Giám sát mạnh đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Giám sát mạnh đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

(SGGPO).- Sáng 18-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Trưởng Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và cho ý kiến về báo cáo này.

Bản báo cáo giám sát khẳng định, đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần vào phát triển kinh tế của đất nước. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng được tăng cường và hoàn thiện, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại; từng bước giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ngày càng tốt hơn… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung khắc phục trong vài ba năm tới. 

Công trình hạ tầng phục vụ nông thôn mới cần nguồn vốn đầu tư lớn. (ảnh: Bờ bao ngăn triều phục vụ nông nghiệp tại quận 12, TPHCM). Ảnh: Cao Thăng

Công trình hạ tầng phục vụ nông thôn mới cần nguồn vốn đầu tư lớn. (ảnh: Bờ bao ngăn triều phục vụ nông nghiệp tại quận 12, TPHCM). Ảnh: Cao Thăng

Trong số những hạn chế kể trên, báo cáo nhận định, quy định khống chế hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trong Luật Đất đai đã gây khó khăn cho việc mở rộng diện tích và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Một cản ngại khác là thời hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai đến nay đã sắp hết hiệu lực, nhưng chưa có chủ trương cụ thể, nên nông dân không mạnh dạn và an tâm đầu tư.

Bên cạnh đó, quy định về công tác giải phóng mặt bằng chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền của Nhà nước - đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai (khi thực hiện thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế) và quyền của người dân có đất bị thu hồi.

Những bất cập được báo cáo chỉ rõ còn bao gồm nguồn lực đầu tư hạn chế, vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả không cao, một số nơi còn xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư; công tác lập và thực hiện quy hoạch chưa sát thực tế; nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo vẫn còn ở mức cao…

Đánh giá cao nỗ lực của Đoàn Giám sát về việc “phải thu thập, xử lý khối lượng thông tin khổng lồ về một vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng đến đại bộ phận dân cư”, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định, những mặt tích cực và hạn chế được chỉ ra trong báo cáo là những đặc điểm của hoạt động đầu tư công nói chung, chưa thể hiện đặc thù của đầu tư công trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ông Phùng Quốc Hiển đề nghị rà soát, kiểm tra lại một số số liệu thống kê mà ông cho là chưa chính xác...

Tập trung phân tích một số hạn chế, yếu kém, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, việc đầu tư thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay vẫn có tình trạng nơi thì quá nhiều chương trình chồng chéo, chưa được lồng ghép tốt; nơi lại rất thiếu. Thế nên mới có chuyện cái cần đầu tư thì không có, cái đang đầu tư lại chưa thực sự cần. Chẳng hạn như có xã rất cần giường bệnh thì lại được giao máy vi tính. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nhất trí với 12 kiến nghị mà Đoàn Giám sát nêu trong Báo cáo, nhưng yêu cầu phân tích sâu hơn, nêu rõ hướng xử lý cụ thể; đặc biệt lưu ý những bất cập trong Luật Đất đai.

Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị phân tích, làm sâu sắc thêm những đánh giá về chính sách giảm nghèo; chính sách nâng cao mặt bằng dân trí ở nông thôn; các vấn đề đất đai ở nông thôn…

Nhóm cận nghèo rất đông là đặc điểm của dân cư nông thôn Việt Nam. Nhà nước cần có thêm những chương trình hướng đến nhóm đối tượng này để họ thực sự thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, có một vấn đề rất quan trọng chưa được đánh giá, đó là năng lực, hiệu quả quản lý của chính quyền nông thôn, bà Trương Thị Mai nhận xét.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phát biểu, hiện vẫn tồn tại tâm lý chờ đợi sự hỗ trợ từ trung ương. Nhiều dự án có tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương rất thấp, thậm chí bằng không; nguồn lực huy động từ dân cũng rất ít. Cần có những giải pháp khắc phục tình trạng này.

Theo chương trình nghị sự dự kiến, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo giám sát sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tới. Phiên họp của Quốc hội về vấn đề này sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp để đông đảo người dân theo dõi.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục