
Cánh cửa tri thức, văn minh nhân loại, một thế giới đầy màu sắc chứa đựng vô vàn điều phong phú dần dần mở ra trước mắt giáo viên (GV), học sinh (HS) qua... bộ máy vi tính và đường truyền Internet.
Nhờ máy, cửa mở!
“Thì thầm bằng vi tính
Mới đúng điệu “imeo”
Nói năng bằng cái lưỡi
Xưa như thuở nhà nghèo
Thời “software” quyết định
Con “chip” bay lên trời
Thẩy “ram” vào dữ liệu
Ái tình liền bốc hơi”.

Ảnh: N. TUẤN
Bài thơ ca ngợi… máy tính rất dí dỏm của tác giả Bùi Chí Vinh nhanh chóng được các cư dân mạng chuyển cho nhau vì quả là máy tính đã len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống, từ nhà trường đến xã hội. “Trước kia tôi cứ nghĩ thao tác được trên máy là chuyện xa vời”- cô Nguyễn Thị Thùy Nhiên, Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1, chia sẻ. Với nhiều GV, thuật ngữ chuyên môn màn hình, bàn phím, con chuột, các thanh dấu đã trở nên quen thuộc hơn. Kỹ năng gõ máy từ “nhất dương chỉ” thành “mười ngón kiêu sa” đã trở nên thuần thục hơn. Không thể “mù vi tính được”, nhiều GV khẳng định. Này nhé, giáo án soạn trên máy rất sạch đẹp, rõ ràng, đặc biệt khi cần đổi mới thì rất nhanh gọn. Ngoài ra, GV soạn đề kiểm tra trên máy, nhất là đề trắc nghiệm, sẽ dễ xáo trộn các câu hỏi. Nếu máy nối mạng, GV có thể lướt net tìm kiếm thông tin để tạo bài giảng hấp dẫn, sinh động hơn. Cô Phùng Thị Ngọc Hoa, GV Trường THCS chuẩn quốc gia Nguyễn Văn Tố, cho biết thêm: “Dùng máy vi tính trong giảng dạy là một việc làm hay, đòi hỏi GV phải có sự đầu tư nhiều. GV sẽ giao bài để HS tự học qua mạng trong quá trình tìm tư liệu và phát triển khả năng làm việc theo nhóm. Kể cả môn giáo dục công dân vốn khô khan, khi áp dụng phương pháp này, bài học sinh động và dễ đi vào lòng các em hơn”.
“Cơn khát” máy tính
So với một số nước trong khu vực và thế giới, việc đưa tin học vào giảng dạy trong trường học ở Việt Nam dù chậm nhưng đã gặt hái nhiều thành tích đáng kể. Mới nhất là TPHCM có 2 HS tham dự Olympic Tin học quốc tế tổ chức tại Croatia vào giữa tháng 8- 2007. Tuy nhiên, trên bình diện chung, nhiều GV cho rằng việc phòng máy vi tính không đủ đã dẫn đến việc giảng dạy hiện nay vẫn nặng về lý thuyết và nhẹ thực hành, chưa kể chuyện chương trình học chưa được cập nhật tương ứng với quá trình phát triển CNTT. Theo Sở GD-ĐT, toàn TP có 165/235 trường THCS được trang bị phòng máy vi tính và 100% trường THPT có phòng máy tính kết nối Internet. Tuy nhiên, bình quân số lượng máy tính so với số lượng HS ở mỗi trường vẫn còn quá ít. Ngoại trừ các trường ở quận trung tâm thường có ít nhất 2 phòng máy, nhiều trường ở tỉnh, hoặc vùng sâu, vùng xa chỉ học tin học trên… giáo trình. Ở các trường vùng ven, ngoại thành, kinh phí mua sắm trang thiết bị trường học hoàn toàn trông chờ vào ngân sách nhà nước, trong khi nguồn này chủ yếu dùng trả lương. Ở huyện Cần Giờ, TPHCM, sau hơn 4 năm đưa tin học vào giảng dạy, chỉ 5/7 trường THCS có phòng máy. Trưởng phòng Giáo dục huyện, Hồ Quốc Ánh, than: “Mục tiêu đến năm 2008 hầu hết HS thành thạo tin học ở Cần Giờ khó quá! Nếu ở nội thành, phòng máy không đủ thì các em về nhà hay ra tiệm Internet công cộng thực hành nhưng ở đây đành chịu…”.
Trong bối cảnh ngân sách còn eo hẹp hiện nay, quận Tân Phú (một quận mới thành lập và còn nhiều khó khăn của TPHCM) đã tìm ra một phần lời giải hợp lý cho bài toán tin học hóa học đường. Ngày 30-8, Phòng Giáo dục quận Tân Phú, hai công ty Intel Việt Nam, Liên Việt Thành và Ngân hàng ACB đã ký kết bản ghi nhớ giúp GV trên địa bàn quận vay vốn mua trả góp 1.000 máy tính xách tay (laptop). Trong đó, Intel Việt Nam hỗ trợ lãi suất vốn vay trong 12 tháng. Trưởng phòng Giáo dục quận, Hoàng Thị Hồng Hải, cho biết: “Đợt đầu tiên của chương trình này có 100 GV tham dự. Sau khi kết thúc đợt 1 (ngày 15- 9), chúng tôi sẽ triển khai các đợt tiếp theo. Tôi nghĩ việc trang bị laptop cho GV là một mô hình thiết thực cần được nhân rộng để máy tính đến gần hơn với thầy cô giáo, phục vụ tốt việc nghiên cứu, giảng dạy hay soạn giáo án điện tử…”.
DOANH DOANH