Trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường.
Ở Việt Nam, chỉ tính trong 10 năm gần đây (2001-2010), các loại thiên tai như bão lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống con người cả về kinh tế lẫn xã hội, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.
Bên cạnh đó, BĐKH còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp đến sức khỏe cộng đồng ở nước ta, vốn là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề nhất bởi BĐKH.
Dưới tác động của BĐKH, những nguồn gây bệnh có điều kiện gia tăng, dẫn đến dễ bùng phát và lan truyền các bệnh dịch như bệnh cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, tiêu chảy, dịch tả…
Tác hại của BĐKH đã rõ ràng như thế, nhưng những thông tin trong buổi hội thảo “Rủi ro BĐKH và các tác động đối với sức khỏe: Khoa học chính sách và sự thích ứng trong bối cảnh đô thị Việt Nam” được Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển (COHED) phối hợp với Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tuần qua cho thấy, rất nhiều giải pháp thích ứng với BĐKH đã được đưa ra vẫn gặp khó khăn trong thực hiện.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu đó là nhận thức về BĐKH của cộng đồng còn hạn chế và phiến diện, mới chỉ quan tâm nhiều đến các tác động tiêu cực mà BĐKH gây ra mà chưa quan tâm đúng mức tới việc chuyển đổi lối sống, mẫu hình sản xuất và tiêu thụ theo định hướng cácbon thấp, tăng trưởng xanh. Chiến lược Quốc gia về BĐKH đã được thông qua nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện do chưa có sự đồng bộ giữa các ban ngành. Những thách thức đó đòi hỏi chúng ta cần phải có những nỗ lực hơn nữa trong các chính sách, biện pháp tăng cường nhận thức và năng lực ứng phó với BĐKH.
THANH TOÀN - HIẾU THƯỢNG