Như Báo SGGP đã đặt vấn đề: Công tác chấn chỉnh hoạt động của xe buýt ở TPHCM vẫn chưa chạm được vào vấn đề cốt tử, đó là đảm bảo lộ trình cho hành khách. Việc này đã khiến sản lượng hành khách vận chuyển được của hệ thống xe buýt sụt giảm. Xung quanh vấn đề này, ông Đậu An Phúc, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM (Trung tâm) đã có ý kiến phản hồi. Ông Đậu An Phúc cho biết:
Tắc đường, trễ chuyến, hành khách bỏ buýt
Trong giai đoạn từ năm 2002 - 2013, xe buýt phát triển rất mạnh. Số lượng người dân đi xe buýt trong giai đoạn này liên tục tăng vì xe chạy đúng giờ, đảm bảo lộ trình đi lại cho hành khách. Nhiều tuyến đường thời điểm đó thông thoáng, xe buýt hoạt động thuận lợi nên mới có được kết quả như trên. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, người đi xe buýt sụt giảm vì nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân từ việc phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh khiến nhiều tuyến đường thường xuyên bị ùn ứ. Xe buýt bị kẹt trong dòng xe cá nhân, không thể đảm bảo lộ trình, hành khách không thể “đi đến nơi, về đến chốn” như dự định nên nhiều người đã chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Theo khảo sát của chúng tôi, tỷ lệ hành khách chưa hài lòng về việc xe buýt chạy không đúng giờ chiếm tỷ lệ cao.
Đông đảo sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM đi xe buýt. Ảnh: Thanh Tâm
Nhằm chấn chỉnh lại hoạt động xe buýt, từ đầu năm đến nay, Sở Giao thông Vận tải TPHCM và Trung tâm đã triển khai thực hiện nhiều việc như lắp đặt hệ thống bảng tín hiệu điện tử báo giờ đến, báo hành trình cụ thể của từng xe buýt tại các trạm chính để hành khách dễ theo dõi. Thay thế dần xe buýt cũ bằng xe buýt mới sử dụng nhiên liệu sạch. Xe buýt được thiết kế đúng chuẩn có gắn máy lạnh 24/24 giờ với camera giám sát hành trình. Tài xế, tiếp viên được học cách giao tiếp lịch sự, hỗ trợ hành khách mọi lúc. Nói chung, văn hóa xe buýt đã thay đổi rất rõ. Tuy nhiên, yêu cầu đảm bảo lộ trình cho hành khách vẫn chưa thực hiện được do tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp nên sản lượng hành khách vận chuyển được vẫn tiếp tục sụt giảm. Đây rõ ràng là vấn đề đau đầu của ngành vận tải.
Làn đường ưu tiên
Không chỉ khó lưu thông, mà hiện nay vào giờ cao điểm nhiều xe buýt còn không thể thoát khỏi “vòng vây” của xe cá nhân để vào trạm đón trả khách. Hành khách phải đi bộ xuống đường, lách qua nhiều phương tiện giao thông khác để lên được xe buýt. Điều này cũng đang làm nản lòng không ít hành khách. Do vậy, Trung tâm đã xác định: Để đảm bảo cho xe buýt chạy đúng giờ, phải có làn đường ưu tiên dành cho xe buýt. Trên tinh thần này, Trung tâm sẽ đề xuất Sở Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét bố trí làn đường ưu tiên cho xe buýt ở một số trục đường chính.
Cụ thể, ở các trục đường như Nguyễn Văn Trỗi, Điện Biên Phủ, xa lộ Hà Nội. Mục tiêu: xe buýt đảm bảo lộ trình, chạy đúng giờ để hành khách đi làm, đi học thuận lợi. Tuy nhiên, do đa phần đường của TP nhỏ nên việc này sẽ phải được thực hiện từng bước ở từng tuyến đường, sau đó mới mở rộng ra. Cùng với đó, Trung tâm sẽ đề xuất Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM có giải pháp quản lý xe cá nhân một cách hiệu quả.
Sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng đi xe buýt tuyến số 86. Ảnh: CAO THĂNG
Để bảo đảm lộ trình hoạt động xe buýt, một giải pháp khác là, trên những tuyến đường nhỏ, Trung tâm đang tiến hành điều chỉnh, sắp xếp lại luồng tuyến để tránh trùng lắp và chọn kích cỡ xe cho phù hợp. Đơn cử, để phù hợp với đường Ba Vân (quận Tân Bình) - vốn là một tuyến đường nhỏ nhưng mật độ giao thông cao, thường xuyên bị ùn tắc giao thông, Trung tâm đã điều xe buýt nhỏ vào thay thế xe lớn.
Ở nhiều tuyến đường nhỏ khác trong các quận nội đô, Trung tâm cũng đã tiến hành thay thế loại buýt lớn 80 chỗ bằng xe buýt nhỏ 25 chỗ. Đến thời điểm này, các đơn vị vận tải bằng xe buýt của TPHCM đã đầu tư được gần 600 xe buýt mới với nhiều kích cỡ phù hợp với hệ thống đường của TP.
QUỐC HÙNG - TÂM ĐỨC