Nền tảng để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Việc sửa đổi, bổ sung Điều 9 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định vai trò MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân…

Điều đó có ý nghĩa rất lớn trong việc phát huy tối đa vai trò của MTTQ, nhất là trong huy động và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bao gồm cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Thúc đẩy đoàn kết trong bối cảnh hội nhập

Có thể nói, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 đã tạo vị thế pháp lý và chính trị rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ tổ chức các hoạt động vận động, tập hợp, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân. Việc bảo đảm thể chế, giúp MTTQ có thể phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc gắn kết các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước vào mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.

Điều này cũng bảo đảm sự thống nhất và đồng thuận trong chủ trương, đường lối của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng giúp MTTQ gắn kết hiệu quả hơn nữa với các tổ chức chính trị - xã hội khác trong hệ thống, tránh chồng chéo, và tăng cường tính đồng bộ trong các hoạt động. Mặt khác, khi triển khai các chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, MTTQ sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, đảm bảo thống nhất mục tiêu, thông điệp và hành động.

O4a.jpg
Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM bàn giao nhà tình thương cho người dân ở quận 8, TPHCM. Ảnh: ĐÔNG SƠN

Với vai trò được hiến định và luật định, MTTQ Việt Nam có cơ sở để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước một cách công khai, minh bạch và hiệu quả hơn nữa, đặc biệt là khi vận động kiều bào hướng về quê hương. Việc khẳng định vai trò chính trị giúp MTTQ đề xuất và tham gia xây dựng chính sách có trọng tâm hơn đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt là về bảo hộ công dân; phát triển văn hóa, tiếng Việt trong cộng đồng người Việt xa Tổ quốc, đồng thời huy động trí thức, doanh nhân kiều bào đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp ở Việt Nam.

Ngoài ra, khi vai trò của MTTQ được xác lập mạnh mẽ trong hệ thống chính trị, đây sẽ là lực lượng then chốt trong bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, nhờ khả năng huy động đồng lòng từ trong nước đến ngoài nước. Đặc biệt trong các vấn đề lớn như chủ quyền biển đảo, bảo vệ văn hóa dân tộc hay phản bác thông tin sai lệch, MTTQ có thể huy động sức mạnh cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài một cách có tổ chức và chính nghĩa.

Do vậy, việc khẳng định vai trò của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị không chỉ là vấn đề lý luận, mà còn mang giá trị thực tiễn sâu sắc. Đó là nền tảng để MTTQ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tăng cường giám sát, phản biện

Cũng tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 9, Hiến pháp năm 2013 đã chuyển các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) về trực thuộc MTTQ Việt Nam. Điều này có thể tạo ra những chuyển biến tích cực trong cách thức tổ chức, vận hành và phát huy vai trò đại diện, chăm lo quyền lợi của các tầng lớp nhân dân, nhất là trong bối cảnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Trước hết, khi các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ, việc phối hợp, chia sẻ nguồn lực và thông tin giữa các tổ chức sẽ hiệu quả hơn, tránh tình trạng phân tán, hoạt động riêng rẽ, đôi lúc là chồng chéo chức năng và nhiệm vụ. MTTQ giữ vai trò “nhạc trưởng”, định hướng chung cho hoạt động, giúp xây dựng chiến lược đại đoàn kết toàn dân có trọng tâm, liên thông và không trùng lặp.

Các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… sẽ tiếp cận nhanh hơn với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước qua đầu mối MTTQ, từ đó có tiếng nói và hành động sát thực tế, gần dân hơn. Đặc biệt, khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, nhiều chức năng hành chính sẽ điều chỉnh cho phù hợp nên các tổ chức này trực thuộc MTTQ sẽ tránh bị “hành chính hóa” và làm mất bản chất vận động quần chúng.

Nhìn ở góc độ rộng hơn, xu hướng chung là tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng vận động quần chúng. Việc sắp xếp lại theo hướng các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ là bước đi đúng hướng, phù hợp với tinh thần cải cách thể chế, đổi mới hệ thống chính trị.

Điều này cũng giúp chống hình thức, tránh “hành chính hóa” tổ chức quần chúng, đảm bảo tính linh hoạt, gần dân, hoạt động vì lợi ích thiết thực của người dân.

Việc chuyển các tổ chức chính trị - xã hội về trực thuộc MTTQ là một giải pháp chiến lược để đổi mới phương thức vận động quần chúng, tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trong bối cảnh chính quyền địa phương đang được sắp xếp lại. Đây cũng là tiền đề để phát huy vai trò thực chất, đại diện quyền lợi chính đáng của nhân dân, đúng với tinh thần “lấy dân làm gốc”.

Tin cùng chuyên mục