
“Bác sĩ” vườn rau
Không chỉ đảm nhận nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe cho các cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn, Nguyễn Trung Anh còn được giao phụ trách chăm sóc vườn rau xanh được trồng quanh lan can. Ngoài việc thụ phấn cho khổ qua, anh như một người thợ làm vườn thực thụ, thuộc nằm lòng từng công đoạn để cây trồng có thể sinh trưởng tốt, đơm hoa kết trái giữa biển khơi. Trung Anh chia sẻ, bí quyết của anh rất đơn giản: “nhất nước, nhì phân”. Trước khi gieo hạt hay trồng cây, đất được trộn kỹ với xơ dừa và phân bón, sau đó phơi trong vài ngày loại bỏ mầm bệnh. Để hạn chế ảnh hưởng của hơi nước mặn đến quá trình nảy mầm, Nguyễn Trung Anh còn sử dụng thêm các gói thuốc khử phèn, khử mặn xử lý đất trước khi gieo. Với một số loại rau, củ, quả, anh còn ươm ở khu vực riêng, kín gió đến khi cây con phát triển cao khoảng 20cm mới mang ra trồng. “Chúng tôi phải căn theo hướng gió để bố trí vườn rau. Gió thổi từ hướng nào phải trồng ở phía ngược lại, để cây không bị ảnh hưởng bởi hơi muối từ biển”, Trung Anh chia sẻ.
So với các nhà giàn được xây dựng sau này, DK1/10 là nhà giàn kiểu cũ. Vì vậy, các cán bộ, chiến sĩ phải tận dụng từng khoảng không gian quanh hành lang hay một phần sân thượng để trồng rau. Các khay, thùng rau đều được phủ lưới cẩn thận, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cây phát triển giữa môi trường biển khơi khắc nghiệt. Tại nhà giàn DK1/15 (cụm Phúc Nguyên), việc trồng rau thuận lợi hơn. Không chỉ nhờ diện tích rộng rãi, khu vực trồng rau còn được thiết kế khép kín với tường tôn bao quanh và mái che phía trên, giúp vườn rau luôn được bảo vệ khỏi nắng gắt, gió mạnh và hơi muối biển. Nhờ điều kiện đó, vườn rau rộng vài chục mét vuông luôn xanh tốt, phong phú về chủng loại. Những giàn mồng tơi phủ đầy lá và ngọn xanh mướt, khay rau muống, rau dền, rau cải cũng lần lượt vươn lên tươi tốt khi đến tuổi thu hoạch. Một góc nhỏ trong khu vườn còn được trồng thêm vài cây ớt, cùng các loại rau gia vị như chanh, húng, lá mơ, đinh lăng… tạo nên một mảng xanh đầy sức sống giữa trùng khơi.
Thiếu tá Lê Văn Cương, sĩ quan quân y, cũng được giao nhiệm vụ chăm sóc vườn rau, phối hợp cùng một vài cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm làm vườn. Anh chia sẻ, ngoài các loại rau cơ bản, rau bầu đất luôn là loại không thể thiếu trong khu vườn. Với đặc tính lá dày, rau bầu đất có khả năng chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại các nhà giàn, nơi thường xuyên có gió lớn và độ ẩm thay đổi thất thường. Dù mưa nhiều hay khô hạn, tưới ít nước, loại rau này vẫn có thể sinh trưởng tốt, xanh mướt và cho thu hoạch đều đặn. Để đảm bảo nguồn rau xanh quanh năm, góp phần cải thiện bữa ăn hàng ngày cho cán bộ, chiến sĩ, việc chăm sóc vườn rau đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Thiếu tá Lê Hùng Ba, Chính trị viên nhà giàn DK1/15, cho biết, trong môi trường biển mặn, việc che chắn gió là ưu tiên hàng đầu. “Mùa gió phải chắn không cho rau bị tạt trực tiếp, nếu dính muối, rau sẽ chết ngay. Khi có sâu bệnh cũng phải bắt ngay để rau phát triển tốt”, Thiếu tá Lê Hùng Ba chia sẻ.
Ngoài đất, phân, giống được tiếp tế từ đất liền, yếu tố then chốt là nguồn nước ngọt. Các chiến sĩ tận dụng nước mưa và nước sinh hoạt hàng ngày để tưới rau. Thiếu tá Lê Văn Cương cho biết, cần chọn giống rau phù hợp theo mùa: “Mùa mưa trồng rau muống, mồng tơi; mùa nắng nhiều, trồng rau cải sẽ hợp hơn”. Thông thường, rau thu hoạch sau 1-1,5 tháng; riêng rau mầm chỉ vài ngày có thể sử dụng. Với Nguyễn Trung Anh, bên cạnh công tác chuyên môn, mỗi ngày anh cùng đồng đội dành khoảng 2-3 giờ chăm sóc vườn rau. Mỗi sáng và chiều, anh đều tưới nước, kiểm tra sâu bệnh và đề phòng chim chóc phá hoại. Nguyễn Trung Anh chia sẻ: “Hôm nay gió yên, nhưng ở nhà giàn này có đàn chim sẻ hơn 30 con. Khi gieo hạt không che chắn cẩn thận, chúng sẽ sà xuống ăn sạch”.
Vơi nỗi nhớ đất liền
Dù các chuyến tàu vận chuyển vẫn đều đặn cung cấp nhu yếu phẩm, lương thực cho các nhà giàn, nhưng những khay, thùng rau tự trồng vẫn góp phần quan trọng trong việc cải thiện bữa ăn hàng ngày cho cán bộ, chiến sĩ. Nguyễn Trung Anh kể, có thời điểm tàu tiếp tế chưa ra kịp, vườn rau xanh tại chỗ giúp giải quyết nhu cầu trước mắt. “Dù chỉ đủ nấu thêm bát canh, nhưng ai cũng thấy ấm lòng,” Nguyễn Trung Anh chia sẻ. Hơn nữa, rau mang từ đất liền ra khó bảo quản lâu; các loại quả như bầu, bí để lâu cũng mất đi độ tươi ngon. Vì vậy, nguồn rau xanh tự trồng trên nhà giàn luôn được xem là rất quý giá.
Từ góc độ chuyên môn, Thiếu tá Lê Văn Cương cho biết, việc đảm bảo đủ rau xanh trong khẩu phần ăn hàng ngày giúp hạn chế các bệnh về đường tiêu hóa, góp phần giữ gìn sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ. “Ngoài này, bữa nào không có rau là anh em thấy uể oải ngay. Thịt, cá có thể thiếu chứ rau thì không thể thiếu được”, Thiếu tá Lê Văn Cương chia sẻ. Thiếu tá Lê Hùng Ba cho rằng, vườn rau không chỉ cung cấp rau xanh mà còn là nơi gia tăng tinh thần đoàn kết của các cán bộ chiến sĩ trên nhà giàn. Sau giờ huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn lại cùng nhau chăm sóc vườn rau - một công việc được xem như niềm vui chung mỗi ngày. “Nhìn những khay rau xanh tốt không chỉ giúp giải tỏa phần nào nỗi cô đơn, mà còn khiến mọi người cảm thấy vui hơn, vơi bớt nỗi nhớ nhà”, Thiếu tá Lê Hùng Ba tâm sự.
Trong chuyến công tác đến nhà giàn, đoàn chúng tôi may mắn ghé đúng vào giờ ăn trưa và được chiêu đãi một bữa ăn vô cùng đặc biệt - mì tôm nấu với rau cải xanh do chính các chiến sĩ trồng. Phóng viên Nguyễn Văn Phúc (Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM) chia sẻ: “Đó là bữa ăn đầy ý nghĩa sau những ngày lênh đênh giữa biển, vì ăn mà không lo say sóng, không bị sóng gió làm gián đoạn. Ngon hơn nữa, vì biết từng cọng rau ấy được các anh gieo trồng, chăm sóc và tưới tắm mỗi ngày”. Giữa tiếng nói cười rôm rả cùng các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, những tô mì nóng hổi được chuyền tay nhau trong không khí ấm cúng. Ánh mắt ai nấy đều ánh lên niềm hạnh phúc, không ai muốn bỏ lỡ bữa ăn đặc biệt giữa muôn trùng sóng vỗ. Bởi ai cũng hiểu, trải nghiệm quý giá ấy không dễ gì có lần thứ hai.