Chất lượng sống tốt chính là chất lượng từ cuộc sống người dân. Chất lượng sống ở TPHCM chúng ta hiện nay còn nhiều vấn đề chưa được hài lòng. Trong đó, nghiêm trọng vẫn là nạn kẹt xe và ngập nước. Hai vấn đề này trực tiếp làm giảm chất lượng sống người dân trong sinh hoạt, đi lại.
Giảm kẹt xe - khuyến khích vận tải công cộng
Quá tải xe cá nhân trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu là nguyên nhân dẫn đến kẹt xe tại TPHCM, chủ yếu ở khu trung tâm, khu vực làn đường hẹp, nút giao, ngã tư. Lỗi có thể do quy hoạch giao thông chưa phù hợp, hạ tầng cầu đường xuống cấp, xây dựng công trình thiếu đồng bộ, chưa kịp hoàn thành các tuyến metro. Trong khi đó, các phương tiện vận tải công cộng như xe buýt vừa yếu vừa thiếu, người dân phải tự cứu lấy mình bằng cách sử dụng xe cá nhân.
Giải quyết nạn kẹt xe cần các giải pháp đồng bộ đi kèm với từng lộ trình cụ thể hỗ trợ lẫn nhau như kết nối giao thông, tạo thuận lợi cho người sử dụng phương tiện công cộng. Ngoài ra, cần có điều kiện tiên quyết để hạn chế xây nhà cao tầng nơi kẹt xe, kiểm soát mật độ phát triển dân số, quy hoạch phù hợp các khu vực buôn bán, vui chơi, giải trí để thu hút và phân bố đều dân cư.
Ngập nước trên đường Phạm Văn Bạch chiều 27-9. Ảnh: THÀNH TRÍ
Với hiện trạng như hiện nay, tôi nghĩ rằng, lúc này chưa thể hạn chế xe cá nhân. Vì thực trạng TPHCM là đô thị đang phát triển, khu trung tâm có nhiều nhà cao tầng, đông dân từ nhiều nơi đến sinh sống, học tập, làm việc… Phương tiện di chuyển phần lớn xe cá nhân được cho là tiện lợi, nhỏ gọn, linh động, chủ động về thời gian. Trong đô thị đang phát triển, phần lớn sử dụng xe cá nhân sẽ khó tránh khỏi nạn ùn tắc giao thông và ô nhiễm khí thải, khó khăn trong việc đi lại vẫn là dân nghèo và thu nhập thấp. Nếu hạn chế xe cá nhân, người dân có lựa chọn nào khác? Metro chăng? Hay xe buýt? Thời gian hoàn thành các tuyến metro có lẽ còn khá lâu. Các tuyến metro sau khi hoàn thành có thể vận tải hành khách với khối lượng lớn, giúp giải quyết cơ bản nhu cầu vận chuyển công cộng nhưng có khi phải chờ đợi cả chục năm. Mỗi tuyến metro đưa vào khai thác phải kết nối giao thông sao cho tạo được sự thuận tiện để người dân tự chuyển qua lựa chọn sử dụng phương tiện công cộng. Metro phải cho thấy sự tiện lợi hơn xe cá nhân về đi lại, giá rẻ, thời gian… Cần sự chuẩn bị và hoạch định chính sách thích hợp, thiết thực, hiệu quả.
Đồng thời với metro, phương án khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng khác vẫn là chủ đạo. Vậy nên đầu tư thêm xe buýt chất lượng cao, phục vụ tốt. Ưu tiên làn đường cho xe buýt để hạn chế kẹt xe giờ cao điểm và rút ngắn thời gian so với xe cá nhân.
Mở rộng một số mặt đường khu trung tâm theo quy hoạch là việc nên làm để tăng diện tích đường cho xe chạy. Chi phí dù cao do giải tỏa nhưng bù lại góp phần giải quyết kẹt xe, kết hợp với cải tạo mỹ quan đô thị, hướng đến thanh phố văn minh hiện đại là việc trước sau gì cũng phải làm. Vì thực trạng còn nhiều tuyến đường chưa được mở rộng đúng quy hoạch, thiếu vỉa hè cho người đi bộ, xấu mỹ quan đô thị - do phía mặt tiền nhà thuộc quy hoạch nên chỉ cơi nới tạm bợ hoặc xây dựng không phù hợp, sự rối rắm bởi bảng quảng cáo và trụ điện treo cáp viễn thông…
Bên cạnh việc xây dựng hoàn thành các tuyến metro, xe buýt nhanh, đường kết nối giao thông, nên tận dụng môi trường sông nước để nghiên cứu phương án giao thông thủy vận chuyển hành khách ở sông Sài Gòn và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè... Khi đã có phương tiện công cộng đáp ứng yêu cầu để thay thế, tiến tới hạn chế xe cá nhân, có thể làm thí điểm ở khu vực trung tâm thanh phố, sau đó mở rộng dần phạm vi hạn chế xe cá nhân theo lộ trình thích hợp.
Khôi phục kênh rạch, thêm mảng xanh
TPHCM có nhiều sông, kênh, rạch lại dễ ngập. Nguyên nhân thường được xác định do khách quan, mưa, triều cường, lún địa hình, biến đổi khí hậu… Về chủ quan ít khi được đề cập tới như san lấp mặt bằng làm dự án, phân lô, bán nền… rồi đến tình trạng lấn chiếm kênh, mương, rạch.
Nhiều khu vực trước đây là ao, hồ, ruộng lúa, vườn tược, hoa màu, cây xanh, nền đất trống… bỗng chốc trở thành nơi xây cất công trình, nhà phố, chung cư. Ở ngoại thành, đô thị hóa làm cho khu vực nông nghiệp và nông thôn chuyển mình lên phố. Ở nội thành, ngay cả nơi sân bay cũng bị bê tông hóa, nhà cao tầng phủ kín. Phải chăng đô thị hóa làm mất dần hướng thoát nước, nơi thẩm thấu và hút nước, lấp bớt vùng trũng, hình thành nút thắt, ngăn dòng chảy tự nhiên?
Quan sát sẽ thấy trên nhiều tuyến đường, nước thoát không kịp do cửa thu nước quá hẹp, chưa kể cửa thu nước xuống hố ga bị bít gần kín bởi rác. Rồi nơi nơi hè thi nhau nâng đường, nhà dân cũng phải nâng lên cao hơn, chưa giải quyết xong điểm ngập cũ đã phát sinh điểm ngập mới. Thiết nghĩ, nếu chống ngập bằng cách nâng đường thì phải nâng tất cả khu vực thấp bị ngập, đây là điều bất khả thi. Mặt khác, một khi nâng đường lên quá cao giống như con đê chắn ngang khiến nước mưa tràn ra hai bên, ngược lại nước từ trong hẻm và các đường thấp hơn không có lối thoát.
Giải quyết ngập nước tại TPHCM cần nhiều yếu tố tổng hợp, trước mắt và lâu dài. Quan trọng nhất vẫn là xác định đúng nguyên nhân để có giải pháp phù hợp, thiết thực, đồng bộ, hiệu quả. Cần rà soát lại bản đồ quy hoạch sông, kênh, rạch, hệ thống cống thoát nước cùng với mặt bằng lưu vực, diện tích, cao độ, dân số, nước thải, nước mưa… để tính toán chống ngập có khoa học. Chống ngập trong khi chờ dự án lớn, việc cần làm trước mắt là nạo vét cống và mở rộng cửa thu nước trên các tuyến đường bị ngập (vì cống lớn mà cửa thu nhỏ cũng giảm năng lực thoát nước).
Thoát nước trong đô thị cần ưu tiên cho giải pháp tự chảy, hướng thoát ngắn nhất. Với địa hình như TPHCM, thanh phố nên khôi phục lại hệ thống kênh rạch, tận dụng môi trường tự nhiên để thoát nước.
Nơi công cộng, công viên, vui chơi, giải trí… thay vì bê tông hóa hãy tạo thêm mảng xanh, bồn hoa, thảm cỏ, vừa tạo cảnh quan vừa là nơi thấm nước. Trong đầu tư xây dựng công trình công cộng ngoài trời, nên ưu tiên sử dụng vật liệu có độ hút nước cao, thấm hút nước xuống nền đất.
Trước khi lập khu dân cư dày đặc và chật chội, chồng lên mặt đất những tòa nhà hay trung tâm thương mại hoặc dịch vụ, hãy nghĩ đến nhu cầu thiết yếu cho con người - hệ thống thoát nước.
ĐỖ NGÔ TRẦN