Giải pháp chống ùn tắc giao thông thiếu đồng bộ, gây lãng phí lớn

Tìm giải pháp cho vấn đề giao thông đô thị tại Việt Nam là nội dung chính của cuộc hội thảo quốc tế “Chiến lược và giải pháp quy hoạch giao thông đô thị bền vững” diễn ra ngày 26-7 tại Hà Nội, với sự tham dự của lãnh đạo ngành giao thông, các viện chiến lược, quy hoạch, quản lý giao thông vận tải, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và Nhật Bản.

(SGGP). – Tìm giải pháp cho vấn đề giao thông đô thị tại Việt Nam là nội dung chính của cuộc hội thảo quốc tế “Chiến lược và giải pháp quy hoạch giao thông đô thị bền vững” diễn ra ngày 26-7 tại Hà Nội, với sự tham dự của lãnh đạo ngành giao thông, các viện chiến lược, quy hoạch, quản lý giao thông vận tải, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và Nhật Bản.

Theo phân tích của các chuyên gia tại hội thảo, những giải pháp quy hoạch nhằm giải quyết vấn đề ách tắc giao thông tại Hà Nội và nhiều thành phố của Việt Nam được áp dụng một cách không đồng nhất trong nhiều năm qua đã và đang gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước và chi phí cơ hội của người dân. Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong bối cảnh tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam cao do dân số tăng nhanh, gây áp lực lên hệ thống kết cấu hạ tầng.

Để tiết kiệm tối đa nguồn lực trong quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho giao thông đô thị, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp mới, trong đó đáng chú ý là công nghệ cảm biến số để kiểm soát giao thông. Theo đó, công nghệ cảm biến số cho phép thu thập dữ liệu giao thông qua các camera quan sát, hệ thống tín hiệu điều khiển thông minh và hệ thống cảm biến gồm các thiết bị cảm biến, biển báo đặt tại các điểm có lưu lượng xe qua lại cao hoặc các tuyến đường thường xuyên ùn tắc. Khi tuyến đường tắc nghẽn, các thiết bị cảm biến số sẽ gửi thông tin từ trung tâm điều hành về tình hình giao thông và hướng dẫn người dân lưu thông kịp thời tránh qua các điểm ùn tắc.

Bên cạnh các giải pháp về công nghệ, các chuyên gia cũng cho rằng quy hoạch giao thông phải đi trước một bước. Các đô thị cần thiết xây dựng chiến lược và chính sách phát triển giao thông gắn liền với chiến lược phát triển đô thị, kinh tế xã hội của đất nước.

Cùng ngày, làm việc với Đoàn giám sát Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về việc thực hiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải, UBND TPHCM đã phản ánh về những bất cập, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Trong khuôn khổ của chương trình giám sát lần này, nhiều ý kiến trong đoàn cho rằng, TPHCM có nhiều biện pháp và sáng kiến đang làm thí điểm cần phải làm rõ thêm, xử lý như thế nào về cán bộ không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao... Sau đợt giám sát, những kiến nghị của TPHCM và nhiều địa phương khác sẽ được xem xét nhằm sửa đổi, bổ sung pháp luật về giao thông vận tải phù hợp với thực tiễn.

Ngày 26-7, Sở GTVT TPHCM phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển giao thông vận tải phía Nam (Bộ GTVT) tổ chức hội thảo “Xây dựng mô hình giao thông hiện đại - Sự cần thiết, định hướng phát triển”.

Tại hội thảo, TS Tôn Thất Tú, chuyên gia xây dựng mô hình giao thông Sydney, Australia cho rằng, tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng tăng tại TPHCM đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội và môi trường. Mô hình giao thông được xây dựng riêng cho quản lý giao thông ở TPHCM cần có những khả năng sau: Cung cấp những phân tích hiệu quả và kịp thời về chính sách giao thông, môi trường và sử dụng đất. Để thử nghiệm những ý tưởng và chiến lược mới, hiểu rõ những ảnh hưởng của quyết định trước khi triển khai và tiêu hao thời gian, nguồn lực. Hỗ trợ cải thiện những hiểu biết về ảnh hưởng của các chính sách đối với hệ thống giao thông, sử dụng đất…

Tại hội thảo, ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết: Do thiếu vấn đề mô hình đầu vào như thế nào để lập quy hoạch giao thông cho đồng bộ đảm bảo vấn đề giao thông gặp nhiều khó khăn. Do đó, sở sẽ xem xét những ý tưởng, mô hình giao thông mới để áp dụng vào vấn đề lập và quản lý giao thông trên địa bàn TP.

B.QUYÊN - Q.HÙNG - G.ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục