Giảm thiểu ô nhiễm từ những dự án thiết thực với đời sống người dân

Giảm thiểu ô nhiễm từ những dự án thiết thực với đời sống người dân

Một mô hình được Ban tổ chức đánh giá cao đó là mô hình “giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng hầm biogas” của Chi cục Phát triển nông thôn TPHCM.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn TPHCM, mô hình này nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra nguồn nhiên liệu, năng lượng sạch phục vụ cho sinh hoạt, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố.

Hộ chăn nuôi sử dụng bếp gas từ hầm biogas do Chi cục Phát triển nông thôn TPHCM hỗ trợ lắp đặt

Để góp phần thực hiện hoàn thiện và nâng chất tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, Chi cục Phát triển nông thôn TPHCM đã triển khai thực hiện mô hình “giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng hầm biogas” trên địa bàn 5 huyện, trong đó mỗi hộ được hỗ trợ 1 hầm  biogas bằng vật liệu compsite.

Mô hình này đã giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế được lượng chất thải chăn nuôi phát sinh ra môi trường xung quanh, góp phần phòng các dịch bệnh có hại trong chăn nuôi. Sử dụng phụ phẩm từ bể biogas có tác dụng cải tạo đất, làm tăng độ phì của đất, hạn chế hiện tượng đất bị thoái hóa, xói mòn.

Theo chia sẻ của các hộ chăn nuôi được lắp đặt hầm biogas thì việc lắp đặt hầm biogas đã mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể như giảm được rất nhiều mùi hôi từ chăn nuôi, mỗi khi trời lạnh họ có thể sử dụng điện từ hầm biogas để sưởi ấm cho heo. Ngoài ra, họ còn tiết kiệm được khoảng 300.000 - 400.000 tiền mua gas hàng tháng bằng việc sử dụng gas từ hầm biogas.

Ngoài ra, Chi cục Phát triển nông thôn TPHCM còn triển khai mô hình “sản xuất muối theo phương pháp kết tinh trên nền bạt gắn với cất trữ nước chạt, nhằm thích ứng với mưa trái mùa” để hỗ trợ nghề làm muối cho diêm dân huyện Cần Giờ.

Kết quả thực hiện cho thấy, giải pháp trên giúp giảm được tác động của các cơn mưa trái mùa và có thể sản xuất muối trong các tháng mùa mưa. Năng suất sản xuất cao hơn từ 10% - 20% so với không xây dựng hồ thu trữ nước chạt. Đồng thời mô hình cũng mang lại hiệu quả về bảo vệ môi trường bằng việc thực hiện sản xuất muối trên nền trải bạt đã ngăn lượng kim loại nặng thẩm thấu xuống mặt đất. Thông qua hồ trữ nước chạt có lót bạt đã hạn chế xả thải nước chạt có hàm lượng kim loại cao ra môi trường vào cuối mùa vụ.

Một mô hình bảo vệ môi trường khác cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) huyện Cần Giờ triển khai cách đây 3 năm là tuyến đường không rác. Đến nay mô hình này đã và đang mang lại những dấu hiệu tích cực. Những tuyến đường tại xã Lý Nhơn, huyện Củ Chi ngày càng trở nên xanh, sạch đẹp hơn.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Trần Thị Ngọc Hân, Chủ tịch HLHPN huyện Cần Giờ cho biết, nhằm thực hiện nếp sống văn minh đô thị, góp phần bảo vệ môi trường,  HLHPN huyện Cần Giờ đã triển khai thực hiện nhiều việc làm cụ thể, sáng tạo, trong đó nổi bật là mô hình tuyến đường không rác do chị em phụ nữ quản lý. Cứ 2 buổi/tuần, các chị em lại ra quân làm cỏ, dọn rác, phát hoang bụi rậm, khai thông cống rãnh, không để nước ứ đọng làm phát sinh ruồi muỗi, góp phần giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp tại khu dân cư. Nhờ đó tình trạng kém vệ sinh trên tuyến đường đã giảm đi nhanh chóng, cảnh quang hai bên đường khá sạch sẽ. Đi trên con đường sạch đẹp do chi hội phụ nữ quản lý, dường như mọi người cũng có ý thức hơn, không vứt rác bừa bãi.

Không dừng lại ở đó, mô hình này còn gắn kết chị em trong việc tích cực tham gia hoạt động xã hội thông qua những đợt ra quân làm sạch, đẹp đường làng, ngõ xóm và nhắc nhở mọi người dân chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục