Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM chia sẻ lý do học phí đại học tăng

Giám đốc Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân cho rằng, hiện nay giải ngân vốn đầu tư công cho các đơn vị sự nghiệp công lập đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các đơn vị giáo dục. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến học phí của sinh viên và người học càng ngày càng tăng.

Ngày 23-5, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về các nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

E22CD396-250B-43F8-87FF-71A5B9F9A3BC-30492-000003FC92E9126C.jpeg
Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM làm việc tại tổ, thảo luận về các nội dung trong chương trình làm việc sáng 23-5. Ảnh: VĂN MINH

Góp ý về đầu tư công, ĐB Vũ Hải Quân (TPHCM), Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, hiện nay giải ngân vốn đầu tư công cho các đơn vị sự nghiệp công lập đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các đơn vị giáo dục. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến học phí của sinh viên và người học càng ngày càng tăng.

2DF79DFC-14FC-45B8-964C-8C79A2712F13-30492-000003E93086829D.jpeg
Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân góp ý. Ảnh: VĂN MINH

ĐB Vũ Hải Quân dẫn chứng, năm nào ngân sách cấp cho ĐH Quốc gia TPHCM đầu tư lên đến vài trăm tỷ đồng, có năm cả nghìn tỷ đồng. Nhưng cuối cùng, phần lớn nguồn vốn này không giải ngân được, phải trả lại do vướng nhiều cơ chế.

“Các trường đại học chỉ dựa vào thu học phí mà không có đầu tư thì không phát triển bền vững”, ĐB Vũ Hải Quân nhìn nhận và kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp đồng bộ để hỗ trợ khối ngành giáo dục trong lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là đầu tư công.

Như Báo SGGP thông tin, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/NĐ-CP (Nghị định 97) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 (Nghị định 81) quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó, học phí giáo dục đại học công lập sẽ có sự điều chỉnh so với Nghị định 81.

7075B310-743A-4139-9FD8-C55B9E9E2549-30492-000003FC831E143F.jpeg
ĐBQH đoàn TPHCM tham gia góp ý. Ảnh: VĂN MINH

Nghị định 97 điều chỉnh lộ trình học phí như sau: giữ ổn định học phí từ năm học 2023-2024 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bằng mức học phí năm học 2021-2022; lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định 81 (tức là học phí năm học 2023-2024 tăng so với học phí năm học 2022-2023, nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81) để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên; các chính sách miễn, giảm học phí được quy định tại Nghị định 81 tiếp tục được giữ nguyên để hỗ trợ các đối tượng chính sách và có hoàn cảnh khó khăn.

Như vậy, học phí các chương trình đại trà ở tất cả các trường đại học công lập trên cả nước trong năm học 2023-2024 sẽ có mức trần đều tăng. So với năm học 2022-2023, mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ của 7 khối ngành tăng từ 0,3-10,2 triệu đồng/năm, tùy khối ngành. Trong đó, tăng nhiều nhất là khối ngành y dược và các khối ngành sức khỏe khác, mức tăng 4,2-10,2 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, với các trường đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (tự chủ) như các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Y dược TPHCM... mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức phí các trường công lập chưa tự chủ, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.

Tin cùng chuyên mục