Vẫn biết giải thưởng trong các cuộc thi, nhất là các cuộc thi về nghệ thuật thường có tranh cãi, song tiêu chuẩn chung có thể chấp nhận là sự đồng tình với số đông ý kiến của cả trong lẫn ngoài giới. Giải Cánh diều vàng lần thứ 5 của Hội Điện ảnh Việt Nam được trao ngày 14-3 vừa qua đã không đạt được tiêu chuẩn đó, gây phản ứng trong giới nghệ sĩ cũng như những người quan tâm đến điện ảnh. Ngoài việc tổ chức chệch choạc, thì một số giải thưởng liên quan đến phim truyện nhựa, thể loại được nhiều người quan tâm nhất cũng chưa thuyết phục...
Bộ phim “Đừng đốt” vinh danh ở hàng loạt giải thưởng lớn không gây bất ngờ vì đây vốn là tác phẩm không có đối thủ trong năm nay. Có chăng là ở giải “Bộ phim được khán giả bình chọn” khi ban tổ chức không công bố rõ thông tin về việc tổ chức bình chọn như thế nào và ở đâu? Điều này khiến cho tác giả của những bộ phim được xem là ăn khách năm nay thắc mắc.
Bất ngờ của giải Cánh diều vàng lần thứ 5 còn nằm ở hạng mục giải Cánh diều bạc cùng một loạt giải khác dành cho bộ phim “14 ngày phép” của Hãng phim Chánh Phương.
Có thể nói ngay từ khi ra mắt, “14 ngày phép” đã không tạo được ấn tượng đối với người xem bởi sự non nớt trong tay nghề, sự ngô nghê trong nội dung cũng như cách thể hiện. Câu chuyện về một anh chàng Việt kiều lần đầu tiên về Việt Nam và bị một người bạn dụ dỗ, lôi kéo vào thế giới ăn chơi ở Sài Gòn. Anh chàng này sau đó đã được một cô gái làm ở quán bar “dạy” cho biết thế nào là tình yêu đối với quê hương...
Điều phi lý là nhân vật anh chàng Việt kiều (do Trịnh Hội đóng) khiến người xem có cảm giác anh ta giống như một người từ trên trời rơi xuống trong cái thời buổi thông tin toàn cầu hóa, việc đi về Việt Nam của Việt kiều giờ đây đã như cơm bữa… Thế nhưng vai diễn này đã mang lại cho Trịnh Hội giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Thái Hòa (vai người bạn ở Việt Nam của anh chàng Việt kiều) giải diễn viên phụ xuất sắc nhất và đặc biệt là giải nhà biên kịch xuất sắc nhất cũng được bộ phim này ẵm gọn.
Khuyến khích cho những tác giả, tác phẩm mang yếu tố ngoại đó là những gì người ta ngầm hiểu khi bộ phim “14 ngày phép” nhận được các giải thưởng này. Nhưng nếu vậy thì bộ phim “Bẫy rồng” so về mức độ hấp dẫn còn cao hơn nhiều tại sao lại không có giải? Đơn giản vì “Bẫy rồng” đã bị “Tây hóa” so với một bộ phim có yếu tố dân tộc như “14 ngày phép”! Theo nhiều ý kiến của giới chuyên môn và người xem, đúng ra “Chơi vơi”, một bộ phim đoạt hàng loạt giải thưởng quốc tế và giải đạo diễn xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam vừa qua, xứng đáng đoạt giải thưởng hơn so với “14 ngày phép”.
Một giải nữa cũng khiến mọi người bất ngờ đó là giải nữ diễn viên phụ xuất sắc được trao cho Linh Dung của phim “Chơi vơi”, một nhân vật được xem là lãng xẹt nhất trong bộ phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Một cô gái yêu điên cuồng không lý do gì phải tìm đến cái chết khi thấy một tay chơi không yêu mình. Không so sánh với các phim khác, chỉ riêng với “Chơi vơi” thôi thì tại sao người đoạt giải lại không phải là Linh Đan, cô diễn viên Việt kiều nổi tiếng với lối diễn xuất chuyên nghiệp? Thắc mắc này chỉ có BGK mới có thể giải thích!
Hậu “Cánh diều” có lẽ không phải chỉ có thế. Đâu đó còn có những lời xì xầm về một số giải thưởng khác hay việc cô diễn viên nọ, cô người mẫu kia được mời trao giải mà phát biểu “trớt quớt”. Năm nay, cách tổ chức được xem là gọn gàng, song vì cố gắng gói gọn nên chương trình đã mất đi sự trang trọng và ý nghĩa của một giải thưởng lớn.
Hà Giang
Ông Nguyễn Hồ, Chủ tịch Hội đồng giám khảo phim truyện nhựa: - Theo ý kiến của nhiều người, giải nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất được trao cho Linh Dung (phim Chơi vơi) không thuyết phục, tại sao không phải là Linh Đan? Linh Đan là một diễn viên chuyên nghiệp, thế nhưng ở phim này cô diễn xuất lại rất mờ nhạt. Giải này được trao cho diễn viên mới nhưng tạo được ấn tượng. Mọi sự so sánh chỉ mang tính tương đối, trong số vai diễn ở các phim thì vai này gây được ấn tượng. Đúng là BGK chưa cân nhắc kỹ và mới chỉ chú ý đến tiêu chí đóng phim lần đầu và những nhân tố mới, trẻ trung… - Xin ông cho biết đôi điều về nhận định của BGK đối với bộ phim đoạt giải Cánh diều bạc “14 ngày phép”? BGK đã xem xét khá kỹ các bộ phim tham dự giải. Tiêu chí của năm nay là ủng hộ cách làm mới, tự nhiên, phim nhưng như không phải phim, diễn xuất nhưng như không diễn xuất, không có khoảng cách giữa cuộc sống và điện ảnh. Vẫn biết rằng sẽ chưa có sự toàn diện trong đánh giá tác phẩm nhưng trong khi một số phim của các hãng phim nhà nước làm bằng tiền nhà nước chỉ áp dụng những thủ pháp cũ, ý tưởng không có gì đặc biệt, những bộ phim thị trường có sự hấp dẫn, lôi cuốn nhưng lại không mang ý nghĩa xã hội thì “14 ngày phép” được xem là nổi bật. - Có phải đó là sự khuyến khích cho dòng phim của Việt kiều? Không nên dùng từ khuyến khích. Bộ phim này là sự chọn lựa của nhà sản xuất theo nhu cầu của khán giả. Đánh giá của BGK là xem xét về mặt biểu hiện chuyên nghiệp trong dòng phim thị trường. Chúng tôi chọn một bộ phim đi ra từ cuộc sống. “14 ngày phép” là bộ phim có ý kiến đồng nhất của Hội đồng giám khảo. Bộ phim này đoạt giải bạc vì trong bối cảnh điện ảnh VN là không còn lựa chọn khác. Bộ phim này tuy vụng về nhưng có được sự chân thật, nét mềm mại mặc dù những phim khác có tầm hơn. Có lẽ “Chơi vơi” là bộ phim xứng đáng hơn, đó là một phong cách rất riêng của Bùi Thạc Chuyên, nhưng dù sao “Chơi vơi” cũng đã đạt giải thưởng ở Liên hoan phim quốc gia, việc xét cho “Chơi vơi” ở khung giải nào cũng khó! Tôi nói thật, làm phim đã khó, làm BGK còn khó hơn. Lấy đâu ra một bộ phim vừa có tầm vóc, vừa có ý nghĩa xã hội nhưng lại chuyên nghiệp? Nếu không có chiến lược phát triển điện ảnh lâu dài, đa dạng thì đến lúc sẽ chẳng còn gì để mà chọn. Với tư cách một giám khảo, tôi cảm thấy bị động, lúng túng và buồn vì sự quanh quẩn của nền điện ảnh VN quá nghèo nàn, chưa phát triển toàn diện như mình mong muốn. |