Đề án kéo giảm TNGT và ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2010 của chính quyền liệt kê một loạt nhóm giải pháp thực hiện, nhưng quan trọng nhất vẫn là các giải pháp mở rộng - phát triển cơ sở hạ tầng, tổ chức tốt giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân. Đây có thể ví như là ba chân của một cái kiềng.
Trong định hướng tăng thêm diện tích đường dành cho giao thông, từ nay đến năm 2010, ưu tiên của thành phố là tập trung xây dựng hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm đã triển khai thời gian qua như đại lộ Đông Tây, cầu Phú Mỹ, mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cầu đường Nguyễn Văn Cừ… Một Ban chỉ đạo đặc biệt riêng cho các dự án trọng điểm sẽ sớm được thành lập.
Đối với các dự án sử dụng ngân sách TP, ưu tiên bố trí vốn, đẩy nhanh các thủ tục cần thiết và phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành trong khâu đền bù giải tỏa, bàn giao mặt bằng thi công. TP cũng không quên xúc tiến, đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư vào các dự án giao thông lớn, chưa có nhà đầu tư như dự án đường trên cao Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các tuyến metro, cầu Bình Khánh…
Về tổ chức giao thông, TP xác định phải khẩn trương nghiên cứu tổ chức lại giao thông các khu vực thường xuyên ùn tắc, đặc biệt chú trọng biện pháp lưu thông một chiều các cặp đường song song vốn có ưu điểm là giải quyết ngay nạn ùn tắc cục bộ.
Ngoài ra là những biện pháp: lắp đặt thêm dải phân cách trên những tuyến đường có 4 làn xe trở lên và tại các giao lộ thường bị nạn lấn trái; cải tạo kích thước hình học, mở rộng tầm nhìn ở giao lộ có bán kính rẽ hẹp hoặc đoạn cong nguy hiểm, bị lấn chiếm; hoàn chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông bao gồm điều chỉnh pha đèn và thời gian đèn hợp lý, xây mới hệ thống đèn tín hiệu giao thông hiện đại; hoàn chỉnh hệ thống biển báo, sơn đường; tăng cường bố trí CSGT và TNXP trên đường phố…
“Chân kiềng” thứ 3 là phát triển, tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống vận tải hành khách công cộng trong đó ưu tiên là vận tải khối lượng lớn và xe buýt. Đối với vận tải khối lượng lớn, tập trung đầu tư một loạt tuyến metro (Bến Thành - Suối Tiên, Bến xe Tây Ninh - Trường Chinh - Tham Lương - CMT8 - Bến Thành - Thủ Thiêm…), phát triển các tuyến xe điện mặt đất và monorail. Đối với xe buýt, ngoài tiếp tục duy trì trợ giá cũng cần có các biện pháp tổ chức lại lưu thông xe buýt cho hợp lý, hiệu quả hơn (giảm trùng lắp tuyến, rà soát biểu đồ giờ xe buýt để hạn chế tình trạng lái xe chạy ẩu do không đủ giờ, thiết kế làn dành riêng hoặc ưu tiên xe buýt trên những đường có từ 6 làn xe trở lên…).
Đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ xe buýt (xây dựng các trạm trung chuyển hành khách, lắp đặt bổ sung trạm dừng, nhà chờ…), tổ chức đấu thầu khai thác tuyến buýt là những vấn đề sẽ được quan tâm để nâng cao hiệu quả hoạt động buýt.
Hai mặt của một vấn đề phát triển VTHKCC là hạn chế phương tiện cá nhân. Chiều hướng là thí điểm hạn chế xe cá nhân trên các tuyến trung tâm như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi… Đề án hạn chế phương tiện cá nhân thành công hay không sẽ do lộ trình thực hiện hợp lý đến đâu.
Mục đích, kỳ vọng và cũng là tham vọng của tất cả những giải pháp này là đến năm 2010 giảm 10% số vụ ùn tắc giao thông, giảm 20% số vụ TNGT trên địa bàn và giảm 12% số người chết so với năm 2006; tăng 20% lượng khách sử dụng xe buýt; tăng 10% tốc độ lưu thông trung bình…
Thiện Nhân