Giải quyết kẹt xe, ùn tắc giao thông ở TPHCM: Cần một… nhạc trưởng

* Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM: Cân đối nguồn vốn và nhu cầu
Giải quyết kẹt xe, ùn tắc giao thông ở TPHCM: Cần một… nhạc trưởng

Kẹt xe, ùn tắc giao thông đang là nỗi khổ của người dân đô thị. Giải quyết nỗi khổ này bằng cách nào? Xin giới thiệu ý kiến của 3 cơ quan chức năng có trách nhiệm chính trong việc giải quyết vấn nạn ùn tắc, kẹt xe ngày càng nghiêm trọng ở TPHCM.

Kẹt xe gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ảnh: CAO THĂNG

* Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM: Cân đối nguồn vốn và nhu cầu

TPHCM cơ bản đã phủ kín quy hoạch xây dựng phát triển đô thị. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai xây dựng thành phố một cách bền vững.

Trong thực hiện quy hoạch xây dựng đô thị, giao thông phải đi trước một bước. Tuy nhiên, trên thực tế do kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống giao thông lớn, thời gian “thu xếp” lâu nên trong nhiều trường hợp đã “đi sau” việc xây dựng nhà, cao ốc văn phòng… Ở TPHCM đã có nhiều khu dân cư mới được xây dựng, song gần như chỉ có Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng hoàn thiện đồng bộ cả về hệ thống hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, nhà ở, cao ốc văn phòng cùng hệ thống hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện… Hiện Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã chia tải khá tốt cho khu vực nội thành TPHCM.

Để khắc phục những bất cập nêu trên trong việc thực hiện quy hoạch, Bộ Xây dựng đã có thông tư hướng dẫn về việc lập kế hoạch xây dựng đô thị dựa trên sự cân đối giữa nguồn vốn và nhu cầu của xã hội. Cơ quan chuyên môn quản lý về đầu tư xây dựng, các nhà đầu tư sẽ căn cứ vào kế hoạch này để cân nhắc công tác đầu tư. TPHCM đang nghiên cứu triển khai thực hiện hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Thực hiện quy hoạch đồng bộ sẽ là cơ sở quan trọng để giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc, ùn ứ giao thông.

* Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM: Tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông

Trung bình mỗi năm vốn ngân sách dành cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của TPHCM chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông tăng quá nhanh. Năm 2014 vừa kết thúc, số lượng phương tiện giao thông đăng ký ở TPHCM đã tăng 8,6% so với năm 2013. Đó là chưa kể các phương tiện giao thông đăng ký ở các tỉnh, thành khác tới thành phố. Tỷ lệ đất dành cho giao thông của TPHCM vẫn ở mức rất thấp so với nhu cầu. Trong năm 2015, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cố gắng tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông ở mức 8,2%, trong khi tỷ lệ đất dành cho giao thông “chuẩn, đảm bảo cho phương tiện giao thông đi lại thuận tiện” của quốc tế trên 20%.

Trong bối cảnh này, việc tổ chức, điều tiết giao thông gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều phương án điều tiết giao thông vừa mới được triển khai thực hiện và thu được kết quả khả quan thì thời gian ngắn sau đã cần phải… điều chỉnh thêm. Hiện nay, Sở GTVT đã giao cho 4 khu quản lý giao thông đô thị - các đơn vị trực tiếp quản lý giao thông trên địa bàn, thường xuyên rà soát và tiến hành điều chỉnh lại giao thông ngay khi trên thực tế có phát sinh vấn đề mới. Thông thường, sau khi điều tiết giao thông, các đơn vị tổ chức lại giao thông sẽ theo dõi liên tục nhiều ngày sau đó để đánh giá hiệu quả công tác phân luồng. Định kỳ, hàng tháng, các khu phải có kế hoạch rà soát lại các điểm nóng về trật tự an toàn giao thông để điều chỉnh, nếu cần. Mỗi khi đưa thêm một công trình giao thông mới vào hoạt động, Sở GTVT đều nghiên cứu, tổ chức điều tiết lại giao thông cho cả khu vực.

Thế nhưng, như đã nói trên…, thách thức nhất đối với công tác quản lý, tổ chức, điều tiết giao thông, đó là sự quá tải! Khu vực đường Phổ Quang, Hoàng Minh Giám thường xuyên ùn ứ giao thông như Báo SGGP đã phản ánh, nhưng hiện nay ở đây đang mọc lên thêm nhiều cao ốc với hàng ngàn căn hộ!  Khi lập đồ án quy hoạch xây dựng khu dân cư mới, những người làm quy hoạch thường chỉ chú trọng đến giao thông trong khu dân cư và việc kết nối giao thông trong khu dân cư với giao thông bên ngoài mà chưa quan tâm cân đối đến giao thông toàn khu vực. Nhiều dự án phát triển bất động sản xây dựng xong mới qua “hỏi ý kiến” Sở GTVT về việc tổ chức giao thông… Việc này làm cho công tác điều tiết giao thông của Sở GTVT gặp rất nhiều khó khăn.

* Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM: Tiến tới hạn chế dần xe cá nhân

Hiện Ban An toàn giao thông TPHCM và Quỹ Phòng chống thương vong châu Á cùng các cơ quan liên quan đang tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho các em học sinh ở một số trường tại quận 9 kỹ năng đi bộ an toàn. Hoạt động này không những giúp cho các em học sinh đi bộ an toàn mà còn đặt tiền đề cho việc khuyến khích đi bộ. Hiện tại, trạm dừng, nhà chờ của xe buýt và sau này là các loại hình vận tải hành khách công cộng khác như metro hoặc BRT, monorail… đều cách nhau từ một đến vài trăm mét. Do vậy, để người dân sử dụng vận tải công cộng như là phương tiện đi lại chính của mình, chúng ta phải bắt đầu từ việc tạo thói quen, kỹ năng đi bộ an toàn cho người dân…

Cùng với việc nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống vận tải hành khách công cộng, việc hướng dẫn người dân đi bộ an toàn sẽ là một cách hữu hiệu góp phần phát triển vận tải hành khách công cộng và tiến tới hạn chế sử dụng dần xe cá nhân. Tất nhiên, để người dân đi bộ an toàn, vỉa hè phải thông thoáng, sạch sẽ…, trách nhiệm này thuộc về các địa phương. Để người dân ngoại thành hoặc người dân các tỉnh hạn chế sử dụng xe cá nhân khi vào nội thành, TPHCM sẽ nghiên cứu tổ chức các bãi giữ xe cá nhân miễn phí ở các cửa ngõ ra vào thành phố… Tổ chức hợp lý hơn hoạt động của các phương tiện giao thông theo hướng ưu tiên, tạo điều kiện cho xe công cộng phát triển, hạn chế sử dụng xe cá nhân sẽ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm lập lại một cách căn cơ trật tự an toàn giao thông TPHCM.

Trong quá trình đi tìm lời giải cho vấn nạn này, chúng tôi nhận ra cơ quan nào cũng có những vấn đề mà nếu chỉ một cơ quan giải quyết, gần như là điều không thể. Mở rộng các cửa ngõ, thêm nhiều lối thoát giao thông, tạm dừng các dự án quy hoạch gây quá tải cho khu vực “vốn đang quá tải”, phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế dần việc sử dụng phương tiện cá nhân… đòi hỏi phải có một quyết tâm chính trị lớn đi trước một bước và sau đó là các giải pháp mang tính tổng hợp từ quy hoạch cho tới tổ chức điều hành giao thông, quản lý sự gia tăng dân số, phương tiện giao thông… Và vì vậy, một giải pháp đồng bộ cho vấn nạn kẹt xe, xem ra rất cần bàn tay quyết liệt từ một cơ quan cao hơn: lãnh đạo UBND TPHCM.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục