Giải rượu ngày xuân

Giải rượu ngày xuân

Một vài điều bất hạnh từng làm tình làm tội loài người - tưởng như chuyện nhỏ nhặt - vẫn không hề nhỏ một khi nó kéo dài, mang đến nỗi đau, sự bực dọc, phiền toái. Đến nỗi người ta thở hắt mơ màng: Khi nào có loại thần dược làm giảm bớt những ác mộng để có một mùa xuân đúng nghĩa? Các nhà bác học chưa thể tạo ra thuốc chữa ung thư - thì là chuyện có thể hiểu được. Nhưng chữa loại cảm cúm xoàng hay rối loạn tuổi tiền mãn kinh? Thật sự mà nói chữa trị không hề dễ nếu không nói là bó tay.com. Cùng tình cảnh là tình trạng ngắc ngư, lơ mơ khi lạm dụng thức uống có cồn. Cánh “giải cứu” tốt nhất và đơn giản nhất là… không uống. Song đó là chuyện rất khó làm vì… không thể không uống.

Một trong những lý do chính đáng là bia rượu làm sảng khoái, phấn chấn tâm hồn và dẫu sao nhìn thế giới qua “chai” vẫn dễ chịu hơn nhiều - nói như một nhà phê bình người Anh: Tôi uống để thấy người khác thú vị hơn!Nhưng cảm giác này cũng chóng qua đi. Cần biết rằng sự chếnh choáng đạt đến đỉnh điểm khi lượng cồn trong cơ thể thoát hết ra ngoài. Nghĩa là khi nồng độ cồn trong máu trở về cột mốc số không.

Song dù chất độc đã biến mất thì tác hại với cơ thể vẫn còn nguyên với các tình trạng nhức đầu, mỏi mệt, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, biếng ăn… và tuy chưa khám phá hết các nguyên nhân “lụy cồn” song đến nay các nhà khoa học cũng đã đưa ra hàng loạt bằng chứng cho thấy “quá chén có hại cho sức khỏe”.

Chẳng hạn, thức uống có cồn làm bủn rủn tứ chi, làm mất nước cơ thể, làm giảm lượng đường trong máu khiến đầu óc quay cuồng và cảm giác tê liệt toàn thân. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến nhận thức về thế giới xung quanh: suy giảm phản xạ, trạng thái thiếu tập trung và mất “định hướng” trong không gian. Và sự mất kiểm soát cơ thể này có thể thấy rõ qua những trang mô tả một nhân vật trong “hóa thân” của Kafka khi trong trạng thái lơ mơ bỗng thấy mình… biến thành côn trùng có hại. Tất nhiên đấy là những áng văn tuyệt vời nhất về “tiên tửu”.

Uống bia, rượu có chừng mực để bảo vệ sức khỏe cho bản thân. Ảnh: TR.NG.

Uống bia, rượu có chừng mực để bảo vệ sức khỏe cho bản thân. Ảnh: TR.NG.

Nhưng liệu bạn có biết để người hóa côn trùng cần sử dụng loại thức uống nào cho dễ “phê” nhất? Thứ nhất, các loại rượu “có màu” như vang đỏ hay whisky có chứa nhiều các tạp chất phát sinh khi lên men hay tạo vị sẽ dễ làm “đau đầu” hơn sau khi uống so với các loại rượu “trắng và sạch như giọt nước mắt” như Vodka, vang trắng hoặc rượu đế “thật” của Việt Nam.

Thứ hai, tửu lượng phụ thuộc vào giới tính của bạn: Phụ nữ cùng “dzô” với nam giới sẽ chóng say xỉn hơn vì trong cơ thể có chứa ít nước và ít hơn loại Enzyme có tên gọi là Alkogoldehidrogenaza vốn đảm trách việc làm phân rã cồn bên trong. Và tất nhiên, không thể không kể đến yếu tố cấu trúc gien di truyền của dân tộc. Một phân tích cho thấy gần 40% người Đông Á có “số đo” thấp về aldehid-degidrogenaza-một loại enzyme khác rất cần cho cơ thể trong quá trình “lọc” cồn.

Bởi vậy, các doanh nhân Hàn Quốc hay Nhật Bản thường hay “đỏ mặt” và say sớm khi thi đấu với người phương Tây trên “sàn rượu”. Và dù có nói gì tốt nhất là uống có chừng mực, có liều lượng để tránh tình trạng uống như “dần tửu” có hại cho sức khỏe và phong thái của bạn.

Nhưng có câu hỏi đặt ra đến nay vẫn không có câu trả lời hợp lý: cách nào và đơn thuốc nào trị dứt cơn say xỉn? Nói cách khác uống làm sao để “đầu vào” và “đầu ra” như nhau và không để lại tác dụng phụ với cơ thể? Dĩ nhiên, có vô vàn lời khuyên nhưng nổi tiếng nhất vẫn là cách “dĩ độc trị độc” như cách chữa trị bằng chính… loại thức uống mới xài buổi hôm.

Thí dụ người Nga mô tả cách để hồi phục sức khỏe sau chầu Vodka lướt khướt: “hai ly Vodka, một điếu thuốc lá, sau đó uống thêm một ly Vodka”. Còn một nguồn tin từ Nhật Bản cho hay muốn uống tiếp được thì phải đắp mặt nạ có tẩm… rượu Sake. Song cách dùng “mẹo” như vậy thường không có tác dụng xét trên quan điểm khoa học.

Một nhà Y học Thụy Điển đưa ra giả thuyết rằng các phản ứng hóa sinh trong quá trình phân rã cồn phức tạp hơn ta tưởng: Gan làm công tác thải loại cồn, ban đầu sẽ “xử lý” trước ethanol (nghĩa là cồn), sau đó mới chuyển qua loại methanol - thành phần bổ sung trong nhiều loại vang và rượu mạnh.

Khi phân hủy, methanol sẽ tiết ra acid formic và chính phản ứng này khiến chúng ta choáng váng nhất. Và nếu như ta lại “dĩ độc trị độc” bằng cách uống tiếp thì cơ thể sẽ lại trở lại điểm xuất phát ban đầu là thải loại cồn ethanol, mà “quên” mất loại độc hại hơn là methanol. Như thế cách giải rượu này còn gây tranh cãi và hồ nghi.

Những cách khác chống say xỉn cũng khá nhiều, như phải ăn no trước khi uống rượu, đặc biệt là các thức ăn giàu đạm và mỡ. Còn nếu khó ăn thì nên uống trước một ly sữa hoặc dầu đậu phộng. Còn có thêm lời khuyên hữu ích nữa là hãy uống nhiều nước. Những người ủng hộ phương pháp này cho rằng phải uống “bồi” một ly nước sau khi uống một ly rượu.

Thời gian gần đây, người ta còn chuyển qua món “cốc tai” pha lẫn rượu với nước uống tăng lực Red Bull. Theo khẳng định của một số người, Red Bull sẽ giữ “độ xỉn” ở một khoảng cách an toàn vì có chứa hàm lượng cofein cao hơn lon Coca-cola.

Nhưng cách này cũng không mấy an tâm vì sẽ… xỉn Red Bull trước khi xỉn rượu. Còn khi uống xong trở về nhà, bạn có cần thêm liệu pháp “đánh chặn” nào trước giấc ngủ? Tất nhiên là phải uống nước nhiều (cả lít) và bổ sung viên C sủi.

Ở một số nước có cách trị hết sức đa dạng như người Hàn uống nước pha mật ong, người Nhật ăn súp miso, người Nga uống nước dưa chuột muối vào buổi sáng hôm sau, người Việt uống nước chanh nóng, trà gừng… Và thật ra còn cách tốt nhất, giảm thiểu thiệt hại nhất là… tự mình móc miệng mình ói ra bằng hết những thức uống độc hại trong cơ thể.

Trong số các loại thuốc uống trị say xỉn, đáng kể nhất là aspirin, advil và cả Alka-Seltzer (có hẳn một phiên bản chống xỉn dưới tên gọi Alka-Seltzer Wake-Up Call - đồng hồ báo thức Alka-Seltzer). Và thường thì các bác sĩ khuyên nên sử dụng vitamin C và B.

Gần đây, các hãng dược đã tung ra hàng loạt “thực phẩm chức năng” có khả năng giúp cơ thể sống “vô tư” với rượu bia: Chaser, NoHang, BoozEase, partySmart, Hangover prevention formula, Sob’r-K… Một vài loại như Sob’r-K và Chaser có chứa than hoạt chất mà theo khẳng định của hãng bào chế là “hấp thụ các chất độc”.

Nhưng nổi đình, nổi đám nhất có lẽ vẫn là loại “thần dược” Ru-21 - kết quả nghiên cứu 20 năm của Viện Hàn lâm Khoa học Nga dành riêng cho các điệp viên KGB. Theo khẳng định, sử dụng thuốc này, người nhậu có thể uống thả giàn mà vẫn... tỉnh táo moi được thông tin của “địch”.

Ở Việt Nam, thuốc Ru-21 đã sớm được nhập khẩu và nức tiếng đến mức được làm giả… dưới tên gọi Mi -21. Song tác dụng của thần dược này vẫn cần được chứng minh vì có người vẫn “đỏ mặt” quậy tới bến khi đã uống vài viên Ru-21 trước lúc nhập tiệc.

Thật sự mà nói cách phòng chống cũng như các giả thuyết về say xỉn vẫn chưa được các nhà khoa học kiểm chứng kỹ lưỡng. Trên mạng Google, khi tra cứu người ta chỉ tìm được quãng 20 bài viết khoa học về tình trạng say rượu và thuốc chữa. Quá ít cho một vấn đề lớn mà theo thống kê làm thiệt hại cho nền kinh tế không dưới 500 tỷ USD.

Chỉ có các đại gia dược phẩm là rỏ “nước mắt cá sấu” khi bán thuốc vẫn không quên cảnh báo tránh lạm dụng rượu bia. Chẳng hạn nhà sản xuất NoHang trên trang web của mình giống như bà mẹ đảm nuôi con đã viết “cần đúng mực và có trách nhiệm khi sử dụng thức uống có cồn”, nhưng cạnh đó lại là dòng quảng cáo đầy hy vọng: “Với NoHang bạn có thể uống suốt đêm”. Thật trớ trêu khi rượu bia làm mờ mắt… Và tốt nhất là phải tỉnh táo khi chọn thức uống…

Bích An

Tin cùng chuyên mục