Ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo vốn được xem là bệ đỡ cho nền kinh tế. Thế nhưng, tại nước ta, ngành công nghiệp cơ khí chậm phát triển và còn rất lạc hậu so với trình độ công nghệ thế giới. Điều đáng nói, rất nhiều doanh nghiệp (DN) nước ta lại thiếu sự chủ động cần thiết để chuyển đổi mình nhằm bắt kịp xu thế phát triển kinh tế hiện nay.
Trong thời gian gần đây, rất nhiều cuộc họp về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo đã được tổ chức. Nhiều thực trạng bất cập vốn tồn tại cố hữu trong ngành cơ khí đã được phân tích, mổ xẻ một cách chi tiết. Đơn cử, công nghệ sản xuất cơ khí của hầu hết các DN là lạc hậu. Phần lớn dây chuyền sản xuất đều là công nghệ cũ đã hết thời gian khấu hao của các nước phát triển nhập về. Sự kết nối của hệ thống dây chuyền sản xuất rất thủ công.
Năng suất sản xuất thấp nên chi phí sản xuất cao… Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu nguyên nhân là do năng suất, chất lượng thấp và quy mô sản xuất nhỏ thì cũng có thể chấp nhận, vì nội lực của DN Việt Nam vốn yếu. Thế nhưng, điều đáng nói, đó không phải là lý do chính khiến các DN cơ khí Việt vẫn ì ạch đến bây giờ, mà chính là do thiếu chủ động trong việc khai thác thị trường, tìm kiếm đối tác hợp tác. Nhiều DN nước ngoài tồn tại và hoạt động tại Việt Nam cho biết, họ hoạt động tại đây gần 20 năm nhưng chưa thấy DN Việt nào tiếp thị mời chào cung ứng nguyên liệu hay các chi tiết sản phẩm cơ khí... Thậm chí, ngay khi chính quyền địa phương nỗ lực kết nối, tạo điều kiện cho DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam, nhưng nhiều DN Việt vẫn từ chối, với lý do là có tiếp xúc cũng không tham gia vào chuỗi cung ứng được.
Đại diện các DN có vốn đầu tư nước ngoài cho biết, để tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa của họ và rộng hơn là chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu, DN dù ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào cũng cần phải tạo lòng tin với đối tác. Lòng tin này không thể dựa trên hồ sơ năng lực mà phải là thực lực sản xuất. Thực lực này không phải một lúc có thể xây dựng được mà phải đi từng bước, từ nhà cung ứng cấp thấp và nâng dần lên nhà cung ứng cấp cao hơn. Theo đó, quy mô sản xuất sẽ dần được nâng cấp và mở rộng phù hợp hơn. Tuy phần lớn DN Việt Nam nói chung là DN sản xuất vừa, nhỏ và rất nhỏ, nhưng điều đó không có nghĩa là DN Việt Nam không có cơ hội trở thành nhà cung ứng trong hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu. Vấn đề là nếu đòi hỏi phải được trở thành nhà cung ứng cấp 1 ngay lập tức là điều không thể. Không một DN nào lại đánh cược sự thành công của mình vào việc đặt hàng với đối tác đầy rủi ro và chưa từng làm việc cùng nhau.
Một vấn đề khác là trình độ quản lý của DN Việt Nam rất yếu. Điều này lý giải tại sao khi DN có vốn đầu tư nước ngoài yêu cầu đảm bảo yếu tố giao hàng theo giờ, thì phần lớn DN Việt Nam đều không thể đáp ứng. Để có thể giao hàng theo giờ, hệ thống quản lý phải rất chặt chẽ. Dây chuyền sản xuất phải ổn định năng suất. Đội ngũ công nhân phải lành nghề và có trình độ chuyên môn cao… Khắc phục được những nhược điểm trên, đồng thời tự đánh giá lại đúng năng lực của mình thì DN Việt Nam mới mong có cơ hội phát triển và làm được những điều mình mong muốn, kỳ vọng.
MINH XUÂN