
“Có ý kiến cho rằng TPHCM kẹt xe, ngập nước là vì chúng ta đang… kẹt giải pháp. Có đúng như vậy không? Sức mạnh của HĐND TP không chỉ ở chỗ phản ánh sự thật mà còn là tinh thần cộng đồng trách nhiệm, tinh thần hiến kế để cùng nhau giải quyết vấn đề!” - Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đã “đặt hàng” với các đại biểu (ĐB) khi mở đầu phiên chất vấn diễn ra vào ngày 5-12.
- Có nên di dời khu trung tâm hành chính TP?

Tìm giải pháp căn bản cho cho những vấn đề nan giải của TP hiện nay, ĐB Phạm Minh Trí đề xuất với Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín: “Nên chăng chúng ta dời khu trung tâm hành chính TP qua Thủ Thiêm. Nếu không dời toàn bộ thì mình làm phân nửa, có thể HĐND và Thành ủy ở bên này còn chính quyền về bên kia! Ngày xưa vua còn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, bây giờ chúng ta không có gì ngại cả nếu thấy có lợi cho dân!”.
Đồng tình với ý tưởng “dời đô”, ĐB Phạm Văn Hải cho rằng: Lâu nay chúng ta làm quy hoạch là cứ hướng về khu trung tâm TP. Tôi cũng muốn dời nhưng mà không sang Thủ Thiêm như anh Trí mà về Củ Chi, cả cánh đồng bát ngát, đất cao ráo không sợ ngập, đền bù đất nông nghiệp không tốn nhiều!
Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo góp thêm: Không chỉ các ĐB có ý tưởng này đâu, tôi nghe người dân cũng nói nên chăng chúng ta nên tính đến phương án này… “Ngay bây giờ tôi không thể trả lời được là dời hay không dời khu trung tâm hành chính TP. Bởi vì muốn làm phải nghiên cứu một cách hết sức khoa học. Hiện nay chúng ta đã chọn được một tập đoàn có uy tín quốc tế họ nghiên cứu khu trung tâm TP sẽ làm gì, kết quả sẽ có vào quý 1 năm 2008”, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín trả lời.
Ông cũng đồng tình với các ĐB trong cả ngày chất vấn rằng dân số là bài toán cơ bản để quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi đã dự báo rồi nhưng không kiểm soát được thì cũng như không. Bởi vì kiểm soát dân số không phải TP muốn là được mà cần có sự thống nhất. “Một đô thị được xây dựng cho 2,5 triệu dân mà bây giờ phải gánh tới 8 triệu thì không thể tránh được kẹt xe, ngập nước” – ông Tín nói.
Theo ông ở các nước khi kinh tế tăng trưởng 10% thì đầu tư cho hạ tầng phải gần 20%, trong khi nhiều năm qua quy mô đầu tư cho hạ tầng của chúng ta không tăng. “Đến một ngày nào, hạ tầng bất cập không chỉ ảnh hưởng mà nó thực sự sẽ làm cản trở sự tăng trưởng của TP”.
Về các giải pháp trước mắt cho tình hình giao thông, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết sẽ chuẩn bị thật kỹ để trình HĐND TP đề án tổ chức đi học lệch giờ, đi làm lệch ca và hạn chế xe cá nhân. Ông cũng hứa rằng khi đã hạn chế xe cá nhân thì UBND TP sẽ tính toán phương tiện thay thế và lộ trình cụ thể chứ không để người dân đi bộ được.
- Thi công hạ tầng kéo dài, kẹt xe, nước ngập…
Câu trả lời nghe hơi... cũ!

Đại biểu HĐND TPHCM Đặng Văn Khoa đưa ra dẫn chứng về những vấn đề đã chất vấn nhiều lần mà vẫn chưa có kết quả. Ảnh: VIỆT DŨNG
Giải thích nguyên nhân dẫn đến tình trạng kéo dài triền miên của các dự án giao thông, theo ông Trần Quang Phượng: “Là do khâu bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn còn khó khăn. Cơ chế, chính sách của nhà nước còn nhiều trói buộc. Chẳng hạn như dự án có số tăng kinh phí trên 10% thì phải trình duyệt để điều chỉnh dự án. Khâu phối hợp giữa các ngành điện, nước, điện thoại còn nhiều bất cập…”.
Nghe đến đây, ĐB Đặng Văn Khoa thẳng thắn: “Tôi nghe câu trả lời này hơi… cũ! Chuyện phối hợp giữa các cơ quan trong giải tỏa đền bù được các kỳ họp HĐND phản ánh nhiều lần mà tới nay… vẫn vậy!”.
Về cốt nền xây dựng, ông Khoa quyết liệt: “TP đã bỏ lơ, không quan tâm đến việc ban hành cốt khống chế xây dựng. 3 lần chất vấn, 5 năm trôi qua mà mọi việc vẫn ngổn ngang dù Thường trực UBND TP đã nhiều lần hứa giải quyết”.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín nhận định: “Anh Khoa nói đúng! Đó cũng là bức xúc của chúng tôi”. Còn Giám đốc Trần Quang Phượng trả lời: “Cốt khống chế này phụ thuộc vào quy hoạch chi tiết về thoát nước và giao thông. Khi nào TP làm xong quy hoạch này thì cốt san nền sẽ có (!)”. Nhưng hỏi bao giờ có, thì các ĐB chỉ nhận được những câu trả lời: Chờ đợi thêm một thời gian nữa!
Về việc chống kẹt xe, có ĐB cho rằng phải… tuyên chiến với xe máy! Thế nhưng, nhiều ĐB không nhất trí. ĐB Phạm Minh Trí cho rằng: “Nếu nói xe máy là nguyên nhân gây kẹt xe mà cấm thì cũng tương tự như chuyện bùng nổ dân số là do… sinh đẻ. Chẳng lẽ… cấm đẻ!”.
ĐB Lê Văn Trung đồng tình: “Không nên tuyên chiến mà phải có phương pháp dần chuyển thói quen đi xe gắn máy. Muốn “quản” phải có “lý”. ĐB Đặng Văn Khoa góp thêm: “Không thể tuyên chiến với xe máy mà phải tuyên chiến với những ý tưởng chống xe máy một cách cực đoan!”…
Nhận thấy giữa các ĐB “đấu nhau”, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo “mở hướng”: “Muốn hạn chế xe 2 - 3 bánh, cần phải có lộ trình cụ thể!”. Về phương án thu phí phương tiện cá nhân từ 30% - 50% để duy tu đường giao thông, ĐB Phạm Minh Trí cho rằng: “Như thế là “đánh” vào bộ phận lao động nghèo”…
Nhiều ĐB cho rằng các dự án về giao thông của TP quy hoạch không đồng bộ. ĐB Nguyễn Minh Hương dẫn chứng dự án Đại lộ Đông Tây “trổ” sang quận 2 trong khi cơ sở hạ tầng ở quận 2 chưa được đầu tư tương thích, giống như người ta nuôi bò chuẩn bị đưa đến lò mổ nhưng ở đó chỉ vừa để mổ gà!?
Minh họa cho tính thiếu khả thi của đề án lệch giờ, lệch ca, ĐB Nguyễn Minh Hương đưa ra ví dụ từ bản thân: “Khoảng 6 giờ 45, tôi đưa con đi học, nhưng 8 giờ, cơ quan tôi mới mở cửa. Vậy từ 6 giờ 45 tới 8 giờ tôi phải chạy long nhong ngoài đường! Vậy chính tôi lại trở thành một tác nhân gây ùn tắc giao thông!”.
“Chống kẹt xe bắt nguồn từ ý thức người dân. Đã đến lúc chúng ta phải hình thành trong cộng đồng nếp sống “văn hóa nhường nhịn” khi tham gia giao thông!” - Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo nói.
- Xử lý ô nhiễm môi trường, chất thải độc hại, ô nhiễm nước ngầm…
Nhiều vấn đề chưa trả lời được

Quyền Giám đốc Sở TN-MT TP Đào Anh Kiệt
Sau khi nghe phần giải trình sơ sài của quyền Giám đốc Sở TN-MT TP Đào Anh Kiệt, ĐB Đặng Văn Khoa nhận xét: “Nguội lạnh trước những vấn đề nóng của cuộc sống”.
ĐB Phạm Văn Hải cũng bức xúc: “Cách trả lời của anh Kiệt chưa làm tôi hài lòng, tôi không biết phải nói thế nào với cử tri!”. Vấn đề người dân quan tâm là sau khi xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm thì tình trạng ô nhiễm có giảm đi hay không, chứ chỉ nói kết quả xử lý thì dễ quá!”.
Ông Kiệt không lý giải được cho các ĐB là “phân hầm cầu đổ đi đâu” và “khi có dịch tả xảy ra thì ai chịu trách nhiệm”. Sau khi đóng cửa cơ sở phân bón Hòa Bình (quận Tân Phú), toàn TPHCM hiện chưa có địa điểm chính thức xử lý phân hầm cầu.
Trước mắt, bãi chôn lấp Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) chỉ tạm thời tiếp nhận một phần nhỏ phân hầm cầu (khoảng 200m3/ngày), nhưng một lượng lớn phân hầm cầu “không biết chôn đâu”. Như để “gỡ” cho ông Kiệt, ĐB Đặng Văn Khoa “bật mí” từ kết quả giám sát của mình: “Tôi xin mách với GĐ Đào Anh Kiệt là nhiều xe hút phân hầm cầu chờ lúc vắng người vào ban đêm, đã đổ phân trực tiếp xuống cửa cống thoát nước và sông rạch!”.
Nước hầm cầu này ngấm xuống lòng đất, len lỏi vào mạch nước ngầm! ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa truy đến cùng: “Gần 200.000 hộ dân phải sử dụng nước ngầm có nhiều tạp chất nguy hiểm gây ra bệnh ung thư và các loại bệnh khác thì giám đốc Sở TN-MT chịu trách nhiệm không?”. Quyền GĐ Đào Anh Kiệt im lặng!
Việc khai thác nước ngầm ngày càng tăng trong các khu dân cư, nhất là ở các vùng ven (có 2/3 cơ sở khai thác nước ngầm không xin phép) là nguy cơ lớn gây ô nhiễm nguồn nước và sụt lún nền đất. Ông Kiệt không trả lời và xin phép tiếp thu những phản ánh của các ĐB về ô nhiễm sông Thị Vải (Cần Giờ), về xí nghiệp phân bón ở quận Bình Tân và 2 xí nghiệp khác gây ô nhiễm ở quận Tân Bình chưa di dời, về xử lý cơ sở sản xuất làm mất màu xanh lá cây hay quản lý khai thác nước ngầm gây ra sụt lún nền đất…
Cả phần giải trình và trả lời chất vấn của ông Đào Anh Kiệt đều được ĐB Phạm Văn Hải và Nguyễn Đăng Nghĩa nhận xét: “Dường như ông Kiệt chưa đọc bản báo cáo kết quả giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP về ô nhiễm môi trường, vì trong đó có nhiều kiến nghị cụ thể, xác đáng nhưng không thấy ông Kiệt đề cập đến”.
Phần trả lời thêm của GĐ Sở Y tế TP Nguyễn Văn Châu và Trưởng ban Quản lý KCN-KCX TP Vũ Văn Hòa về xử lý chất thải của bệnh viện và xí nghiệp cũng chưa thật sự làm các ĐB yên tâm khi tình trạng ô nhiễm môi trường càng ngày trở nên bức xúc như lời một ĐB lên tiếng “đã quá sức chịu đựng, đã vượt quá giới hạn cho phép!”.
- Mô hình nông nghiệp đô thị
Đang đặt hàng “nghiên cứu”

Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Phước Thảo
"Công trình bờ bao sông Sài Gòn đã qua 2 nhiệm kỳ HĐND TP mà chưa thấy đâu, người dân các địa phương Củ Chi, Hóc Môn, quận 12… nói với chúng tôi nếu kỳ họp này mà không hỏi cho ra thì cũng là ông “nghị gật”. Vậy xin hỏi Giám đốc NN-PTNT bao giờ xong công trình này? Tôi cũng không hiểu tại sao TP lại giao việc thi công cho một đơn vị không có vốn, để rồi TP thấy chậm, phải ứng vốn đến 40 tỷ đồng, như thế có phải vì chúng ta “nể” đơn vị Trung ương không, có thay đổi đơn vị khác được không?” – ĐB Phạm Văn Hải đặt vấn đề khá gay gắt.
Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Phước Thảo khẳng định: Đến 30-6-2009 người dân khu vực này sẽ có đê bao. Chúng tôi hứa sẽ dứt khoát xử lý nếu đơn vị thi công vi phạm hợp đồng, đồng thời cũng sẽ hỗ trợ để họ làm đúng tiến độ.
Trước tình trạng triều cường gây ngập úng, vỡ đê bao, nhiều ĐB tiếp tục đặt vấn đề: Vì sao đã dự báo trước, nó không bất ngờ như sóng thần nhưng sở không quan tâm thấu đáo, nói “4 tại chỗ” mà có thực chất không, sao không chuẩn bị sẵn vật liệu, chỉ khi có lãnh đạo TP trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo thì công việc mới khẩn trương tiến hành? Tại sao Sở NN-PTNT không tham mưu cho TP phải có “nhạc trưởng” trong việc gia cố bảo vệ đê bao. Tránh được tình trạng TP giao xuống quận - huyện, huyện giao lại cho xã và xã đi vận động người dân, cuối cùng nước tràn bờ đê bà con nông dân lãnh đủ? “Chúng tôi trân trọng tiếp thu ý kiến các ĐB: Muốn đối phó với triều cường cần có “nhạc trưởng”, với góp ý này chúng tôi sẽ làm tốt hơn” – ông Thảo tiếp thu.
“Nông nghiệp đô thị có khác gì với nông nghiệp nông thôn và bao giờ các ĐB chúng tôi mới tham quan được khu nông nghiệp công nghệ cao?” – ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa chất vấn tiếp. Ông Nguyễn Phước Thảo trả lời ngay: Có nhiều quan điểm về vấn đề này, hiện chúng tôi đang “đặt hàng” các cơ quan chức năng nghiên cứu “mô hình nông nghiệp đô thị”. Còn khu nông nghiệp công nghệ cao đúng là chậm vì chủ trương từ Trung ương có thay đổi nên đầu năm 2008 chúng tôi mới khởi động được.
Kết thúc phiên họp chất vấn Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cho biết, có đến 42 ĐB chất vấn trực tiếp tại hội trường và hơn 200 cử tri điện thoại, gửi thư điện tử góp ý qua đường dây nóng. Theo Chủ tịch HĐND TP, tinh thần và nội dung câu hỏi chất vấn đều thể hiện một sự cộng đồng trách nhiệm giữa ĐB và chính quyền TP. ĐB hỏi thẳng vào sự việc, nhìn thẳng vào thực trạng và góp ý đề ra giải pháp cho UBND TP. Đối với các sở ngành, Chủ tịch HĐND TP yêu cầu, nên lắng nghe nhiều ý kiến từ nhiều chiều để tìm tiếng nói chung và lời giải căn cơ đáp ứng yêu cầu phát triển của TP, giải quyết những bức xúc của dân. Đồng thời, Chủ tịch HĐND TP cũng lưu ý UBND TP: Trong công tác điều hành phải chỉ đạo quyết liệt, đeo bám quyết liệt trước những vấn đề nóng và khó. Quan trọng hơn phải vừa bình tĩnh xử lý vừa dám quyết những gì thực tiễn đặt ra sao cho hợp lòng dân, tạo sức mạnh trong dân. |
T. Toàn - T. Sơn - M. Hương