Việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo y dược
Tuần qua, Quyết định của Bộ GD-ĐT cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành y đa khoa và ngành dược học trình độ đại học hệ chính quy đã gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận, bởi đây là trường đại học ngoài công lập, đào tạo đa ngành, lại được cấp phép đào tạo ngành y dược - vốn là ngành đang bị hạn chế cấp phép.
Phóng viên Báo SGGP trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Phụng (ảnh), quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT để làm rõ thêm vấn đề này.
* Phóng viên: Quyết định của Bộ GD-ĐT cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành y đa khoa và ngành dược học gây phản ứng mạnh mẽ còn bởi những phát ngôn xem ra trái chiều giữa Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT. Đặc biệt là về đội ngũ giảng viên của trường, Bộ Y tế nói trong số 47 người mà trường công bố, có nhiều người chưa ký hợp đồng với trường?
* Bà NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG: Vào lúc liên bộ chúng tôi thẩm định mở ngành thì danh sách giảng viên của họ có 47 người của ngành y đa khoa, 17 người đã có hồ sơ cam kết, số còn lại thiếu hợp đồng lao động hoặc thiếu cam kết hoạt động toàn thời gian cho trường. Đó là tiêu chuẩn để tính giảng viên cơ hữu - một trong những điều kiện mở ngành. Sau thẩm định thì Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT đều đề nghị bổ sung và trường đã bổ sung thì Bộ GD-ĐT mới cấp phép mở ngành.
Chúng tôi không nghĩ quan điểm của hai bộ bất nhất. Cũng có thể do cách diễn đạt đã làm cho không thống nhất. Khi đi thẩm định điều kiện mở ngành của trường này thì trong biên bản, các bên đều thống nhất trường đủ điều kiện mở 2 ngành y dược. Đoàn thẩm định cũng yêu cầu trường phải bổ sung thêm đội ngũ và cơ sở vật chất để phù hợp với tiến độ đào tạo của các năm học sau và nếu muốn mở rộng quy mô đào tạo thì phải bổ sung thêm. Còn những năm đầu họ đã chuẩn bị đủ. Trong quá trình tới đây, khi họ đi vào tuyển sinh và đào tạo thì 2 bộ tiếp tục kiểm tra cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất.
* Nếu nhiều trường đại học ngoài công lập khác cũng chứng minh họ có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, giảng viên… để đào tạo ngành y dược thì Bộ GD-ĐT có cấp phép?
* Cuối năm 2014, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi tất cả các cơ sở đào tạo là sẽ dừng cấp phép đào tạo ngành y dược ở các trường đa ngành không chuyên về y dược, trong trường hợp đặc biệt thì Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế kiểm tra các điều kiện để cho phép mở ngành. Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có đặc thù là họ đã xin cấp phép từ năm 2013. Khi đó, chúng tôi không đồng ý và yêu cầu phải nâng cao các điều kiện để được cấp phép trong giai đoạn tới. Vì trường đã đầu tư, bảo đảm đủ điều kiện nên Bộ GD-ĐT tiếp tục xem xét, đây là trường hợp đặc biệt đúng với tinh thần của công văn cuối năm 2014. Tới đây cũng vậy, tùy từng điều kiện cụ thể mà chúng tôi sẽ xem xét có nên cấp phép hay không.
* Các trường y có thương hiệu hiện nay đều lấy điểm đầu vào từ 27 điểm trở lên với ngành y đa khoa, dược. Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội dự kiến tuyển sinh từ 2016 và điểm đầu vào khoảng 20. Bà có an tâm?
* Chúng tôi hiểu lo ngại của xã hội về việc này. Nhưng nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT là đảm bảo điều kiện mở ngành đúng quy định. Còn khi tuyển sinh, chắc chắn trường phải có quy định về điểm đầu vào của ngành đào tạo chứ không phải lấy điểm sàn các ngành khác áp dụng cho ngành y đa khoa. Chúng ta quản lý chất lượng cũng không chỉ độc tôn chất lượng đầu vào, vì như thế là cổ súy mô hình đào tạo cũ. Chúng ta cần quản lý chất lượng đào tạo trong suốt quá trình, kiểm soát chuẩn đầu ra.
* Dù Bộ GD-ĐT có giải thích thế nào thì cũng không thể khiến xã hội an tâm với quyết định trao quyền đào tạo ngành y dược cho một trường ngoài công lập chuyên về kinh doanh, công nghệ?
* Chúng ta không nên định kiến với trường tư thục, pháp luật cũng không phân biệt. Nếu trường tư mà làm tốt thì còn tốt hơn là nhà nước tốn tiền đầu tư.
Trên thế giới, đào tạo y cũng phần lớn ở trường tư đa ngành chứ không đơn ngành. Ở các nước phát triển thì nhà nước không đầu tư vào trường y, do đây là lĩnh vực rất tốn kém, nhà nước chỉ làm những gì mà thị trường không làm. Chúng ta đang bắt đầu xã hội hóa giáo dục. Bộ GD-ĐT rất hiểu tâm lý của xã hội, và điều đó khiến chúng tôi cũng có áp lực là phải giám sát thật chặt việc đảm bảo chất lượng đào tạo ở các trường hợp này.
* Vậy Bộ GD-ĐT có đặt ra một cơ chế giám sát đặc biệt đối với Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong đào tạo y dược để xã hội yên tâm?
* Với trường hợp này, trong biên bản thẩm định chúng tôi nói đã đủ điều kiện mở ngành, nhưng vẫn yêu cầu trường phải đầu tư thêm theo lộ trình các năm học và nếu muốn mở rộng quy mô. Vì thế những năm cuối của khóa học, chúng tôi sẽ kiểm tra xem họ đã bổ sung đầy đủ chưa; hoặc khi họ mở rộng quy mô thì chúng tôi cũng phải kiểm tra. Còn bây giờ, nếu không tin tưởng trường, đặt họ vào cơ chế kiểm tra đặc biệt thì tôi nghĩ không công bằng. Bộ GD-ĐT sẽ có cách kiểm tra, giám sát của mình.
* Cảm ơn bà!
PHAN THẢO
|