Giảm sức ép năng lượng

Một trong những điểm chính của Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Paris (COP 21) vừa qua là giảm nhẹ phát thải, đủ nhanh để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng thấp hơn 2°C, hướng tới 1,5°C.

Một trong những điểm chính của Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Paris (COP 21) vừa qua là giảm nhẹ phát thải, đủ nhanh để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng thấp hơn 2°C, hướng tới 1,5°C.

Để đạt được điều đó, trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia đều phải tính đến yếu tố sử dụng bền vững và tiết kiệm năng lượng. Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) và Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã rà soát, phân tích và đưa ra một số khuyến nghị đối với Quy hoạch điện VII, nhằm hướng tới việc sử dụng năng lượng bền vững ở Việt Nam.

Dự báo cao gây nhiều sức ép

Quy hoạch điện VII đưa ra con số nhu cầu điện thương phẩm đến năm 2020 là 290 tỷ kWh và đến 2030 là 615 tỷ kWh. Theo các chuyên gia của GreenID và VSEA, dự báo nhu cầu điện trong Quy hoạch điện VII lớn hơn nhiều so với thực tế. Lý do là lựa chọn tốc độ phát triển kinh tế và sử dụng phương pháp dự báo chưa hợp lý. “Việc dự báo cao đã dẫn tới việc lựa chọn tỷ trọng nhiệt điện than chiếm hơn một nửa trong cơ cấu nguồn điện dẫn đến nhu cầu than quá lớn và phải phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu”, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, nhận xét.

Các nhà thực hiện quy hoạch điện lựa chọn tỷ trọng điện than chiếm tới 56% trong tổng sản lượng điện vào năm 2030. Lựa chọn này gây áp lực quá lớn đối với môi trường, xã hội và rủi ro cao cho an ninh năng lượng quốc gia, nhất là trong bối cảnh Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với thiên tai và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Dự báo nguồn than nhập khẩu chiếm tới 70% nguồn than nhiên liệu để phát điện vào năm 2030. Việc nhập khẩu than với số lượng lớn không hề đơn giản mà đòi hỏi phải có tiềm lực tài chính, cơ sở hạ tầng cho việc vận chuyển than, điều mà Việt Nam chưa sẵn sàng. Thêm vào đó, dự báo nhu cầu điện cao sẽ kéo theo sự thiếu chính xác trong việc xây dựng quy hoạch phát triển nguồn điện, lưới truyền tải và phân phối điện: hoặc quy hoạch khó khả thi do nguồn vốn quá lớn, hoặc lãng phí do xây dựng và gây ô nhiễm môi trường do giải phóng mặt bằng quá nhiều.

Ngoài ra, do quá tập trung vào nguồn nhiên liệu than, Quy hoạch điện VII chưa quan tâm đúng mức đến vai trò sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như năng lượng tái tạo trong việc đáp ứng nhu cầu điện.

Có thể giảm nửa nhu cầu

GreenID và VSEA đề xuất tính nhu cầu điện thương phẩm trên cơ sở các yếu tố: tính hiện thực của chỉ tiêu tăng trưởng GDP, vai trò của sử dụng năng lượng tiết kiệm, giá than theo cơ chế thị trường, xu thế phát triển của công nghệ năng lượng tái tạo trên thế giới và mục tiêu phát triển bền vững. Xét theo phương án cơ sở, nhu cầu điện năm 2030 sẽ là 464 tỷ kWh, chỉ bằng 76% dự báo nhu cầu điện của Quy hoạch điện VII. Xét theo phương án tiết kiệm nhu cầu điện vào năm 2030 sẽ giảm xuống còn 407 tỷ KWh, chỉ bằng 66% nhu cầu điện dự báo trong Quy hoạch điện VII. Còn xét theo giá trị  tuyệt đối của phụ tải điện  thương phẩm, dự báo nhu cầu điện có thể  giảm được 208 tỷ KWh so với Quy hoạch điện VII vào năm 2030. Qua đó cho thấy việc cắt giảm 13,7 tỷ kWh từ nguồn điện nguyên tử và 194 tỷ KWh từ nguồn điện than nhập khẩu là có khả năng. Việt Nam có thể không cần đầu tư 5.000MW điện nguyên tử và 40.000 MW nhiệt điện than. Ngoài ra, tín hiệu từ các cơ quan chức năng Việt Nam cũng như nhiều tổ chức quốc tế cho thấy năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió, sẽ tham gia tích cực hơn vào hệ thống điện Việt Nam.

KHÁNH LÊ

Tin cùng chuyên mục