Giảm thiểu được lượng chất thải ô nhiễm từ hệ thống kênh rạch cũng đồng nghĩa với việc cải thiện chất lượng nước sông Đồng Nai. Đây được xem là việc làm cấp thiết nhằm bảo vệ chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt cho gần 20 triệu người dân. Tuy nhiên, tại TPHCM, muốn làm được điều này, cần khoản chi phí khổng lồ để có thể duy trì cũng như đầu tư xây dựng mới thêm rất nhiều nhà máy xử lý nước thải.
Nhiều dự án cải thiện môi trường
Ông Cao Tung Sơn, Phó Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM cho biết, để thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, nhiều giải pháp mạnh đã được áp dụng.
Cụ thể, Sở TN-MT đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý 310 đơn vị. Trong đó, xử phạt và buộc tạm đình chỉ 100 đơn vị có hành vi vi phạm môi trường nghiêm trọng. Riêng 37 doanh nghiệp ô nhiễm nằm trong quyết định phải di dời của Chính phủ, thành phố đã tổ chức giải quyết những khó khăn, vướng mắc về vốn và địa điểm di dời cho các doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương.
Những trường hợp chưa di dời thì áp dụng biện pháp thanh tra, kiểm tra định kỳ ít nhất mỗi năm hai lần và đột xuất. Song song đó, đẩy mạnh hoạt động hiệu quả các quỹ bảo vệ môi trường như quỹ xoay vòng lãi suất 4%/năm; quỹ giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp lãi suất 0%/năm cho các doanh nghiệp có nhu cầu…
Đến nay, 100% cơ sở đã được rút tên, di dời, ngưng hoạt động hoặc hoàn tất việc xử lý ô nhiễm. 15/15 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Một góc hồ chứa nước thải Nhà máy nước thải Bình Hưng xử lý nước thải trên phạm vi 1.000ha với công suất 141.000 m³/ngày. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Không dừng lại đó, việc cải tạo một số tuyến kênh rạch cũng được chú trọng đầu tư, bởi đây là những nguồn dẫn chất thải ra sông. Thành phố đã kết hợp cải tạo hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, kênh Thầy Cai - sông Cần Giuộc… với việc đưa vào vận hành một số nhà máy xử lý nước thải đô thị.
Cụ thể như Trạm xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) có công suất xử lý 30.000m³/ngày, sử dụng công nghệ hồ sinh học, thu gom và xử lý nước thải cho lưu vực kênh Đen rộng khoảng 785ha; Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh) có công suất xử lý 141.000m³/ngày, hiện nhà máy đang xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt của các khu dân cư quận 1, 3, 5, 7 và 10 trên phạm vi 1.000ha; Trạm xử lý nước thải Tân Quy Đông với công suất xử lý 500m³/ngày, phục vụ xử lý nước thải sinh hoạt cho khu dân cư Tân Quy Đông, phường Tân Phong, quận 7… Những dự án này đã từng bước làm thay đổi hẳn diện mạo môi trường của thành phố theo hướng thân thiện hơn với môi trường.
Xây dựng thêm 12 nhà máy xử lý nước thải
Tuy kết quả đạt được rất đáng khích lệ nhưng để có thể giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại thành phố cũng như giảm thiểu tải lượng ô nhiễm môi trường ra sông thì vẫn cần khoản kinh phí lên đến vài ngàn tỷ đồng để xây dựng thêm các nhà máy xử lý nước thải. Đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM cho biết, từ nay cho đến năm 2015, thành phố đang đẩy mạnh kêu gọi, đầu tư xây dựng 12 nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Cụ thể là Nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn với công suất 120.000m³/ngày; Nhà máy xử lý nước thải Tân Hóa - Lò Gốm với công suất 300.000m³/ngày; Nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 với công suất 170.000m³/ngày; Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát với công suất 250.000m³/ngày; Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè với công suất 480.000m³/ngày (giai đoạn 1) và 800.000m³/ngày (giai đoạn 2).
Không chỉ vậy, nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng về việc bảo vệ môi trường tuy có chuyển biến nhưng chưa tạo được thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của đại bộ phận dân cư. Tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường tại khu vực dân cư và doanh nghiệp lân cận thành phố vẫn còn rất phổ biến. Điển hình tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò, kênh giáp ranh tỉnh Long An, thượng nguồn sông Sài Gòn giáp ranh tỉnh Tây Ninh…
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN-MT TPHCM, vừa qua sở đã hợp tác chặt chẽ với các địa phương lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang trong việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh như cải tạo kênh Ba Bò, kiểm soát các nguồn ô nhiễm xả thải ra sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, kênh Thầy Cai - An Hạ; xây dựng khu xử lý chất thải rắn chung giữa TPHCM và Long An, nâng cao năng lực ứng phó sự cố tràn dầu cho các cán bộ địa phương, xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và bản đồ nhạy cảm khu vực tràn dầu trên địa bàn TPHCM… Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc phối hợp triển khai các dự án, nhiệm vụ liên tỉnh.
Có thể nói, việc bảo vệ môi trường là cấp thiết, đặc biệt là bảo vệ chất lượng nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt cho 20 triệu người dân thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Tuy nhiên, nếu chỉ có một mình TPHCM làm mà thiếu sự đồng bộ từ các tỉnh thành khác; nếu mâu thuẫn lợi ích kinh tế giữa các tỉnh thành vẫn tiếp tục kéo dài không được giải quyết thỏa đáng, nhiều tỉnh thành vẫn coi trọng phát triển kinh tế hơn bảo vệ môi trường, thì dù TPHCM có bỏ vào hàng trăm ngàn tỷ đồng để cải thiện ô nhiễm chất lượng môi trường nhằm giảm thiểu tải lượng ô nhiễm cho sông Đồng Nai, cũng sẽ trôi theo sông.
Minh Xuân