Giải thưởng Doanh nghiệp xanh: Hướng đến cuộc sống tốt hơn

Tiêu chí để được chứng nhận Doanh nghiệp xanh
Giải thưởng Doanh nghiệp xanh: Hướng đến cuộc sống tốt hơn

Muốn phát triển kinh tế không thể thiếu doanh nghiệp. Thế nhưng, tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ sản xuất đang trở thành mối đe dọa sức khỏe cộng đồng. Vậy làm thế nào để vừa bảo vệ môi trường vừa tăng sức cạnh tranh doanh nghiệp? Đó là câu hỏi được nhiều doanh nghiệp và bạn đọc đặt ra trong buổi lễ phát động giải thưởng Doanh nghiệp xanh lần 3 diễn ra tại TPHCM.

Nhiều nỗ lực nhưng...

Có thể thấy, nước ta phát triển kinh tế nhanh nhưng chưa bền vững. Nếu chỉ nghiêng về tăng trưởng mà không có giải pháp căn cơ, đồng bộ thì sẽ kéo theo hậu quả nghiêm trọng: ô nhiễm môi trường. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng triệu người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM khẳng định, để tránh những nguy cơ trên, Chính phủ ra Nghị định 117 về việc tăng cường xử phạt hành vi vi phạm môi trường, thành lập lực lượng cảnh sát môi trường nhằm củng cố hơn nữa công tác thanh kiểm tra và buộc các doanh nghiệp phát sinh chất thải phải xử lý chất thải…

Hệ thống Co.opmart ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp xanh. Ảnh: CAO THĂNG

Hệ thống Co.opmart ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp xanh. Ảnh: CAO THĂNG

Ông Phạm Đức Hiến, Phó Tổng biên tập Báo SGGP, đồng Trưởng ban tổ chức giải thưởng Doanh nghiệp xanh cho biết, TPHCM đang có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện chất lượng môi trường như đã gia nhập và trở thành thành viên thứ 40 của Tổ chức C40 – tổ chức các nước tham gia chống biến đổi khí hậu; giải tỏa và bố trí tái định cư cho hơn 3.500 hộ dân dọc rạch Ụ Cây quận 8 để cải tạo chất lượng nước trên các dòng kênh vốn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng; xây dựng công trình cải tạo chất lượng nước kênh Ba Bò, kênh Nước Đen, kênh Tham Lương; xây dựng nhà máy xử lý nước thải đô thị tại khu vực Cát Lái, quận 2 và Bình Hưng, huyện Bình Chánh với công suất xử lý gần 2 triệu m³ nước/ngày; thành lập 2 nguồn vốn vay hỗ trợ doanh nghiệp cải tạo môi trường sản xuất với lãi suất 0%. Đó là Quỹ giảm thiểu ô nhiễm trích từ ngân sách TP và quỹ quay vòng.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, trên thực tế việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp nước ta còn nhiều bất cập. Số ít doanh nghiệp chỉ thực hiện các biện pháp có tính hình thức, khi đoàn kiểm tra đến hệ thống xử lý nước thải vận hành, khi đoàn kiểm tra về thì ngưng hoạt động.

Tiêu dùng xanh

Xuất phát từ thực tế trên, năm 2006 Bộ trưởng Bộ TN-MT Mai Ái Trực đã cùng lãnh đạo TPHCM quyết định thành lập giải thưởng Doanh nghiệp xanh. Đây là một trong những giải pháp nhằm huy động sức dân cho cả 2 nhiệm vụ: vừa buộc doanh nghiệp thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường, vừa nâng cao nhận thức cộng đồng.

Tiêu chí để được chứng nhận Doanh nghiệp xanh

Tuần qua, Báo SGGP liên tục nhận được nhiều câu hỏi của độc giả. Trong đó, phần lớn thắc mắc về việc để được chứng nhận doanh nghiệp xanh, đơn vị phải đạt những tiêu chí nào?

Theo đó, Ban tổ chức giải thưởng Doanh nghiệp xanh cho biết, để được chứng nhận doanh nghiệp xanh, các đơn vị phải liệt kê một số thông tin sau: tên doanh nghiệp; giấy phép kinh doanh; địa chỉ liên hệ; người lãnh đạo; địa điểm hoạt động; ngành nghề hoạt động; quy mô hoạt động; các nguồn ô nhiễm phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… của doanh nghiệp; các chứng nhận về môi trường mà doanh nghiệp đạt được; các hình ảnh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và công tác bảo vệ môi trường đã thực hiện.

Ngoài ra, để được chứng nhận doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí như có báo cáo sản xuất kinh doanh kết hợp với bảo vệ môi trường; có xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; áp dụng các biện pháp cải tiến công nghệ sản xuất, sử dụng nguyên liệu sản xuất có lợi cho môi trường...

H.LAM

Đến nay, giải thưởng Doanh nghiệp xanh đã được 5 tuổi, trưởng thành hơn so với lúc mới ra đời. Cơ cấu giải thưởng có ít nhiều thay đổi, thời hạn chứng nhận Doanh nghiệp xanh rút xuống còn 2 năm; tiêu chí giải thưởng cũng được giản lược hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp tham gia. Thế nhưng tính chất của giải thưởng Doanh nghiệp xanh vẫn không đổi. Đó là giải thưởng uy tín, chất lượng và hướng đến cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng.

Những doanh nghiệp đạt được danh hiệu này sẽ do UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp xanh và được sử dụng logo giải thưởng như nhãn xanh để in ấn trên hệ thống bao bì sản phẩm. Điều đặc biệt hơn, trong giải thưởng lần 3-2010, Ban chỉ đạo đã bắt tay cùng 44 siêu thị Co.op để khuyến khích, vận động người dân thực hiện tiêu dùng xanh thông qua sử dụng sản phẩm xanh của các doanh nghiệp xanh…

Đây là giải thưởng nhận được sự ủng hộ cao của doanh nghiệp và người dân. Bởi lẽ, ít giải thưởng về môi trường có thể quy tụ các chuyên gia đầu ngành và các cơ quan chức năng nhiều như vậy. Thành phần hội đồng xét chọn giải thưởng là các nhà khoa học, chuyên gia về công nghệ, môi trường của Bộ TN-MT, viện, trường đại học và các cơ quan chức năng liên quan. Đồng thời, doanh nghiệp đoạt giải còn là sự công nhận của cộng đồng.

Giải thưởng Doanh nghiệp xanh sẽ tiếp tục tiếp sức để mỗi doanh nghiệp hiện thực hóa sức mạnh nội tại của mình. Sức sống của giải thưởng gắn liền với ý chí, hành động mạnh mẽ, quyết liệt của từng doanh nghiệp.

  • Nguyên Bộ trưởng Bộ TN-MT Mai Ái Trực: Giải thưởng giúp doanh nghiệp hoàn thiện hoạt động kinh doanh

Đây không chỉ là một hoạt động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường mà còn là một đóng góp để tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ta trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt khi nước ta gia nhập WTO. Các giải thưởng dành cho doanh nghiệp và doanh nhân đã và đang thực hiện chú trọng về chất lượng sản phẩm, về việc mở rộng thị trường hoặc mặt hàng xuất khẩu, về sự thành đạt của doanh nhân. Giải thưởng Doanh nghiệp xanh tập trung vào khía cạnh môi trường, là sự bổ sung, hoàn thiện hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Giải thưởng Doanh nghiệp xanh sẽ làm cho người tiêu dùng trong nước và ngoài nước an tâm khi sử dụng sản phẩm do doanh nghiệp làm ra. Nếu giữ ổn định và ngày càng làm tốt hơn để xứng đáng với giải thưởng đó thì uy tín của doanh nghiệp sẽ nâng cao. Trong xu thế hiện nay, bên cạnh các yếu tố về chất lượng, giá cả hàng hóa, khả năng đáp ứng nhu cầu đặt và giao hàng, khách hàng sẽ ngày càng chú ý đến mức độ sạch của sản phẩm, trong đó có sạch về môi trường.

Quan sát tình hình thực tế cho thấy, rào cản thuế quan càng giảm thì rào cản phi thuế quan càng tăng lên. Một trong những rào cản phi thuế quan là rào cản về môi trường, hay còn gọi rào cản xanh, nội dung chủ yếu là các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn đối với thực phẩm và các sản phẩm trực tiếp phục vụ cuộc sống của con người như đồ dùng gia đình, sản phẩm dệt may, giày dép, đồ nhựa…

  • Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Thị Hạnh: Xu hướng sử dụng sản phẩm xanh là tất yếu

Qua hơn 20 năm hoạt động, những thành công Saigon Co.op đạt được là nhờ phương châm hoạt động: thái độ phục vụ ân cần, hàng hóa phong phú, giá cả phải chăng và luôn phấn đấu cho mục tiêu cao nhất chính là phục vụ cộng đồng, phát triển vì con người. Chính bởi mục tiêu đầy ý nghĩa nhân văn đó mà các nhà cung cấp hàng trước khi được Saigon Co.op thu mua và tiêu thụ sản phẩm phải đảm bảo các tiêu chí như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, là hàng Việt Nam chất lượng cao…

Không dừng lại đó, trong vấn đề hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường vì lợi ích của cộng đồng, Saigon Co.op đã phát động triển khai chương trình “Co.opMart vì môi trường xanh”. Đặc biệt, từ năm 2010, Saigon Co.op ký kết hợp tác với Ban chỉ đạo Giải thưởng Doanh nghiệp xanh. Theo đó, ưu tiên thu mua và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp đạt chứng nhận “Doanh nghiệp xanh”. Có thể nói, xu hướng sử dụng sản phẩm sạch và cao hơn là sản phẩm xanh là xu hướng tất yếu hiện nay tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

A.VÂN ghi

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục