Sạt lở Thanh Đa

Giải pháp chưa căn cơ

Giải pháp chưa căn cơ
  • Thiệt hại gia tăng 

Vào lúc 0 giờ 20 ngày 8-6, thủy triều xuống rất thấp và đất ở khu biệt thự Lý Hoàng (số 762 đường Bình Quới, phường 27, quận Bình Thạnh) bắt đầu rung chuyển mạnh. Chỉ 15 phút sau, toàn bộ đoạn bờ kè trong khu đất có các công trình xây dựng kiên cố gồm 1 nhà thủy tạ, 1 nhà lồng và cây cối xung quanh đã chìm xuống dòng sông. Rất may khi sự cố xảy ra không ai bị thiệt mạng.

Giải pháp chưa căn cơ ảnh 1

Sạt lở năm 2004 ở chân cầu Kinh (Thanh Đa - Bình Thạnh) cuốn trôi 5 căn nhà và tài sản.

Ông Lý Phi Hậu, chủ nhân của khu biệt thự Lý Hoàng vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự việc xảy ra quá nhanh, nghẹn ngào nói: “Đoạn bờ kè này chúng tôi bỏ tiền ra đến hơn cả tỉ đồng thực hiện. Có ai ngờ công trình kiên cố vừa được hoàn chỉnh đã bị nước cuốn trôi”.

Qua nhận định ban đầu, Trạm Quản lý đường sông số 4 cho biết nguyên nhân sạt lở có thể là do nền đất mới đắp quá cao (gần 1 mét so với hiện trạng phần nền cũ). Đất nặng trong khi chân kè không xây bê tông kiên cố nên đất bị sụp.

Qua đo đạc, đơn vị này cho biết trên 1.000m2 đất bị sạt lở hoàn toàn. Ở phần đất còn lại, xuất hiện rất nhiều vết nứt mới. Đến khoảng 10 giờ sáng, khi thủy triều rút xuống, chúng tôi thấy căn nhà thủy tạ còn lại ngay ranh đất đã bị nghiêng, móng nhà trôi theo nước. Theo các cơ quan chức năng, đất tại khu vực này có nguy cơ bị sạt lở thêm 350m2.

Chúng tôi đến tiếp khu vực chùa Diệu Pháp (số 188 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh) và chứng kiến toàn bộ chiều dài ranh đất của chùa (giáp với nhánh sông Sài Gòn) hơn 100 m đã bị chuồi xuống nước. Đoạn bờ kè do nhà chùa tự xây bằng gạch và xi măng để bảo vệ khu đất cũng bị vỡ vụn thành từng mảng nhỏ. Còn nền đất của khu nhà mát thì bị nước giật mất gốc làm cho toàn bộ khu nhà nghiêng khoảng 15 độ.

Trụ trì chùa Diệu Pháp Thích Nguyên Pháp lo lắng nói: “Chỉ mới vài tháng nay mà ranh đất giáp với nhánh sông Sài Gòn này đã bị lở khoảng 0,5m”. Cạnh đó, khu nhà ở của các cụ già neo đơn cũng bị nước giật sụp bứt móng nhà, tường nhà bị xé toạc từng mảng và có một hàm ếch khoét sâu ăn đứt vào móng nhà làm cho cả khu nhà vẹo nghiêng.

Tại các phường 13, 26, 27 đất cũng bị lún và xuất hiện nhiều vết nứt. Trên mặt kênh, hàng ngàn hộ dân cơi nới, dựng nhà lúp xúp với vách ván mục ruỗng. Dưới chân cầu Kinh, dòng nước xoáy rất mạnh. Chỉ cần một cơn mưa dông lớn thì những ngôi nhà kia có thể bị cuốn theo dòng nước. Báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão quận Bình Thạnh cho biết: Nếu trong năm 2004 tại khu vực bán đảo Thanh Đa có 78 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao thì năm nay con số này đã lên đến 135 hộ.

  • Giải pháp căn cơ: Chính quyền địa phương bó tay!
Giải pháp chưa căn cơ ảnh 2

Nhiều khối đất nứt, lún nghiêng về mé sông ở khu biệt thự Lý Hoàng.

Để đối phó với nguy cơ sạt lở trong mùa mưa này, ngay đầu tháng 5-2005, lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh đã triệu tập các phường và ban ngành chức năng quận để cùng tìm giải pháp chống sạt lở.

Tuy nhiên, trong cuộc họp nào chính quyền địa phương cũng chỉ loay hoay với những cách làm cũ như cắm biển báo; thuyết phục người dân trong khu vực nguy hiểm không ngủ qua đêm; vận động những hộ kinh doanh mặt hàng ăn uống, giải trí không được buôn bán trong hành lang an toàn bờ sông…

Những năm qua, chính quyền địa phương đã chi vài trăm triệu đồng hỗ trợ người dân thuê nhà ngủ qua đêm nhưng sau khi nhận tiền họ vẫn ngủ trong ngôi nhà của mình. Họ phó thác sinh mạng của mình cho thủy thần. Bởi lẽ, chuyện bỏ nhà đi ngủ nơi khác thật không đơn giản.

Ông Tần Xuân Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh thừa nhận: Trong khả năng của mình, quận chỉ làm được đến đó. Bằng chứng là ngay sau khi vụ sạt lở làm cuốn trôi 5 căn nhà khu vực dưới chân cầu Kinh (phường 26), UBND quận Bình Thạnh đã quyết định di dời khẩn cấp 20 căn nhà trong khu vực này nhưng đến giờ thành phố vẫn chưa giải quyết cấp nền theo đề nghị của Sở Xây dựng.

Các vụ sạt lở nghiêm trọng tại Bình Quới –Thanh Đa
- Năm 2004: Sụp hoàn toàn 5 căn nhà không số khu vực chân cầu Kinh, 1 phần sân quần vợt Lý Hoàng đường Bình Quới.
- Năm 2003: Sụp hoàn toàn 4 căn nhà không số và 1 phần sân quần vợt Lý Hoàng, tổng thiệt hại hơn 600 triệu đồng.
- Năm 2002: Sụp đoạn bờ 200m làm mất 4.000 tấn than của Công ty Than miền Nam, thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng; sụp tường rào dài 40m tạo hàm ếch khoét sâu vào nền dãy nhà 2 tầng của nhà kho tang vật quận Bình Thạnh; sạt lở tại chân cầu Kinh làm sập 1 căn hộ, 3 hộ bị nghiêng và nứt tường; sụp đổ hoàn toàn quán cháo vịt Bích Liên, quán cà phê Đồi Dương.
- Năm 2001: Cuốn trôi một phần nhà hàng Hoàng Ty làm 2 người chết; sụp hoàn toàn hồ bơi khách sạn sông Sài Gòn; 200m2 diện tích quán cà phê APT bị cuốn trôi; toàn bộ bờ kè phân xưởng P/S bị cuốn trôi…

“Trong khi Nhà nước chưa lo được cho dân thì chính quyền quận Bình Thạnh khuyến khích người dân tự xây dựng bờ kè chống sạt lở theo đúng thủ tục và kỹ thuật hướng dẫn của Khu Đường sông”, ông Bảo nói.

Công tác xây dựng bờ kè chống sạt lở tại khu vực bán đảo Thanh Đa đã được chính quyền thành phố, chỉ đạo các sở ngành thực hiện từ … rất nhiều năm trước. Vậy mà đến thời điểm này, tại 12 khu vực có nguy cơ sạt lở cao, chỉ có khu vực Nhà thờ La San Mai Thôn được xây kè nhưng với tiến độ “rùa bò”.

Còn khu vực cầu Kinh, nơi sạt lở xảy ra triền miên, theo Giám đốc Sở GTCC Hà Văn Dũng, tới cuối năm 2005 mới triển khai được dự án.

Được biết tháng 8-2004, Sở GTCC TPHCM đã giao cho Khu đường sông làm chủ đầu tư thực hiện bờ kè tạm thời khắc phục hậu quả điểm sạt lở nguy hiểm tại khu vực chùa Diệu Pháp, sau đó đơn vị này cũng đã tiến hành các bước khảo sát, lập dự án… nhưng chẳng hiểu sao, mãi đến nay dự án này vẫn án binh bất động.

Trao đổi với PV Báo SGGP vào chiều 8-6, bà Dương Thúy Mậu, Chủ tịch UBND phường 27 quận Bình Thạnh cho biết: Trước nguy cơ sạt lở tiếp tục xảy ra tại khu biệt thự Lý Hoàng, lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh, Khu đường sông và chính quyền phường đã họp dân đang cư ngụ tại khu vực nguy hiểm để hỗ trợ tiền cho bà con ngủ qua đêm. Theo đó, những gia đình có 3 người trở xuống sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng; đối với hộ từ 4 người trở lên, hỗ trợ 150.000 đồng/người.

Hiện nay, có 9 hộ dân đang cư ngụ trong khu vực nguy hiểm này. Hầu hết hộ dân ở đây cho biết, lần này sau khi nhận tiền họ sẽ thuê chỗ ngủ nơi khác. Vì mức độ sạt lở ở khu vực này năm nay chuyển biến phức tạp hơn những năm trước, hiện lực lượng dân phòng đang chốt chặn tại khu vực này để kịp thời thông báo với chính quyền địa phương khi có sự cố xảy ra.
 

VÂN ANH
 

Tin cùng chuyên mục