Giải pháp cho ngành mía đường

Chưa bao giờ ngành mía đường lâm vào tình cảnh khốn khó như hiện nay khi giá mía nguyên liệu và giá đường cát trên thị trường “kéo nhau” rớt giá thảm hại. 
Giá mía nguyên liệu tại ruộng chỉ còn khoảng 450 - 550 đồng/kg, giảm 300 - 400 đồng/kg (so với đầu vụ vào tháng 10, tháng 11-2017); mức giá quá thấp khiến nông dân trồng mía thua lỗ từ 10 - 20 triệu đồng/ha. 

Nguyên nhân khiến giá mía giảm mạnh so với các vụ trước là do giá đường cát năm nay gần như “chạm đáy” (11.200 - 12.000 đồng/kg). Giá thấp, tiêu thụ lại chậm; hàng loạt nhà máy phải “ôm” lượng lớn hàng tồn. Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, thời điểm tháng 4-2018, các nhà máy sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh đường cát còn tồn kho khoảng 500.000 - 530.000 tấn đường. Các doanh nghiệp mía đường ở ĐBSCL cho biết, giá đường vừa thấp, vừa khó tiêu thụ đã đẩy các nhà máy vào cảnh thiếu vốn trầm trọng. Thậm chí một số nhà máy không còn kinh phí để trả tiền mua mía cho nông dân, buộc phải đóng cửa, ngừng hoạt động. Ngành mía đường đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng và một trong những nguyên nhân là đường nội địa bị đường cát Thái Lan nhập lậu uy hiếp. 

Vì sao lâu nay ngành mía đường cứ loay hoay mãi cảnh “tới mùa - dội chợ - rớt giá” và thua đường cát Thái Lan ngay trên sân nhà? Có ý kiến cho rằng ngành mía đường nhiều năm sống trong bao cấp, bảo hộ của Nhà nước, nên “không chịu lớn”. Song, lãnh đạo Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco, doanh nghiệp sản xuất đường lớn nhất khu vực ĐBSCL và cả nước) thì cho rằng, hạn chế tồn tại là sản xuất mía ở ĐBSCL đến giờ này vẫn thuộc dạng manh mún, nhỏ lẻ, đất đai có nhiều kênh mương nên rất khó áp dụng cơ giới hóa vào ruộng mía. Việc sản xuất, chăm sóc và thu hoạch phụ thuộc nhiều vào chân tay khiến chi phí giá thành cây mía quá cao; từ đó giảm tính cạnh tranh so với các nước khác. Ngoài ra, công nghệ chế biến của các nhà máy còn kém, năng lực sản xuất còn nhỏ; đặc biệt là tập trung sản xuất sản phẩm đường, chưa chế biến thêm được nhiều sản phẩm khác ngoài đường, vì vậy khả năng cạnh tranh của nhà máy không cao. 

Theo các nhà chuyên môn, đã đến lúc cần mạnh dạn đóng cửa một số nhà máy đường lạc hậu công nghệ, yếu kém năng lực, làm ăn thiếu liên kết, không bài bản; từ đó đầu tư cho những nhà máy trọng điểm có công suất lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến. Cùng với mặt hàng đường cát, khuyến khích các nhà máy đa dạng hóa sản phẩm để tăng nguồn thu, giảm giá thành. Nhanh chóng quy hoạch lại đồng mía, trên cơ sở sản xuất lớn nhằm thực hiện cơ giới hóa, áp dụng máy móc để tiết giảm sức lao động và chi phí.
Bộ NN-PTNT cho biết, theo đề án phát triển ngành mía đường đến năm 2020 và định hướng 2030, nhằm cơ cấu lại ngành đường trong nước trước sự cạnh tranh dữ dội của đường ngoại nhập, không xây dựng thêm nhà máy đường mới, chỉ mở rộng công suất đối với những nhà máy đường có vùng nguyên liệu và có khả năng phát triển.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng đang phối hợp cùng các ngành liên quan xây dựng thí điểm mô hình “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ mía đường giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân”. Mô hình này sẽ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ mía đường; tái cơ cấu và tổ chức lại sản xuất mía đường theo quy mô lớn, tập trung, ứng dụng cơ giới hóa, kỹ thuật tiên tiến, giảm chi phí, tăng năng suất; các doanh nghiệp sẽ cung cấp giống và bao tiêu thu mua mía cho nông dân; phía nông dân có thể tham gia cổ phần như một thành viên để cùng điều hành, quản lý và phát triển nhà máy.

Một số điểm sáng đã xuất hiện như Nhà máy đường Lam Sơn vận động nông dân liên kết lại hình thành vùng sản xuất lớn và nhà máy chỉ hợp đồng bao tiêu cho mỗi hộ có diện tích canh tác từ 3ha mía trở lên, nên việc ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa thuận lợi, chi phí giá thành được kéo giảm đáng kể. Do đó, nhiều nơi giá mía thấp nhưng Nhà máy đường Lam Sơn vẫn mua mía nguyên liệu hơn 1.000 đồng/kg, nông dân đảm bảo có lãi. Hay như Công ty Casuco mấy năm qua hình thành câu lạc bộ 200 tấn/mía rất thành công, bởi nông dân được quy tụ sản xuất liên kết, được đầu tư kỹ thuật, giống, vật tư, nhà máy bao tiêu đầu ra… Vì vậy, các thành viên trong câu lạc bộ 200 tấn luôn đạt hiệu quả cao; không bị lỗ dù có những thời điểm giá mía có thấp.

Tin cùng chuyên mục