Tốt nghiệp Đại học Nông lâm TPHCM, chị khăn gói về quê nhà, bắt tay thực hiện ngay giấc mơ ấp ủ từ ngày còn thơ bé bên mảnh ruộng của ba má: Bám vườn, bám ruộng, gắn bó lâu dài với nông dân. Chị là Bạch Thị Vững, hiện là Giám đốc Dự án lúa lai của Bộ NN-PTNT, người đã cho ra đời những sản phẩm có ý nghĩa cho nông dân.
Gắn cuộc đời với nông dân
Lớn lên cùng cây lúa, mảnh vườn nên hơn ai hết, chị Vững hiểu rõ bao vất vả, khó nhọc của người nông dân. Trong những chuyến đi thực tế cùng ăn cùng ở với bà con, chị nhận ra phần lớn nông dân do sản xuất nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm, ít ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất không cao, hưởng lợi trên sản phẩm không nhiều... Từ những trăn trở đó, ra trường chị về công tác ở Công ty Bảo vệ thực vật của Long An, rồi sau đó là Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam của Bộ NN-PTNT để thỏa sức nghiên cứu, ứng dụng tri thức học được.
Một trong những công trình của chị là “Lai tạo và khảo nghiệm giống lúa lai 3 dòng Bắc ưu 903 kháng bạc lá”. Đây là một giống lúa của Trung Quốc, năng suất cao, được gieo trồng gần 10 năm ở miền Bắc nhưng không thích hợp ở miền Nam vì lúa bị vàng lùn, bạc lá. Bạc lá, mất mùa luôn là nỗi lo sởn gai ốc của nông dân khi cấy lúa lai trong vụ mùa. Cấy lúa lai ở vụ này đồng nghĩa với chuyện chơi trò bập bênh đầy mạo hiểm giữa một đầu là năng suất cao một đầu là rủi ro lớn, thậm chí trắng tay nếu gặp điều kiện thời tiết mưa bão, bệnh bạc lá hoành hành. Ròng rã 5 năm trời bên cánh đồng cùng những nông dân khắp miền Nam, năm 2005, dự án đã được công nhận thành công và giống được bán rộng rãi cho bà con đưa vào sản xuất. Vẫn những đặc tính nông học của giống Bắc ưu 903 thuở nào như thời gian sinh trưởng trong vụ mùa, thích nghi rộng, phù hợp cho chân ruộng trũng, dạng hình gọn, thân khỏe, năng suất cao, cơm nở mềm, gạo ngon. Kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc không có gì khác biệt, điều khác biệt duy nhất chính là tính kháng bạc lá của giống.
Ông Lê Minh Chánh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giống cây trồng Miền Nam nhẩm tính: Nếu nông dân trồng khoảng 100.000ha, không tốn tiền phun trừ thuốc trị bệnh bạc lá thì mỗi năm tiết kiệm được 6 tỷ đồng, năng suất cũng tăng từ 150kg/ha đến 720kg/ha. Tính ra mỗi năm, giống lúa này mang lại lợi nhuận trên 36 tỷ đồng. Và đặc biệt với giống lúa mới, gạo đẹp hơn, cơm dẻo hơn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
“Du mục” cùng nông dân
Chị cùng các đồng nghiệp đã cho ra đời 6 dự án lúa lai, mang lại lợi nhuận hàng năm hàng chục tỷ đồng cho bà con nông dân và tiết kiệm, làm lợi cho công ty tiền tỷ. Chị còn đào tạo 2 kỹ sư nông học, 5 cán bộ trung cấp và 1 lao động phổ thông thành công nhân kỹ thuật xuất sắc trong nghiên cứu lúa lai. |
Chị không chỉ làm công tác nghiên cứu mà còn xây dựng mô hình phát triển kinh tế địa phương, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nông dân tăng năng suất, lợi nhuận. Chị Vững tâm sự: “Những lần đầu xuống tận xóm ấp tư vấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con, nhiều nông dân ban đầu còn e dè, ngại trao đổi nên mình càng phải chịu khó gần gũi, giải thích cặn kẽ những lợi ích thiết thực của việc ứng dụng tiến bộ mới vào sản xuất, khi ấy người cán bộ khuyến nông mới dần lấy được cảm tình của bà con”. Bám ruộng, bám nông dân không chỉ trên bàn giấy, chị còn chủ động lên kế hoạch làm việc theo giờ giấc của người dân. 5 giờ sáng hàng ngày, chị ra đồng cùng nông dân. Hỏi, chị vui vẻ giải thích: “Đi làm sớm để cùng bà con phát hiện sâu bệnh gây hại trên cây lúa, tiện thể hướng dẫn, khuyến cáo cách điều trị thích hợp và cũng có thể nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của bà con để nghiên cứu các sản phẩm phù hợp”.
Tự nhận mình cũng là dân du mục, nông dân ở đâu, chị ở đó. Chồng chị cũng làm cùng dự án. Hơn hai mươi năm nhưng anh chị không có một mái nhà riêng, mà sống luôn tại các chi nhánh hoặc ở cùng nông dân khi đi thực địa. Sáu tuổi, đứa con trai duy nhất của anh chị cũng bắt đầu rời xa ba má để về ở cùng ông bà ở Long An cho tiện việc học hành. Nay con trai đã là sinh viên năm 3 của một trường đại học và gia đình ngoại là nơi đoàn tụ gia đình nhỏ của chị vào mỗi dịp thuận tiện. Hiểu vợ, anh Huỳnh Minh Nhu, chồng chị cho biết: “Các công trình của Vững làm nên từ tình yêu, sự đam mê, thấu hiểu với nghề nông, với những nông dân lam lũ”.
HỒNG HIỆP
- Thông tin liên quan:
>> Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIII năm 2013: Khơi nguồn sáng tạo