Dòng nước của con kênh chảy vào ruộng Hường bị chắn lại bởi chiếc đập thủy lợi. Nước chảy chậm như dòng thời gian của một góa phụ.
Hường xòe đôi bàn tay hốt lấy những bụm nước xanh mát thơm trong tạt vào mặt mình làm trôi đi những cục bùn bám trên đôi gò má mềm mại no tròn. Những mảng bùn trôi đi để lại đôi má hồng mịn giống thời con gái. Nàng nghe sảng khoái lâng lâng như trong nước có tình yêu.
Trên bờ kênh một số đàn ông ngồi nghỉ trưa nhìn Hường tắm, trêu chọc:
- Phụ nữ má hồng muốn chồng thành dịch!
Cả họ cười rộ lên bất chấp sự e dè nũng nịu của một thân phận nhớ chồng.
- Đàn ông má hồng là xỉn! Xỉn rồi là muốn vợ thành quỷ! (Hường đùa lại).
- Mai mốt ra chợ chạy xe có uống bia gặp giao thông nói tại em muốn chồng má thắm hồng hồng nhen! (Một ông lại trêu đùa).
Hòa cùng những đàn ông trong làng, Hường tỏ ra không thiếu sức lực. Công việc gì của các ông chị đều làm được, có khi hơn. Bà con trong vùng đặt cho chị biệt danh “Nữ đàn ông”.
Ngày trước chị là con nhà giàu ở chợ, thương chồng chấp nhận “về đồng ăn cua”. Những năm theo chồng ra ruộng chị đã quen dần với nắng táp mưa sa, quen dần nếp ăn, nếp ngủ, những suy tư trăn trở không lắm bề bộn của bà con dân dã nơi đây, riết thành chuyên nghiệp. Từ khi chồng bệnh qua đời, bỏ lại hai con chị nhân lên tài năng canh tác.
Hai đứa con đang học đại học gần ra trường khiến gánh nặng nhiều thứ đè trên vai người phụ nữ góa bụa. Ngoài đồng áng ra, chị còn tranh thủ chăn nuôi. Hàng ngày xắn quần đốn chuối mang về xắt quết trộn với tấm cám cho heo ăn. Gần đây do ảnh hưởng chất tạo nạc heo rớt giá chị sợ phải bán vội bầy heo nên lỗ nặng. Hường chèo ghe bán bánh mì tích cóp tiền nuôi con. Tiếng rao lanh lảnh “Ai mua bánh mì hôn” của chị vang xa âm ấm trên nhiều đoạn sông. Đàn ông hai bên bờ có người ghiền tiếng rao chị như ghiền một linh hồn tựa cửa, ghiền một dòng nước trong veo trên con sông bị cạn kiệt, họ thao thức trông chờ từ canh khuya được nghe tiếng rao của chị để kêu ghé lại mua bánh mì!
Từ ngày có cánh đồng mẫu, chị tích cực hơn cùng xóm ấp.
Hôm nay ra đồng đắp gia cố lại các đê chắn nước để sạ vụ hè thu. Xong việc chị nhảy xuống sông tắm. Nước sông quê mùa này trong vắt, triều cường không nhiều và ít mang phù sa, dòng hạ lưu chậm chảy đùn lại bởi mấy con đập thủy lợi. Nhìn dòng sông trong mát chị thèm được trở về cuộc sống hồn nhiên ngày còn thơ dại mỗi lần có dịp về quê ngoại trong vườn cởi trần tắm sông. Nghe dư âm thời con nít sống lại.
Nhớ có lần chị móc sình chọi lộn với bọn trai làng, sình vào mắt, chị ụp mặt xuống nước mở ra cho nó trôi nhưng không hết, chị phải nhắm híp đôi mắt suốt một tuần! Kỷ niệm xưa cuồn cuộn hiện về trong tiềm thức. Hường thèm lại một cuộc chọi lộn bằng sình. Lúc chuyền đất chị ranh mãnh móc cục nhỏ chọi lén vào lưng các ông. Ai cũng hiểu thủ phạm nhưng làm bộ dửng dưng để được chị chọi mà nhận lãnh một phần hạnh phúc bên nương ruộng!
Tắm xong chị về. Bộ đồ màu đen sũng nước bó sát thân tròn làm lộ những đường nét thiên thanh, nó không phơi bày da thịt trần tục trong ngần của chị ra trước nắng gió bưng biền nhưng nó có sức hút, sức khiêu gợi mạnh đối với đàn ông trai tráng. Lành thay, nông dân ngày nay có trình độ và kiến thức về luật pháp nên ai cũng nhìn rồi tự nghe trong lòng mùi thơm da thịt chị mà không dám thể hiện một bản chất nhỏ tà dâm nào!
Hường về căn nhà gạch mái tôn giữa khu vườn quạnh quẽ nhưng được bảo vệ bằng cả sức mạnh của xóm thôn. Chị tắm lại vòi nước phông tên chảy mạnh kéo từ xã về, chà xát xà phòng thơm dịu. Rồi thả thân hình liêu trai trên chiếc võng lụa làm một giấc ngủ trưa ngon lành mặc cho thế sự ruộng đồng khi không có tiếng ai gào thét giữa một không gian yên ắng.
Mây trời vẫn bay, bay nhiều qua đời chị, qua dòng sông có nước mát trước nhà… Chị thả hồn ngập giấc mơ trưa, đôi ngực cao to, phập phồng, bình yên không bão tố.
* * *
- Hai giờ rồi, dậy đi ngủ dữ vậy!
Tiếng anh Hai Điều cạnh nhà gọi Hường ra đồng đánh thức giấc ngủ mê man. Chị quạu:
- Gì om sòm vậy cha?
Hường dụi mắt cay sè. Những sợi tóc rối óng lên, thơm tỏa như hương lúa.
- Tới giờ giặm lúa rồi đi hông hay nghỉ chiều nay cho khỏe, thấy cô hơi mệt?
- Đi!
- Đi thì đi, tụi tui ra trước nhen!
- Ừ!
Từ ngày giải tán tập đoàn sản xuất, nông dân ở đây trở lại làm ăn nhỏ lẻ. Người ta không lấy đất để chia bình quân theo đầu người và đánh kẻng ra đồng nữa mà cho phép cá nhân có nhiều ruộng để làm giàu. Tuy năng suất có cao hơn trước đó nhưng cách chăm sóc lúa, cách phòng trừ sâu bệnh trở nên cục bộ, côi cút: Bên này rút nước cho đất khô cắt gặt thì bên giáp ranh xả vào để sạ; người giữ nước thảy phân thì người rút khô để giặm… phát sinh nhiều mâu thuẫn mất đoàn kết giữa xóm làng do mỗi người tự hành xử quyền lợi cá nhân trên phần đất mình. Giờ bà con thực hiện phương thức: “Sạ đồng loạt, chăm sóc đồng thời, đất ai của nấy, lúa người nào người đó hưởng...”. Người ta vui lên vì không còn lo sợ cảnh bị động bởi nước tưới, nhân công, máy gặt…
Chiều nay Hường vẫn mặc lại bộ đồ bà ba đen mà chị tranh thủ giặt phơi ban trưa. Tay đeo găng, mặt bịt khẩu trang, chân đi ủng và đội chiếc nón lá truyền thống lâu đời. Người ta cảm giác chị như một phụ nữ Hồi giáo khi ra đồng không ai còn nhìn thấy phần nhỏ da thịt nào. Nếu cách đây không lâu ăn mặc như vậy chị bị cho là ma hiện hình! Nay, con ma đẹp của cánh đồng gió nắng không bị người ta nghi kỵ mà còn khuyến khích để tránh sức tàn phá dung nhan vì nắng đốt phũ phàng, vì vật bén nhọn gây trầy xước, vì bùn sình hủy hoại móng tay móng chân. Ai nỡ nào để một phụ nữ trẻ trung, dù là một phụ nữ làm ruộng, phải bị xấu đi do nắng gió?
Một góa phụ như chị thì càng phải nâng niu để cuộc đời, để cụ thể là đàn ông nhìn mê mệt, để cho chị nghe mình được ưu ái, được hạnh phúc, rồi quay về với tình làng nghĩa xóm, với hồn chồng, với hai đứa con. Chị luôn giữ gìn, chăm sóc sắc diện dù ngay cả thời điểm lao động nhọc nhằn nhất.
Năm nay do cơn mưa bất thường ngay khi mới xuống giống nên hạt bị trôi đùn đống mọc lên không đều, ai cũng phải ra đồng giặm. Người ta bàn thực hiện kiểu “vạn vần” tức là xúm nhau làm nhưng chia theo từng toán nhỏ tranh thủ cho lúa non sớm phát triển.
Khu vực Hường có bốn năm đàn ông mà chỉ có mình ên chị nên không khí luôn vui, chị hết bị ông này chọc đến ông kia ghẹo, rồi cười, rồi nhìn nhau chia sẻ cái mệt qua từng đáy mắt.
Chỉ một buổi chiều mà bốn năm công ruộng sạ của chị được lấp kín màu xanh của lúa. Chị chia tay ra về lòng hớn hở.
- Lúa tui êm rồi, của các anh ai nấy làm, mai tui đi chải tóc sơn móng, mốt đi du lịch nhen!
Một anh giãy nảy:
- Trời ơi! Hường không ra đồng sao tụi tui làm nổi? Chơi ăn gian hen! Người ta hè nhau giặm cho mình xong cái mình thảnh thơi đi chơi coi được à?
- Hù các ông chơi chớ ai mất dạy kiểu đó! Sáng ra đồng sớm giặm lúa cho anh Ba Nheo nhen! Ông nào mê ngủ với vợ, sáu giờ không dậy, tui kéo giò văng khỏi mền đừng trách đó!
Đi bộ chầm chậm về nhà theo con đê gió chiều mát thổi, Hường nghe trong lòng sảng khoái lạ thường. Rồi chị chợt buồn. Câu vô tình: “Ông nào mê ngủ với vợ…” khiến chị chạnh lòng.
Mười năm Hường mất đi cái hạnh phúc được chồng “mê ngủ” ấy... Giờ là một góa phụ đảm đang bằng một chiếc bóng bên đồng vào mùa giặm lúa…
Thành Nam