
Đọc bài “Xin hãy chăm lo giúp đỡ học sinh yếu kém” đăng Báo SGGP ngày 12-3, nhiều bạn đọc đã gọi điện bày tỏ bức xúc: Việc HS yếu kém bỏ học không chỉ do lỗi từ phía gia đình mà có phần trách nhiệm của nhà trường? Trao đổi với PV Báo SGGP, ông HUỲNH CÔNG MINH, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cũng bức xúc không kém khi cho rằng dạy học sinh (HS) là lương tâm chức nghiệp của người thầy vì ngoài chuyện “dạy” còn là chuyện “dỗ”, và “trường hợp loại HS ra khỏi trường vì học yếu kém chỉ là trường hợp cá biệt”.
* PV: Dù là cá biệt, theo ông nói, vẫn không thể chấp nhận được?

* Ông HUỲNH CÔNG MINH: Muốn đưa HS ra khỏi lớp phải theo cơ chế, quy trình của trường như phải thông qua hội đồng của trường. Nếu vì lý do kỷ luật thì phải có hội đồng kỷ luật, về học lực thì có hội đồng chuyên môn xét duyệt, không thể tự tiện được. Hệ thống quản lý nhà trường nắm rất vững quy trình này.
* Phải đợi đến cuối năm học mới có đủ cơ sở kết luận HS yếu kém, nhưng thực tế chưa hết học kỳ 1, HS đã bị mời ra khỏi trường thì có vội vàng quá chăng? Ngay cả HS kém cũng còn có cơ hội thi lại…
* Trường hợp giáo viên (GV) khuyên HS ra khỏi trường thì đó chỉ là lời khuyên, chứ không phải sự ép buộc. PHHS có thể cùng bàn bạc, trao đổi và suy nghĩ cho thấu đáo. Nếu PHHS thấy lời khuyên không đúng thì không làm và GV không thể kỷ luật HS.
Mặt khác, đề nghị học bổ túc văn hóa ở bậc THPT cũng cần suy nghĩ ở khía cạnh khác. Tức là việc học chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) hoàn toàn giống chương trình giáo dục phổ thông. Trong lời khuyên, cũng có những trường hợp khuyên đúng như xét thấy năng lực HS không thể học nổi mười mấy môn của chương trình phổ thông thì học bổ túc chỉ có 8, 9 môn là phù hợp với trình độ, năng lực của HS.
Cho nên, không phải tất cả mọi lời khuyên đều là vô đạo đức hết. Ứng với mỗi trường hợp phải xem xét cụ thể. Người thầy quản lý một lớp học có trách nhiệm biết từng em HS với tâm sinh lý, đặc điểm, trình độ học tập và thậm chí có thể hướng dẫn nghề nghiệp cho HS.
* Vậy theo ông, những HS học lực yếu kém không đảm đương nổi ở phổ thông nên thầy giáo khuyên em chuyển sang học ở GDTX là lời khuyên đúng. Ông có thể khẳng định điều này?
* Như tôi đã nói, đạo đức nhà giáo là phải lo cho HS. Đó là chuyện bắt buộc. Mình cũng không loại trừ những trường hợp cần thiết phải hướng dẫn các em học cho đạt yêu cầu. Ngược lại, nếu GV không nghiên cứu kỹ lưỡng, cứ phủi tay cho xong thì là thiếu đạo đức.
* Dư luận cho rằng Sở GD-ĐT, Phòng GD không quản lý được chuyện HS bị đẩy ra khỏi trường?
* Quản lý được chứ. Thứ nhất, muốn loại HS ra khỏi trường phải thông qua hội đồng như đã nói, rồi qua ban giám hiệu và báo cáo lên cho phòng, sở giải quyết. Ngoài ra, còn có hệ thống công nghệ thông tin quản lý hiệu suất đầu ra, đầu vào, không thuần túy chỉ là tỉ lệ tốt nghiệp.
Cuối cùng, còn biện pháp nữa là nếu như có những áp chế, PHHS có quyền có ý kiến phản ánh ở phòng GD hoặc là ở Sở GD-ĐT. Mỗi năm có một số trường hợp như vậy. Trong thực tế công tác quản lý, tôi đã từng giải quyết những trường hợp đó. Có nhiều cách nắm bắt, xử lý, đảm bảo quyền lợi học tập của HS.
* Những trường hợp bị phản ảnh đã xử lý như thế nào?
* GV quy chụp và loại HS thì mình phải kỷ luật và phục hồi quyền lợi của các em. Tôi hy vọng vào tinh thần trách nhiệm của thầy cô giáo, loại HS cũng là loại con em mình thì được lợi gì?
* Thưa ông, GV nhẹ “gánh” hơn chăng? Và phải chăng là do áp lực của sĩ số cao?
* “Gánh” ở đây là “gánh” hiệu suất đào tạo chứ không phải “gánh” tỷ lệ tốt nghiệp. Sở GD-ĐT có bộ phận quản lý chuyên môn là phòng GD Tiểu học, Trung học. Bên cạnh đó còn có phòng Thanh tra có chức năng theo dõi và giải quyết. Tôi mong muốn PHHS có bức xúc gì thì báo cho Sở, Phòng GD của 24 quận, huyện góp phần thúc đẩy, giám sát không để xảy ra những trường hợp ảnh hưởng đến việc học của HS. Đó là điều không ai mong muốn.
* HS yếu kém cộng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên các em dễ dàng buông xuôi việc học. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công tác phổ cập GD bậc trung học?
* Đúng rồi. Nhiệm vụ phổ cập nhà nước giao cho nhà trường cũng là một sự ràng buộc. Nếu GV tùy tiện loại HS dẫn đến việc HS bỏ học sẽ ảnh hưởng đến phổ cập giáo dục. Tuy có những trường hợp cá biệt nhưng trong bối cảnh chung, chúng ta cần phải động viên họ vượt qua khó khăn chăm lo cho HS.
* Xin cảm ơn ông!
HỒNG LIÊN (thực hiện)