Giải pháp đồng bộ

Lại một lần nữa, đề nghị cấm bán rượu bia sau 22 giờ đã được đặt lên bàn hội thảo phòng, chống tác hại của rượu bia do các tổ chức liên quan trong và ngoài nước tổ chức hôm 2-4. Trước đó không lâu, đề nghị này cũng đã được “trình làng” và nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều.

Lại một lần nữa, đề nghị cấm bán rượu bia sau 22 giờ đã được đặt lên bàn hội thảo phòng, chống tác hại của rượu bia do các tổ chức liên quan trong và ngoài nước tổ chức hôm 2-4. Trước đó không lâu, đề nghị này cũng đã được “trình làng” và nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều.

Một thông tin đáng quan tâm từ hội thảo này: Nước ta lại đứng “nhất” trong khối ASEAN và đứng hàng thứ ba ở châu Á về tăng trưởng tiêu thụ rượu bia, từ năm 2010 ở mức 6,6 lít/người/năm sẽ tăng trưởng theo đường thẳng đứng đến năm 2025 là 7 lít/người/năm. Chưa hết, Việt Nam đứng đầu về chi tiêu dùng cho rượu bia: 3 tỷ USD/năm cho bia và khoảng 16.000 tỷ đồng/năm cho rượu. Con số này chưa phản ánh đầy đủ khi còn có hàng chục triệu lít rượu tự nấu không được cập nhật.

Sự phát triển tốc độ của chi tiêu cho rượu bia cũng tỷ lệ thuận với số người chết vì tai nạn giao thông. Hàng năm, Việt Nam có 9.000 người uống rượu bia đã chết vì tai nạn giao thông. Con số mới nhất: 3 tháng đầu năm 2015 đã có 2.345 người chết, hơn 5.000 người bị thương vì tai nạn giao thông, trong đó nguyên nhân do sử dụng rượu bia chiếm phần lớn. Thủ phạm gây ra những thiệt hại xã hội đã được nhận diện, tuy nhiên, tìm kiếm giải pháp để hạn chế những thiệt hại nói trên, gần như chưa tìm được tiếng nói chung, dẫu ai cũng gay gắt “lên án” rượu bia.

Một trong những lý lẽ để phản đối đề nghị cấm bán rượu bia sau 22 giờ, đa số là sợ ảnh hưởng đến du lịch. Vài tờ báo đã chụp ảnh khách Tây ba lô uống bia trên phố Bùi Viện (quận 1) và nếu đề nghị trên được thông qua thì đây là những đối tượng bị ảnh hưởng trước tiên. Nói như vậy để thấy, nhậu nhẹt không phải là “thói quen” mà đã thành “dịch”, hơn cả nấm sau mưa và xã hội ngày càng thêm nhiều tệ nạn do rượu bia mang lại.

Mới tuần trước, ở Singapore giới kinh doanh khóc ròng khi sắc luật cấm bán thức uống có cồn từ sau 22 giờ 30 mỗi ngày và sau 19 giờ đến sáng hôm sau trong những ngày cuối tuần và lễ, tết của chính phủ bắt đầu có hiệu lực thi hành. Đây là đòn răn đe đối với các bợm nhậu đồng thời ngăn chặn những cuộc ẩu đả có liên quan đến rượu bia, đặc biệt ở khu vực ăn chơi về đêm nổi tiếng ở đảo quốc này là Gaylang và Little India. Đó là chuyện của Singapore. Liệu Việt Nam có làm được như vậy hay không?

Một trong những giải pháp hữu hiệu để hạn chế rượu bia là tăng giá, nhưng năm ngoái Quốc hội đã thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, theo đó cũng đồng tình “tăng có lộ trình”, bắt đầu từ năm 2016, bình quân mức tăng là 5%/năm. Liệu có sửa luật được không khi nhiều người cho rằng mức tăng này là quá ít?

Nên tăng giá rượu bia. Nên cấm bán mặt hàng này sau 22 giờ… Nhiều người đồng tình với các đề nghị này, song để nó không trở thành “liệu pháp sốc” và tìm được sự đồng thuận của xã hội, trước mắt phải vận dụng và kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp khác. Việc kết hợp nhiều giải pháp với sự vào cuộc của các hội đoàn, tổ chức, sự ủng hộ góp sức của người dân thì chắc chắn rằng tệ nạn ăn nhậu sẽ trở thành tâm điểm phê phán, bài trừ của cả xã hội, đến lúc ấy các quy định “khép vòng kim cô” như nước bạn Singapore cũng không muộn…

TRẦN NGỌC TRANG

Tin cùng chuyên mục