Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nhưng Nguyễn Đức Huy (sinh năm 1980, quê ở Tân Uyên, Bình Dương) không theo nghề thầy giáo mà rẽ ngoặt sang hướng khác khi xin vào làm công nhân tại Công ty TNHH Nissei Electric Viet Nam đóng tại Khu chế xuất Linh Trung quận Thủ Đức, TPHCM. Đây là doanh nghiệp của Nhật Bản với 100% vốn đầu tư nước ngoài nên Huy xác định rõ mình là công nhân Việt Nam thế hệ mới thì phải là những công nhân có trình độ kiến thức cao, tay nghề giỏi, tinh thần lao động cần cù, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu sản xuất đề ra. Trả lời thắc mắc vì sao Huy chọn làm công nhân kỹ thuật vất vả thay vì theo nghề sư phạm an nhàn như đã học? Huy bộc bạch: “Do đam mê kỹ thuật nên tôi rất vui sau mỗi lần nghĩ ra một sáng kiến cải tiến kỹ thuật mới…”.
Từ ngày vào làm việc tại bộ phận kỹ thuật hàng gia công của công ty, lúc nào Huy cũng luôn tìm tòi sáng kiến kỹ thuật mới để giúp anh em công nhân bớt vất vả, công ty đạt năng suất lao động cao, hiệu quả sản xuất tốt, chất lượng sản phẩm cao, đồng thời tiết kiệm được nguyên liệu và hợp lý hóa sản xuất. Sau 9 năm làm việc tại công ty, đến nay Huy đã đóng góp được 10 sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng.
Trong số hàng chục sáng kiến, Huy nhớ nhất là sáng kiến cải tiến cấp đầu nối và cắt tự động, góp phần giảm thao tác lao động từ 4 người xuống còn 2 người/ngày, làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng. Dẫn chúng tôi đi tham quan công ty với hơn 4.500 công nhân Việt Nam đang miệt mài sản xuất, chúng tôi thấy không khí sản xuất nơi đây sôi động như không hề bị ảnh hưởng của việc suy giảm nền kinh tế toàn cầu.
Tại nơi làm việc của Huy, anh chỉ cho chúng tôi xem từng công đoạn cải tiến kỹ thuật rất tỉ mỉ, chính xác. Anh giải thích: Đây là công ty chuyên sản xuất hàng điện tử xuất khẩu sang Nhật để phục vụ cho những mặt hàng siêu mỏng, siêu nhẹ như điện thoại di động, vi tính, ti vi… nên đòi hỏi độ chính xác rất cao. Vì vậy, để có một sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đòi hỏi người công nhân như Huy phải nghiên cứu, sáng tạo rất công phu. Huy bày tỏ: “Để hoàn thành một sáng kiến phải tốn thời gian hàng mấy tháng trời tìm tòi thử nghiệm, có lúc tưởng chừng không thành công đành phải bỏ cuộc, nhưng nhờ mọi người động viên nên tôi đã gặt hái thành công. Niềm vui đó đã động viên tôi tiếp tục tìm tòi thêm nhiều sáng kiến mới…”.
Sau mỗi lần thành công, Huy được công ty thưởng một chuyến du lịch sang Nhật 1 tuần. Nhờ công ty nước ngoài rất trân trọng chất xám của công nhân Việt Nam nên đã thôi thúc nhiều công nhân trẻ như Huy tham gia đóng góp nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật.
Miệt mài với công việc nhưng Huy vẫn luôn vui tươi, nhanh nhẹn bởi công việc không những mang lại thành công cho anh mà còn mang lại tổ ấm hạnh phúc riêng cho anh. Tại đây, anh yêu và kết duyên với một cô thợ trẻ. Hiện nay, hai vợ chồng anh đã có một con gái nhỏ rất dễ thương, hàng ngày hai vợ chồng cùng đến công ty làm việc và cùng trở về tổ ấm hạnh phúc ở Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Huy tâm sự: “Nhờ có tổ ấm gia đình và sự động viên kịp thời của ban giám đốc và tập thể công ty nên tôi có được cơ hội thực hiện ước mơ là tìm tòi ngày càng nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần cho công ty lớn mạnh và khẳng định trí tuệ của giai cấp công nhân Việt Nam trong mọi thời đại…”.
| |
MINH NGỌC
- Thông tin liên quan:
>> Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIII năm 2013: Đột phá trong sáng tạo