Theo báo cáo khoa học mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố cuối tuần qua, WB đã đưa ra viễn cảnh đáng báo động đối với nhiều khu vực trên thế giới trước tình trạng trái đất ấm lên. Theo đó, tại khu vực Đông Nam Á, các cộng đồng nông thôn sẽ phải chịu áp lực mạnh nhất do mực nước biển dâng, bão tố gia tăng cường độ và hệ sinh thái biển bị hủy hoại khi nhiệt độ tăng thêm 40C. Việc này sẽ làm trầm trọng hơn những thách thức mà Việt Nam đang phải nỗ lực vượt qua, đồng thời đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và môi trường.
Hành động ngay
Báo cáo khoa học do WB phối hợp với Viện Nghiên cứu tác động của khí hậu Postdam (Đức) cho biết, quá trình gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu đang ngày càng đe dọa tới sức khỏe và cuộc sống của những cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương nhất. Trái đất đang ấm lên, đặc biệt là đối với châu Phi và châu Á. Trong đó, châu Á là một khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Tại Nam Á, tác động của sự thay đổi mạnh mẽ quy luật của gió mùa có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lớn trong khu vực.
Theo báo cáo này, tốc độ nước biển dâng đang diễn ra nhanh hơn so với dự kiến trước đây, vào năm 2050 mức tăng nước biển đã được xác định lên đến 50cm. Trong một số trường hợp, tác động từ việc nước biển dâng có thể được cảm nhận sớm hơn nhiều. “Nếu như không có các biện pháp thích ứng, chỉ cần nước biển dâng 15cm, cùng với lốc xoáy dữ dội hơn, nhiều khu vực của Bangkok, Thái Lan có thể bị nhấn chìm vào năm 2030” - báo cáo này cảnh báo. Bên cạnh đó, luồng người di cư từ các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề tới các đô thị có thể dẫn đến ngày càng có nhiều người sống trong những khu nhà tạm bợ, phải chịu cái nóng khủng khiếp, lũ lụt và bệnh tật.
Đến năm 2030, nạn hạn hán và nóng nực tại vùng Hạ Sahara của châu Phi sẽ khiến 40% diện tích đất trồng bắp hiện nay không còn thích hợp với loại cây này, đồng thời làm lụi tàn những đồng cỏ và đe dọa cuộc sống của dân du mục. Tùy vào từng tiểu vùng, tỷ lệ dân số suy dinh dưỡng trên châu lục dự báo sẽ tăng từ 25% - 90% so với hiện nay. Tại Đông Nam Á, các cộng đồng nông thôn sẽ phải chịu áp lực mạnh nhất do mực nước biển dâng, bão tố gia tăng cường độ và hệ sinh thái biển bị hủy hoại khi nhiệt độ tăng thêm 40C. “Tuy nhiên, nhân loại có thể tránh được những hậu quả tồi tệ nhất nếu giữ cho nhiệt độ tăng dưới 20C”- báo cáo trên khẳng định. Theo nhận định của WB, khi nhiệt độ trái đất tăng thêm 20C, thế giới sẽ phải chứng kiến những đợt nóng chưa từng có và lốc xoáy dữ dội, hậu quả là nhiều khu vực trên thế giới sẽ lâm vào tình trạng thiếu hụt lương thực và tác động mạnh mẽ đến người nghèo. Chính vì thế, WB đã nhấn mạnh: cộng đồng quốc tế cần có hành động khẩn cấp không chỉ nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà còn giúp các nước chuẩn bị đối phó với khí hậu bất thường và khắc nghiệt.
TPHCM bị ảnh hưởng nặng
Điểm quan trọng nhất của báo cáo WB là 20% khả năng trái đất sẽ nóng thêm 40C vào năm 2100 nhưng cũng có thể sớm hơn vào 2060. Ảnh hưởng này không đều, khu vực vĩ độ thấp hơn bị ảnh hưởng nặng nhất. Phân tích việc này ảnh hưởng đến các TP duyên hải, báo cáo của WB dự đoán: Jarkarta, Yangon, Manila, Bangkok và TPHCM là các TP ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng nhiều nhất do nước biển dâng và số lượng các trận bão tăng lên. Trong đó, TPHCM có đến 60% khu vực đã xây dựng được dự đoán chịu tác động khi nước biển dâng thêm 1m.
Ngoài ra, WB cũng đưa ra loạt báo cáo giảm nhiệt cho trái đất thời gian qua và phân tích việc tại sao phải tránh cho trái đất ấm lên thêm 40C và điều này có tác động đến Việt Nam như thế nào. Cụ thể, nếu nền nhiệt trái đất ấm lên 40C sẽ làm trầm trọng hơn những thách thức mà Việt Nam đang phải nỗ lực vượt qua đồng thời đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và môi trường. Trong đó, nền nhiệt trái đất ấm thêm 40C vào năm 2040 sẽ làm nước biển dâng 30cm, có thể làm thiệt hại khoảng 12% sản lượng nông nghiệp so với mức hiện nay, do ngập lụt và xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng gạo có thể sẽ sụt giảm 2,6 triệu tấn/năm so với sản lượng năm 2010. Năng suất lúa dự đoán sẽ giảm từ 6% - 12% ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sản xuất thủy - hải sản cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Theo đó, chi phí để các loài tôm và cá trơn thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất khoảng 130 đến 190 triệu đồng/năm. Đại diện của WB phác thảo viễn cảnh báo động khi trái đất ấm lên: “Dân cư vùng duyên hải, đặc biệt là vùng ĐBSCL rất dễ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng và gia tăng cường độ các cơn bão nhiệt đới. Sinh kế vùng nông thôn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người nghèo thành thị sẽ bị ảnh hưởng bởi thời tiết nóng cực đoan, ngập lụt…”.
Nhận định về bản báo cáo thời tiết cực đoan và ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB cho biết, trong 20 - 30 năm tới, các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất cao, sẽ khiến nguồn nước ngọt bị khan hiếm, lương thực thiếu trầm trọng. “Thời gian còn dành cho công tác ứng phó thiên tai là rất ngắn, cả thế giới cũng đang cố gắng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Riêng với Việt Nam, tình trạng đói nghèo sẽ không thể chấm dứt nếu không giải quyết triệt để tình trạng này” - ông Jim Yong Kim nhấn mạnh. Trước những thách thức này, đại diện WB khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đưa ra khuyến nghị: Việt Nam cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo, để giảm những tác động tiêu cực đang gia tăng từ rủi ro khí hậu đến cuộc sống con người, đặc biệt là những người nghèo dễ bị tổn thương. “Nhiệt độ trái đất ấm lên là điều khó tránh khỏi nhưng để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây nên, chúng ta cần hành động khẩn cấp vì tương lai của trái đất” - vị này đưa thông điệp.
HÀ PHƯƠNG