Giảm phát thải CO2 trong các ngành công nghiệp nặng

Bộ TN-MT ước tính, đến năm 2020 lượng phát thải khí nhà kính từ các ngành công nghiệp là 234 triệu tấn CO2, trong đó nhiều nhất là các ngành sản xuất xi măng, thép và dệt nhuộm.
Giảm phát thải CO2 trong các ngành công nghiệp nặng

Bộ TN-MT ước tính, đến năm 2020 lượng phát thải khí nhà kính từ các ngành công nghiệp là 234 triệu tấn CO2, trong đó nhiều nhất là các ngành sản xuất xi măng, thép và dệt nhuộm.

Nhằm giới thiệu đến các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong các ngành sản xuất nêu trên những giải pháp và kinh nghiệm tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả, giúp các DN cắt giảm chi phí, từ đó hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường, tuần qua tại TPHCM, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Bộ Công thương, Sở Công thương TPHCM đã cùng phối hợp tổ chức Hội thảo “Hiện trạng sử dụng năng lượng và tiềm năng giảm chi phí năng lượng trong các ngành sản xuất xi-măng, thép và dệt nhuộm”.

Sản xuất thép tiêu hao năng lượng và phát thải CO2 nhiều. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất thép tiêu hao năng lượng và phát thải CO2 nhiều. Ảnh: CAO THĂNG

Theo báo cáo tại hội thảo, các ngành công nghiệp nặng hiện nay đang là một trong những tác nhân quan trọng gây nên sự biến đổi khí hậu do mức độ phát thải CO2 cao. Trong tương lai gần, việc phát triển các ngành công nghiệp nặng ở nước ta phải song song với các biện pháp giảm phát thải CO2, tiết kiệm năng lượng tiêu thụ trong quá trình sản xuất, hạn chế tác động đến môi trường.

Dựa trên cơ sở sản lượng xi măng sản xuất và tiêu thụ năm 2011, Bộ Công thương dự kiến sản xuất và tiêu thụ năm 2012 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2011, đạt 55 - 56,5 triệu tấn. Ước tính cứ mỗi tấn xi măng được sản xuất, có khoảng 1,89 tấn CO2 được phát thải.

Về ngành sản xuất thép, hàng năm ngành này tiêu thụ khoảng 6% tổng năng lượng tiêu thụ của ngành công nghiệp của Việt Nam. Chỉ tính trong 6 nhà máy được chọn để khảo sát và phân tích trên tổng số 21 nhà máy sản xuất phôi thép tại Việt Nam tính đến đầu năm 2011 (chiếm 28,6% phân ngành sản xuất phôi thép), đã sản xuất được hơn 959 ngàn tấn thép xây dựng (chiếm 16,8% tổng sản lượng cả nước). Mức tiêu thụ năng lượng hàng năm ở các nhà máy này là hơn 187,2 ngàn TOE, phát thải ra 687,4 ngàn tấn CO2 mỗi năm. (Mức tiêu thụ năng lượng 1 TOE tương đương với mức tiêu thụ năng lượng từ 1 tấn dầu-PV).

Hệ số phát thải CO2 theo các dạng năng lượng.(Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng)
Hệ số phát thải CO2 theo các dạng năng lượng.(Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng)

Theo Bộ KH-CN, trong năm 2005 toàn ngành dệt nhuộm đã sử dụng gần 31 ngàn TOE, trong đó chủ yếu là điện và dầu F.O., phát thải gần 122 ngàn tấn CO2. Có thể thấy, cùng với sự phát triển về kinh tế, lượng phát thải CO2 ra môi trường do hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp nặng cũng theo đó ngày một gia tăng. Do đó, các nhà sản xuất cần phải có những thay đổi trong phương pháp sản xuất, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất lượng phát thải CO2 nhằm ngăn chặn sự biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống.

Các chuyên gia đã đưa ra một số phương pháp nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng, thép và dệt nhuộm. Các phương pháp này chủ yếu là tận dụng triệt để năng lượng, tránh thất thoát, rò rỉ, hỗ trợ qua lại giữa các công đoạn sản xuất. Bên cạnh đó, hội thảo còn giới thiệu một số thiết bị giúp tiết kiệm năng lượng với chi phí đầu tư hợp lý.

HIẾU THƯỢNG

Tin cùng chuyên mục