Có rất nhiều nguyên nhân làm cho chất lượng môi trường ngày càng xấu đi và tính chất nguy hại tiềm ẩn ngày càng cao, nhưng có 2 nguyên chính: Hệ thống quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường và cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường. Vì vậy, xây dựng một hệ thống quản lý môi trường phù hợp (tối ưu), đặc biệt là hệ thống quản lý nhà nước (bao gồm con người và cơ sở vật chất hỗ trợ), mang tính quyết định (sống còn) đến sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của TPHCM.
Càng đầu tư... càng ô nhiễm
Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu hoặc đề xuất nào về hệ thống quản lý môi trường cho TPHCM một cách khách quan và khoa học. Số liệu thống kê và thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, số lượng cán bộ làm việc cho ngành môi trường (bao gồm cả kỹ thuật - công nghệ và quản lý nhà nước) ngày càng tăng, trình độ “học vấn” ngày càng cao, cơ sở vật chất và tiền của đầu tư ngày càng lớn, các văn bản pháp lý ra đời ngày càng nhiều, nhận thức xã hội về môi trường ngày càng rõ ràng nhưng mức độ ô nhiễm môi trường (tuyệt đối) có xu hướng ngày càng cao, diện ngày càng rộng và tính nguy hại ngày càng nghiêm trọng, các ảnh hưởng không phải chỉ có một thế hệ mà nhiều thế hệ, không chỉ có thân thể (điều kiện sinh lý) bị ảnh hưởng mà cả ý thức cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dường như cách tiếp cận về quản lý môi trường của Việt Nam nói chung và TPHCM không còn đúng và không đáp ứng được đòi hỏi của thực tế trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Để quản lý đô thị nói chung và môi trường nói riêng một cách có hiệu quả, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước đóng vai trò quyết định… Tuy nhiên, cũng phải hiểu rộng hơn: số lượng cán bộ có thể tăng vô hạn nhưng không thể giải quyết hết các vấn đề về quản lý môi trường. Ngược lại, cơ sở vật chất khổng lồ cũng không thể thay thế được yếu tố con người trong công tác quản lý, ví dụ công tác xây dựng văn bản pháp luật. Như vậy, cần phải có một số yêu cầu chặt chẽ hơn về yếu tố con người và vật chất trong hệ thống quản lý.
Các nhà quản lý phải quyết định lựa chọn: sử dụng số lượng nhân lực (biên chế) lớn và giảm đầu tư cơ sở vật chất hay giảm biên chế và tăng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật hỗ trợ và áp dụng công nghệ quản lý hiện đại.
Đề xuất mô hình quản lý
Việc xây dựng cấu trúc tổ chức hệ thống quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường tại TPHCM phải dựa trên tình hình phát triển kinh tế - xã hội (hiện tại và tương lai) và các quy định của Chính phủ. Dù rằng, nhiều điều khoản trong các văn bản pháp luật (Luật Bảo vệ môi trường, các nghị định và thông tư) thiếu và đã “lạc hậu” so với tình hình phát triển của kinh tế - xã hội tại thành phố.
Cấu trúc tổ chức sẽ hoạt động tốt nếu được vận hành với sự phân cấp rõ ràng: Cơ quan quản lý nhà nước cấp thành phố (sở, ban, ngành) thực hiện công tác quản lý chính sách và điều hành việc thực hiện chính sách; cơ quan quản lý nhà nước cấp quận huyện và phường xã thực hiện công tác quản lý điều hành.
Ngoài ra, bộ máy phải sử dụng công nghệ thông tin và các công nghệ quản lý tiên tiến với sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện kỹ thuật hiện đại, công tác quản lý đô thị nói chung và quản lý môi trường (chất thải) nói riêng mới có hiệu quả, nếu không muốn tăng biên chế với số lượng khổng lồ.
Nhân lực và cơ sở vật chất có mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại nhưng yếu tố nhân lực (số lượng và chất lượng) mang tính chất quyết định. Do vậy, một trong những vấn đề lớn nhất của hệ thống quản lý nhà nước hiện nay là xác định số lượng và chất lượng cán bộ.
Về nguyên tắc, số lượng cán bộ trong hệ thống quản lý (sở) nói chung và từng bộ phận (phòng, ban) nói riêng có thể tính toán dựa trên cơ sở và công thức sau:
– Loại hình và số lượng công việc hàng ngày (SL);
– Định mức lao động cho từng loại hình công việc (ĐM);
Và: NL (người lao động) = SL: ĐM
Từ công thức trên cho thấy, số lượng cán bộ tỷ lệ thuận với loại hình và số lượng công việc hàng ngày và tỷ lệ nghịch với định mức lao động. Như vậy khi nền kinh tế - xã hội càng phát triển, các vấn đề cần quản lý phát sinh ngày càng nhiều thì số lượng cán bộ quản lý ngày càng tăng theo tỷ lệ nói trên. Mặt khác, định mức lao động càng cao thì số lượng cán bộ giảm xuống, hay hiểu một cách khác chất lượng cán bộ càng cao thì số lượng cán bộ càng giảm.
Cơ sở vật chất và thiết bị kỹ thuật – công nghệ hỗ trợ ngoài việc làm tăng năng suất lao động (tăng định mức), giảm số lượng cán bộ (một cách đáng kể) còn giải quyết một số vấn đề mà con người không thể thực hiện được.
TS Nguyễn Trung Việt
(Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM)