Chung tay xây dựng văn minh đô thị

Giải tỏa các chợ tự phát - Không chỉ bằng mệnh lệnh

Trong vắng, ngoài đông
Giải tỏa các chợ tự phát - Không chỉ bằng mệnh lệnh

Đã gần 10 năm, TPHCM kiên trì thực hiện di dời các chợ đầu mối ra ngoại thành nhằm giảm thiểu ô nhiễm, tiếng ồn, từng bước sắp xếp lại hệ thống các chợ bán buôn, bán lẻ trên địa bàn. Cùng với đó, TPHCM kiên quyết giải tỏa các chợ tự phát, lấn chiếm lòng lề đường, hướng tới một đô thị văn minh, sạch đẹp và hiện đại. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn, thậm chí nhiều chuyên gia còn ví von việc giải tỏa chợ tự phát như “bắt cóc bỏ đĩa”! Vì sao?

Chợ tự phát lấn chiếm lòng đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp (ảnh chụp chiều 20-7). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Chợ tự phát lấn chiếm lòng đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp (ảnh chụp chiều 20-7). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Trong vắng, ngoài đông

Không thể phủ nhận, những kết quả bước đầu trong việc TPHCM liên tục ra quân giải tỏa các chợ tự phát và các điểm bán bất hợp pháp. Theo thống kê sơ bộ của Sở Thương mại (cũ), vào những năm 1997-2000, toàn TP có gần 300 chợ tự phát, chợ chồm hổm hoạt động, nhưng đến nay chỉ còn 174 chợ tự phát hoạt động.

Nếu có dịp đi vào khu vực các chợ như Tân Sơn Nhất, Văn Thánh, Nguyễn Đình Chiểu… tình trạng “trong vắng, ngoài đông” vẫn chưa được khắc phục. Nếu trong các nhà lồng, nhiều tiểu thương chỉ họp chợ vào buổi sáng thì các con đường ở xung quanh chợ họp cả ngày, gây tắc nghẽn giao thông khiến người dân sinh sống tại các khu vực này phải gồng mình chịu đựng.

Không chỉ “ăn theo”  chợ chính, nhiều năm qua tại các con đường quanh chợ đã hình thành các khu buôn bán tập trung. Điển hình nhất tại địa bàn quận Gò Vấp. Đường Phạm Văn Chiêu chỉ dài chừng 2km đoạn từ phường 9 đến phường 14, nhưng có 3 khu vực họp chợ, người bán, kẻ mua lúc nào cũng tấp nập. Tại các con đường như Lê Văn Thọ, khu vực đường Thống Nhất - Phan Văn Trị, đường Phạm Văn Bạch…, tình trạng lòng lề đường bị chiếm dụng làm nơi buôn bán từ sáng sớm đến khuya thường xuyên diễn ra. Mỗi khi có việc phải đi những đoạn đường này, nhiều người không khỏi “toát mồ hôi” vì cảnh kẹt xe.

Một chuyên gia thị trường “khái quát”, ở quận Gò Vấp, con đường nào cũng có thể biến thành chợ! Chợ họp mọi lúc, mọi nơi. Ngoài lý do là địa bàn có khá nhiều công ty hoạt động với số lượng công nhân đông, chính sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng đã làm mật độ dân nhập cư về đây làm ăn, sinh sống tăng nhanh.

Quận Bình Thạnh dù không có nhiều KCN như Gò Vấp, nhưng mức độ lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh rất lớn. Phía trước chợ Bà Chiểu, chính quyền địa phương liên tục ra quân dọn dẹp nhưng chỉ sau vài ngày, đâu lại vào đấy! Cứ đến 5 giờ chiều, việc mua bán diễn ra nhộn nhịp gấp nhiều lần so với các khu vực được TP cho họp chợ đêm như khu vực chợ Bến Thành hoặc chợ Kỳ Hòa cách đây vài năm. Đó là chưa kể, tại nhiều con hẻm ở khu vực phường 24 và 25 quận Bình Thạnh giờ đã trở thành những chợ tự phát với đủ các nhóm hàng từ rau củ quả, trái cây, thịt cá đến quần áo…

Chống đi đôi với xây

Theo điều 14, Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định, mức xử phạt các hành vi vi phạm như họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường là 300.000 - 500.000 đồng. Đây được xem là mức phạt khá nặng so với những văn bản trước đó.

Có thể nói, các chợ tự phát nhiều năm qua vẫn “sống khỏe”, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ở góc độ kinh tế, đây là vấn đề đương nhiên vì “có cầu ắt có cung”. Việc mua bán tại các chợ lòng lề đường mang đến sự tiện lợi cả đôi bên. Người bán không phải chịu các chi phí phát sinh khi ngồi chợ, còn người mua không phải gửi xe, giá lại rẻ.

Đằng sau các chợ tự phát là cuộc sống của hàng ngàn người từ những nơi khác về TP mưu sinh… Thế nhưng, mặt trái của chợ tự phát đã trở thành lực cản lớn trong quá trình xây dựng TP hướng đến một đô thị văn minh, hiện đại.

Kinh nghiệm thành công trước đây của quận 5, quận 6 cho thấy, để giải tỏa những chợ tự phát quy mô lớn, nếu chỉ có quyết tâm và mệnh lệnh suông chưa đủ, cần có sự điều nghiên kỹ lưỡng về nhu cầu thực sự của người dân. Điều này có nghĩa, khi muốn giải tỏa một chợ, cần tìm một địa chỉ khác giúp bà con mưu sinh. Do vậy nếu chúng ta không gắn việc “chống” đi đôi với “xây”, công tác này sẽ không mang lại hiệu quả. Những người lấn chiếm lòng lề đường cũng cần có những biện pháp thật cứng rắn, đồng thời phối hợp giữa các phường, các quận để thực hiện đồng bộ, tránh tình trạng phường này “đánh” họ lại chạy sang phường kia.

Thực tế, tại nhiều địa bàn quận huyện, tốc độ tăng dân số rất lớn song số lượng các chợ, siêu thị mở ra chưa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Cụ thể, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh hiện có hàng chục ngàn người dân nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được ngôi chợ chính thức nào!? Hiển nhiên người dân phải buôn bán một cách tự phát. Tại nội thành, việc quy hoạch, xây dựng các chợ, siêu thị đã và đang bị mất cân đối. Đây là một trong những vấn đề cần được giải quyết căn cơ mới có thể “phẫu thuật” cắt bỏ các chợ tự phát.

Giải tỏa chợ đồng nghĩa với việc đụng đến nồi cơm của đại bộ phận người lao động nghèo - một bài toán khó. Nếu chúng ta có cách làm khoa học, thấu tình đạt lý, tin rằng vấn đề giải tỏa, di dời chợ tự phát, điểm bán lấn chiếm lòng lề đường sẽ không còn là vấn đề quá khó.

Thúy Hải

Chung tay xây dựng văn minh đô thị

- Xây dựng môi trường đô thị nhân văn

- Xây dựng và kiến trúc ở TPHCM còn lộn xộn

- Rối tên đường, khó có lối ra

- Mê hồn trận số nhà

- Tình trạng ngập nước và kẹt xe: Do thiếu kiểm tra, phá vỡ quy hoạch

- Hụt hơi?

- Điểm sáng địa bàn dân cư

- Đột phá

Tin cùng chuyên mục