Giải quyết nạn ô nhiễm môi trường: Chưa có tiếng nói chung

Châu Âu tốn bộn tiền vì ô nhiễm
Giải quyết nạn ô nhiễm môi trường: Chưa có tiếng nói chung

Chất lượng cuộc sống của con người đang ngày càng suy giảm nghiêm trọng trong khi những cảnh báo về các chỉ số ô nhiễm (nguồn đất, nước, không khí) ngày càng tăng.

Những cột khói cao ngất từ các nhà máy thải nitrogen ra môi trường.

Những cột khói cao ngất từ các nhà máy thải nitrogen ra môi trường.

Châu Âu tốn bộn tiền vì ô nhiễm

Ủy ban Đánh giá Tác động của nitrogen châu Âu vừa đưa ra con số ước tính cho thấy mỗi năm, nitrogen gây thiệt hại khoảng 90-457 tỷ USD đối với môi trường và sức khỏe con người, dù lượng nitrogen thải ra do hoạt động sản xuất và các phương tiện giao thông đã giảm 30% so với vài thập kỷ trước.

Theo BBC, báo cáo thứ hai do nhóm nhà khoa học châu Âu công bố tại một hội nghị ở thủ đô Edinburgh của Scotland cho thấy, không khí ô nhiễm đã hủy hoại 60% khu vực sinh thái ở châu lục này.

Tiến sĩ Kevin Hicks thuộc Viện Nghiên cứu Môi trường Stockholm (SEI) của Đại học York (Anh) cho biết, nếu không bắt buộc các quốc gia hạn chế thải nitrogen thì con số 60% sẽ tiếp tục tăng nhanh trong tương lai.

Reuters dẫn kết quả nghiên cứu của 200 chuyên gia đến từ 21 quốc gia và 89 tổ chức do Trung tâm Sinh thái và thủy văn lục địa của Anh phát động cho thấy con số thiệt hại do nitrogen là 101-462 tỷ USD/năm. Riêng ở châu Âu, nitrogen phát ra từ các hoạt động nông nghiệp chiếm 80%.

Theo các nhà khoa học, nitrogen trong không khí vô hại với bản chất là khí trơ. Tuy nhiên, nitrogen các dạng phát ra từ các hoạt động của con người như sự thoát khí từ các phương tiện giao thông, từ các nhà máy, việc sử dụng phân bón nhân tạo ở những vùng canh tác rộng lớn thì gây ô nhiễm nặng.

Những mô hình hữu hiệu từ châu Á

Mức độ ô nhiễm cao ở châu Âu, nơi vốn có tỷ lệ ô nhiễm thấp hơn nhiều so với các châu lục khác cho thấy tình hình đã đến mức báo động. Một vài quốc gia châu Á đã áp dụng một số biện pháp trong nỗ lực cải thiện môi trường.

Hãng tin IANS của Ấn Độ cho hay Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc LHQ đã lưu ý tới hiệu quả của Hệ thống Kiểm soát và Nghiên cứu ô nhiễm (SAFAR) do các nhà khoa học Ấn Độ (thuộc Viện Nhiệt đới và Khí tượng học - IITM) phát triển để đảm bảo không khí trong lành trong mùa Thế vận hội Khối thịnh vượng chung ở thủ đô New Delhi năm ngoái.

Quốc gia Nam Á này đang lên kế hoạch tiếp tục áp dụng thử nghiệm mô hình này ở 6 thành phố. Dựa vào các dữ kiện do SAFAR (trị giá 2 triệu USD) phân tích từ mức gió, độ ẩm…, người dân có thể biết được lượng ô nhiễm trong 24 giờ tiếp theo với mức độ chính xác đến 95%. Nhờ đó, họ có thể tự bảo vệ mình cũng như càng ý thức hơn việc giảm bớt những hoạt động có tác động xấu đến bầu khí quyển.

Trong khi đó, quốc gia Abu Dhabi (thuộc Các tiểu vương quốc Arập thống nhất - UAE) đang lên kế hoạch xây dựng thành phố xanh Masdar City hướng đến việc tái chế 100% rác cùng hệ thống các phương tiện giao thông không khói bụi chạy bằng năng lượng mặt trời, chở được 6 người với 1.500 trạm dừng dưới lòng đất.

Thành phố này có diện tích 7km² và chứa được 50.000 cư dân sau khi hoàn thành vào năm 2020 như dự kiến. Khuôn viên thành phố được thiết kế theo mô hình khu vườn Arập truyền thống ngập tràn màu xanh, khuyến khích người dân đi bộ.

Cần sự hợp tác quốc tế

Trong bối cảnh mỗi quốc gia đều phải đứng trước bài toán giảm thiểu ô nhiễm thì Cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism - CDM) là một phương thức hợp tác quốc tế cần được xem xét. Nếu trước đây, phương thức viện trợ phát triển chính thức (ODA) khá phổ biến và được xem là biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước đang và kém phát triển thì nay, CDM trở thành công cụ triển khai chính sách quốc gia về môi trường ở nhiều nước tham gia Nghị định thư Kyoto (1997).

CDM cho phép các doanh nghiệp ở các nước công nghiệp hóa thực hiện các dự án giảm phát thải tại các nước đang phát triển và đổi lại, các doanh nghiệp này nhận được chứng chỉ về giảm phát thải và được tính vào chỉ tiêu giảm phát thải của các nước công nghiệp hóa.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục