Các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) của TPHCM đang dần được lấp đầy. Để sử dụng hiệu quả nguồn quỹ đất hiếm hoi còn lại, buộc TP phải tính đến việc hiệu quả đầu tư vào quỹ đất. Đó chính là việc ưu tiên thu hút đầu tư vào ngành có hàm lượng chất xám cao, khoa học kỹ thuật tiên tiến để mang lại giá trị gia tăng cao. Dưới đây là những lời giải cho bài toán đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút vốn đầu tư nhằm tăng trưởng GDP của TPHCM trong thời gian tới.
Thu hút từ đâu?
Tạo quỹ đất sạch, rút ngắn quy trình khảo sát đầu tư của doanh nghiệp (DN) là việc cần làm nhanh để tạo thuận tiện cho DN. Mục tiêu của TP là triển khai dự án thành lập các KCN chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp cơ khí, điện tử, tin học. Dự kiến 2 KCN có quỹ đất sẵn sàng là KCN Hiệp Phước (giai đoạn 2) với diện tích 597ha, hiện đã đền bù được 381ha và KCN Lê Minh Xuân 3 với diện tích khoảng 230ha, đã đền bù được 219ha.
Bên cạnh đó, TP cũng khai thác các KCN đã sẵn sàng quỹ đất như các KCN Tân Phú Trung, Đông Nam, An Hạ, Hiệp Phước (giai đoạn 2) và KCX Tân Thuận để chào mời dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Với quỹ đất còn lại không nhiều bằng các tỉnh, muốn khai thác hiệu quả từ hoạt động đầu tư, TP đã xây dựng nhiều giải pháp để thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao. Cụ thể, khuyến khích nhà đầu tư công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao nước ngoài vào Khu công nghệ cao. Để thuận tiện và chuyên nghiệp trong khâu “tuyển chọn” nhà đầu tư, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) xây dựng các tiêu chí thu hút đầu tư, tiêu chí thẩm định dự án sản xuất sản phẩm hỗ trợ công nghệ cao. Đồng thời, thúc đẩy các dự án góp phần gia tăng năng lực sản xuất, giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của DN.
Thu hút đầu tư vào công nghệ cao sẽ giúp TPHCM tăng trưởng GDP. Ảnh: CAO THĂNG
Muốn tìm ra các nhà đầu tư có năng lực thực sự tham gia các dự án, nhất là các dự án lớn trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Sở KH-ĐT luôn song hành cùng DN từ việc hướng dẫn và hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu và tiến hành đầu tư. Tuy nhiên, “yêu cầu nhà đầu tư phải có năng lực tài chính thật sự, TP buộc nhà đầu tư phải nộp tiền bảo đảm thực hiện dự án, nhằm tránh tình trạng một số nhà đầu tư được chọn nhưng chậm triển khai thực hiện dự án như trước đây, gây lãng phí thời gian, không mang lại giá trị gia tăng cho xã hội” - bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết.
Kết quả của quá trình thu hút đầu tư đó đã mang lại tín hiệu đáng mừng là trong 11 tháng đầu năm 2014, TPHCM có 22.026 DN được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 118.320 tỷ đồng. Về dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có 370 dự án đăng ký mới với 2,8 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.
Trong đó, vào tháng 10 TPHCM thu hút được “Dự án Samsung CE Complex” vào Khu công nghệ cao với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, giúp TP trở thành “quán quân” trong cả nước về thu hút FDI tại thời điểm đó. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng, dự án này chính là kết quả của chủ trương chuyển đổi mô hình trong thu hút nguồn vốn FDI của TP. Đó là tập trung thu hút các dự án công nghệ kỹ thuật cao thay vì các dự án thâm dụng lao động quy mô lớn. Một dự án công nghệ kỹ thuật cao vốn trên tỷ USD sẽ là sự thay đổi về chất so với một dự án thâm dụng lao động có số vốn tương tự.
Những chuyển biến này là bước đầu để TP có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư trong thời gian tới. Cụ thể là trong năm 2015, TP sẽ triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động Khu kỹ nghệ Việt - Nhật tại KCN Hiệp Phước. Điều này khẳng định sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển các ngành khoa học cao trong thu hút đầu tư.
Kinh tế “sạch”…
Để có được con số tăng trưởng GDP mang hàm lượng chất xám, mang tính khoa học công nghệ cao - có thể nói GDP tăng trưởng “sạch” - thì bên cạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghệ cao, Sở KH-ĐT chú trọng việc minh bạch, làm “sạch” ngay từ đầu vào của khâu cấp phép. “Chúng tôi đang triển khai đăng ký đầu tư trực tuyến để tạo thuận tiện cho nhà đầu tư nước ngoài có thể đăng ký online qua mạng, hạn chế đi lại nhiều lần. Trong đó, tập trung xây dựng lại bộ thủ tục đầu tư mới gồm 175 thủ tục hành chính, hướng dẫn chi tiết từng loại hình DN, loại dự án để giúp nhà đầu tư dễ dàng thực hiện.
Đồng thời, để hạn chế việc đòi hỏi nhiều loại giấy tờ, TPHCM cũng đang xây dựng bộ hồ sơ mẫu, đưa lên website của Sở KH-ĐT để nhà đầu tư tham khảo, tránh tình trạng sai sót phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Đối với hoạt động giám sát quy trình xử lý hồ sơ, hạn chế ách tắc, sở đang triển khai gắn chíp lên các hồ sơ phục vụ công tác quản lý, kiểm soát quy trình nội bộ và lưu trữ hồ sơ ngay trong tháng 12 này” - bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT khái quát.
Ngoài ra, TP đang thực hiện liên thông cấp “Giấy chứng nhận đầu tư - Mã số thuế” cho DN FDI, liên thông trong việc giải quyết các thủ tục liên quan đến chấp thuận đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án có sử dụng đất.
Tuy nhiên, quy trình xử lý hồ sơ, xin ý kiến của các bộ ngành liên quan chính là khâu làm ách tắc, kéo dài thời gian cấp phép nhiều nhất. Đó là chưa kể, chính ách tắc này khiến không ít nhà đầu tư nôn nóng đã tự đi gõ cửa khắp nơi, nảy sinh tiêu cực. Do vậy, TP thực hiện gửi văn bản điện tử thông qua trục liên thông giữa các sở ngành, UBND các quận huyện, nhằm rút ngắn thời gian luân chuyển văn thư; tạo thuận tiện trong việc giám sát, theo dõi hồ sơ và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. TP đang nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý đầu tư nước ngoài, cài đặt tại Văn phòng UBND TP.
Thực hiện rà soát, tổng hợp các ngành nghề kinh doanh cần và không cần lấy ý kiến thẩm tra trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư là vô cùng quan trọng để đẩy nhanh tiến độ cấp phép. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà nói rõ, mục tiêu là tạo thuận tiện cho DN và phải đúng luật, vì vậy, những dự án nào buộc phải lấy ý kiến bằng văn bản của các bộ ngành thì phải lấy, nhưng ghi rõ thời hạn trả lời 15 ngày. Nếu sau thời hạn đó, các đơn vị không trả lời thì trình hồ sơ lên lãnh đạo TP xem xét xử lý. Không để DN phải chờ đợi.
Hiện khu vực doanh nghiệp FDI hàng năm đóng góp khoảng 1/4 GDP, do vậy, việc giải quyết các vướng mắc, phát sinh cho DN có vốn đầu tư nước ngoài chính là kích thích sự tăng trưởng GDP một cách hữu hiệu nhất.
|
Hàn Ni
- Bài 1: Góc nhìn doanh nghiệp