnh đạo quản lý sâu sát, giảm tối đa quan liêu, là làm được điều này.

Lấy ví dụ cụ thể về trường hợp một cựu bí thư quận ở TPHCM hiện đang thụ lý án tham nhũng sẽ thấy rõ. Khi thủ trưởng đơn vị tham nhũng, suy thoái đạo đức, phẩm chất thì cấp ủy Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên ở đó phải chịu trách nhiệm liên đới vì đã không phát hiện, đấu tranh để tham nhũng, tiêu cực diễn ra nghiêm trọng trong thời gian dài tại đơn vị mình. Tương tự, không có một cá nhân đứng đầu, tập thể đứng đầu nào không phải chịu trách nhiệm về những gì diễn ra trong cơ quan, ngành, cấp của mình.

Do đó, đặt vấn đề và thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, tập thể đứng đầu cũng là biện pháp khắc phục bệnh quan liêu, thiếu sâu sát, kiểm tra trong công tác quản lý. Có thế mới hạn chế được mức độ thiệt hại do tham nhũng gây ra và làm tăng hiệu lực của luật pháp, hiệu lực kỷ luật của Đảng, Nhà nước, đoàn thể.

Nếu không thực hiện tới nơi tới chốn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu và tập thể đứng đầu thì có lập ra một tổ chức chuyên trách chống tham nhũng, lãng phí to lớn đến đâu thì tổ chức ấy chỉ có thể báo cáo trước cơ quan cấp trên mình đã phá được bao nhiêu vụ tham nhũng chứ không thể nào xác định nổi đã bài trừ được đến đâu tệ nạn này trong đơn vị, địa phương mình.

Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi tham nhũng có tác dụng răn đe cao nhưng đó là thái độ đối với hành vi tham nhũng đã xảy ra, còn việc thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa tham nhũng là làm hạn chế đến mức thấp nhất cơ hội và điều kiện phát sinh tham nhũng. Đây là bài toán để giữ được lòng tin, giữ được cán bộ mà việc thực hiện không khó bằng phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

PHAN BÁ
Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng T.Ư

Tin cùng chuyên mục