Giảm thiểu ô nhiễm môi trường: Ý thức của cả cộng đồng

Bài viết “Giảm thiểu ô nhiễm: Kiểm soát nguồn thải” đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 31-5 đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia môi trường. Trong đó, phần lớn ý kiến cho rằng, muốn giảm thiểu được ô nhiễm nhất thiết phải xác định chính xác nguồn thải ô nhiễm cũng như những yếu kém và bất cập trong công tác quản lý và thực hiện Luật Bảo vệ môi trường. Từ đó mới xây dựng được những giải pháp, chính sách xử lý phù hợp.
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường: Ý thức của cả cộng đồng

Bài viết “Giảm thiểu ô nhiễm: Kiểm soát nguồn thải” đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 31-5 đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia môi trường. Trong đó, phần lớn ý kiến cho rằng, muốn giảm thiểu được ô nhiễm nhất thiết phải xác định chính xác nguồn thải ô nhiễm cũng như những yếu kém và bất cập trong công tác quản lý và thực hiện Luật Bảo vệ môi trường. Từ đó mới xây dựng được những giải pháp, chính sách xử lý phù hợp.

  • Ít chú tâm

PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, cho biết nguồn thải ô nhiễm hiện rất đa dạng, gồm: khí thải, tiếng ồn, nước thải, chất thải rắn đô thị, công nghiệp, chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động giao thông, sản xuất, sinh hoạt.

Có 5 yếu tố quyết định hiệu quả quản lý môi trường, đó là: nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và lãnh đạo quản lý; vốn đầu tư hạ tầng tiếp nhận, xử lý chất thải; hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý đối tượng vi phạm môi trường; công nghệ xử lý chất thải phù hợp với từng đối tượng và cuối cùng là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp, cộng đồng chủ động thực hiện bảo vệ môi trường.

Đối chứng 5 yếu tố trên vào thực tế môi trường hiện nay, chúng ta dễ nhận thấy tồn tại rất nhiều yếu kém và bất cập cả trong công tác quản lý lẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường. Giáo sư Lâm Minh Triết, Viện Môi trường - Tài nguyên Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng hiện doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nói riêng và cả nước nói chung rất nhiều nhưng cán bộ quản lý môi trường lại rất ít, chiếm tỷ lệ khoảng 1/1.000. Trang thiết bị phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, xác định mức độ vi phạm môi trường của doanh nghiệp chưa được trang bị đầy đủ. Tình trạng chế tài những doanh nghiệp cố tình tái vi phạm môi trường vẫn chưa được thực hiện triệt để. Bản thân chính quyền địa phương thiếu vốn để đầu tư hạ tầng tiếp nhận, xử lý chất thải.

Về phía doanh nghiệp, ý thức tự giác trong việc xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất còn rất kém. Phần lớn doanh nghiệp vẫn đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Còn về cộng đồng, dù nhận thức bảo vệ môi trường được nâng lên đáng kể nhưng vẫn loay hoay tìm kiếm những hành động cụ thể, thiết thực và gần với cuộc sống của mình hơn. Chính từ những nguyên nhân trên, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến rất phức tạp và ngày càng khó kiểm soát.

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường: Ý thức của cả cộng đồng ảnh 1

Vận hành hệ thống xử lý nước thải tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

  • Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền

Giáo sư Lâm Minh Triết khẳng định, muốn chữa được “bệnh” ô nhiễm phải bắt đầu từ việc khắc phục những yếu kém đã nêu trên. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác giảm thiểu ô nhiễm cần thực hiện thêm nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, về phía quản lý nhà nước, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc tự giác chấp hành Luật Bảo vệ môi trường. Kế đến, phải tăng cường trang bị cả về nhân lực và vật lực cho lực lượng chuyên trách môi trường. Đồng thời, phải hoàn thiện và tổ chức thực hiện được biện pháp chế tài, buộc ngưng hoạt động doanh nghiệp cố tình vi phạm môi trường.

Ông Phùng Chí Sỹ nhấn mạnh thêm, Nhà nước cũng cần tăng cường xã hội hóa, đa dạng nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho việc tiếp nhận và xử lý chất thải. Thủ tục đầu tư cũng cần phải đơn giản hóa hơn. Theo đó, Nhà nước chỉ cần quản lý chặt nguồn vốn đầu tư từ ngân sách. Còn đối với nguồn vốn tư nhân, nước ngoài nên có cơ chế thoáng hơn. Có như vậy mới khuyến khích, đẩy nhanh hoạt động đầu tư vào lĩnh vực này của các nhà đầu tư, đáp ứng kịp thời yêu cầu xử lý chất thải thực tế. Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực môi trường, giải quyết dứt điểm tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra. Hiện có quá nhiều cơ quan chức năng cùng quản lý lĩnh vực môi trường, gây phiền hà không ít cho doanh nghiệp.

  • Đầu tư nhân lực và thiết bị hỗ trợ

Không dừng lại đó, Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt cho biết, thực tế đang tồn tại tình trạng văn bản pháp luật có sai sót hoặc chồng chéo, thậm chí “đá” lẫn nhau. Điều này xuất phát từ việc thiếu nghiêm trọng cán bộ có trình độ khoa học cao và có kinh nghiệm lâu năm trong nhiều lĩnh vực. Do đó, để quản lý đô thị nói chung và môi trường nói riêng có hiệu quả, cơ quan chức năng cần cân bằng giữa đầu tư nhân lực và trang thiết bị hỗ trợ công tác quản lý; có sự phân cấp rõ ràng từ cơ quan quản lý cấp thành phố và cấp quận huyện, phường xã. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý tiên tiến với sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện kỹ thuật hiện đại.

Riêng về phía cộng đồng, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cần cụ thể hơn thay vì kêu gọi chung chung như hiện nay. Cần chỉ cho người dân biết họ có thể làm được gì để góp phần bảo vệ môi trường. Đơn cử như chương trình “Tiêu dùng sản phẩm xanh” mà UBND TPHCM đang phát động cũng là một hoạt động rất hay. Người dân có thể góp phần bảo vệ môi trường sống chỉ với hành động rất đơn giản là “khi xách giỏ đi chợ, hãy chọn mua sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường”. Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng phải hỗ trợ thông tin cho người dân đâu là sản phẩm của các doanh nghiệp đang thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Xa hơn nữa, phải tuyên truyền để người dân hiểu được bảo vệ môi trường chính là họ đang bảo vệ cuộc sống, sức khỏe của chính mình và thế hệ sau này.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục